Tờ mờ sáng một ngày cuối tháng 5-2024, trời đột ngột đổ mưa to, khi nhiều người còn say giấc thì vợ chồng nông dân