Ông Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: NVCC |
Với hơn 25 ngàn Tủ sách nhân ái và hơn 300 Ngôi nhà trí tuệ đã được xây dựng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Học tập suốt đời, sáng lập mô hình Ngôi nhà trí tuệ và đồng sáng lập chương trình Tủ sách nhân ái được coi là người gieo những hạt mầm khuyến học, khuyến đọc khắp mọi miền quê trên cả nước.
Năm 2023, chương trình Tủ sách nhân ái, Ngôi nhà trí tuệ được Thư viện Quốc hội Mỹ vinh danh. Báo Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Tuấn về chương trình ý nghĩa này.
Hành trình dài của xây dựng văn hóa đọc
* Câu chuyện từ một kỹ sư cầu đường rẽ ngang sang làm doanh nghiệp xã hội, thực hiện chương trình Tủ sách nhân ái và Ngôi nhà trí tuệ được diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Tôi vốn xuất thân từ làng quê nghèo xứ Nghệ, thấu hiểu được sự khó khăn trong việc học hành và tiếp cận tri thức của người dân. Sau này, khi đi học, đi làm, tôi vẫn luôn mang trong mình ý tưởng làm sao để lập được một mô hình chia sẻ, trao tặng sách đi muôn nơi, kết nối những người thầy giỏi, những người bạn tốt khắp mọi miền của Tổ quốc và trên thế giới.
Chuyên ngành của tôi là kỹ sư cầu đường, có vẻ không thực sự liên quan đến sách vở. Mười mấy năm sáng lập và điều hành doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cũng là khoảng thời gian tôi có nhiều chương trình, hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện.
Sau một thời gian, tôi thấy cần nâng cấp các hoạt động từ thiện của mình, hướng tới các hoạt động nhân ái sâu sắc, bền vững hơn, lấy phát triển văn hóa đọc, tự học, học tập liên tục, phát triển trí tuệ làm nền tảng cốt lõi. Vì thế mà Tủ sách nhân ái và Ngôi nhà trí tuệ được ra đời.
* Thưa ông, tới hôm nay, độ phủ của chương trình đã đi đến chặng đường nào rồi?
- Ngôi nhà trí tuệ đầu tiên được tôi thiết kế ngay trong ngôi nhà của bố mẹ mình tại xóm 7, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Từ làng quê Nghệ An lan tỏa ra các địa phương khác và chúng tôi đang chuẩn bị để phủ sóng địa phương cuối cùng trong cả nước.
Hiện nay, tôi đã thiết lập được 25 ngàn Tủ sách nhân ái và 300 Ngôi nhà trí tuệ khắp cả nước. Tại nhiều địa phương, đây là một trong những chương trình nhận được sự quan tâm, đồng hành lớn từ chính quyền, các tổ chức, hội nghề nghiệp. Giờ đây, chúng tôi không còn phải làm mọi việc như trước nữa mà đã có thương hiệu. Nhiều địa phương tự giác tổ chức, chúng tôi chỉ hướng dẫn phương thức và tham dự như một khách mời, truyền cảm hứng, động lực cho việc duy trì các hoạt động về lâu dài của các ngôi nhà trí tuệ.
Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu NGUYỄN QUANG PHƯƠNG, 2 năm qua, huyện đã phối hợp với Viện Học tập suốt đời lần lượt thành lập các Ngôi nhà trí tuệ tại tất cả các xã và thị trấn. Hiện nay, mỗi xã và thị trấn đều có ít nhất 1 Ngôi nhà trí tuệ thu hút hàng ngàn người dân và trẻ em tới đọc sách, học tập, sinh hoạt văn hóa hàng tuần. |
* Cụ thể hơn, Tủ sách nhân ái và Ngôi nhà trí tuệ hướng đến các nội dung nào?
- Tủ sách nhân ái là chương trình hoạt động nhân ái trong lĩnh vực giáo dục, tập trung vào việc xây dựng chuỗi các mô hình tủ sách và thư viện, kiến tạo hệ sinh thái đọc sách cho các trường học và cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng văn hóa đọc, vun bồi trí tuệ và lòng nhân ái cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Ở đây, chúng tôi không chỉ tặng sách mà còn tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật về các giải pháp khuyến đọc, cách tổ chức các hoạt động đọc sách, hướng dẫn quy trình xây dựng tủ sách từ thí điểm, nhân rộng đến đánh giá hiệu quả đọc sách.
Ngôi nhà trí tuệ lại hướng đến mức độ cao hơn, tức là xây dựng nên những không gian tự học, học tập liên tục, suốt đời, học tập không vì điểm số, không vì phần thưởng mà học chỉ vì là niềm đam mê tri thức, vẻ đẹp trí tuệ, học để áp dụng ngay vào cuộc sống hàng ngày.
Cả 2 chương trình mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực đọc của người dân, cộng đồng nói chung, nhất là những khu vực mà điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Nghĩ xa hơn những gì đã thực hiện
* Quay lại câu chuyện động lực để ông thực hiện chương trình, với ông, sự khác biệt của những hoạt động này so với các chương trình xã hội, thiện nguyện khác là gì?
- Tôi muốn nói về việc tại sao mình thực hiện, hàng năm chúng ta có rất nhiều chương trình thiện nguyện được các cơ quan, tổ chức thực hiện. Ủng hộ người nghèo, xây nhà, tặng quần áo, lương thực mỗi dịp lễ, Tết…, điều đó rất tốt nhưng như vậy là chưa đủ. Quan trọng là sau mỗi chương trình ấy, sự phát triển cộng đồng về lâu về dài là ra sao.
Mô hình của chúng tôi thay vì từ trên xuống thì phải tìm hiểu, làm sao để phát huy được nội lực của người dân. Khai dân trí là cách để cộng đồng phát triển bền vững và đi từ dưới lên sẽ hiệu quả hơn. Ngôi nhà trí tuệ, Tủ sách nhân ái của chúng tôi đã và đang hướng đến những giá trị này.
Chúng tôi lựa chọn chia sẻ không phải bằng việc giúp đỡ từ thiện ngắn hạn mà sự đầu tư lâu dài thông qua giáo dục, trao tặng tri thức. Đây cũng là hoạt động nhân ái, mặc dù không mang tính trực tiếp để cứu giúp khẩn cấp, nhất thời, nhưng lại mang tính gián tiếp, căn cơ và có chiến lược bền vững với mục đích giúp cho những người thụ hưởng có thể tự lực vươn lên bằng năng lực, tri thức và đức hạnh của chính mình, để rồi lại tiếp tục trở lại nâng đỡ những người khác, coi đó như là sự trả ơn cuộc đời đã giúp đỡ mình.
Một mô hình Ngôi nhà trí tuệ tại xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: NVCC |
* Sức người có hạn trong khi chương trình lại được sự quan tâm, nhân rộng ra khắp nước. Vậy làm sao để có thể duy trì lâu dài các hoạt động sau những buổi ra mắt, giới thiệu “hoành tráng”?
- Điều làm chúng tôi tự hào và xúc động nhất không phải là những con số hàng ngàn tủ sách, hàng trăm thư viện đã xây dựng mà là rất nhiều những câu chuyện về các lãnh đạo địa phương, các thầy cô, các bậc cha mẹ, các em học sinh cũng như sự chung tay của cộng đồng đã tạo nên sức mạnh, sức lan tỏa của chương trình.
Là doanh nghiệp xã hội, chúng tôi có những đối tác uy tín, đủ thực lực có đam mê, tâm huyết với chương trình đã đồng hành trong suốt thời gian qua. Tích tiểu thành đại, hữu xạ tự nhiên hương, tôi tin rằng với những nỗ lực của cả một “hệ sinh thái” như vậy, chương trình sẽ tiếp tục được phát triển, không chỉ ở trong nước mà ở một số quốc gia, nhiều bạn bè, chuyên gia của chúng tôi cũng đã phối hợp để thực hiện chương trình.
Ví dụ như tại Đồng Nai, tôi biết lãnh đạo tỉnh và một số địa phương rất quan tâm đến chương trình. Chúng tôi đã và đang phổ biến mạnh hoạt động của Tủ sách nhân ái và Ngôi nhà trí tuệ tại huyện Vĩnh Cửu. Tại địa phương này, lãnh đạo huyện rất quan tâm đến chương trình, đi học tập kinh nghiệm tại Nghệ An và đã phát triển được 30 Ngôi nhà trí tuệ trong trường học.
Chúng tôi mong muốn chương trình sẽ được nhân rộng tại các địa phương khác trong tỉnh, trước mắt là 2 thành phố Biên Hòa, Long Khánh...
* Năm 2023, Tủ sách nhân ái và Ngôi nhà trí tuệ đã được Thư viện Quốc hội Mỹ vinh danh. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Năm 2023, chương trình Tủ sách nhân ái và Ngôi nhà trí tuệ đã được Thư viện Quốc hội Mỹ vinh danh ở hạng mục Thực hành xuất sắc, giải thưởng Xóa mù chữ - Phổ biến tri thức vì đã có nỗ lực kiến tạo hệ sinh thái đọc sách và học tập suốt đời ở nhiều quốc gia.
Đây là cú hích tinh thần lớn cho chúng tôi để có thể phát triển sâu hơn chất lượng hơn chương trình ở trong và ngoài nước. Điều này tạo lên uy tín của chương trình, từ đó có thể thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực xã hội hóa quay trở lại phục vụ cộng đồng.
* Xin cảm ơn ông!
Đào Lê (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin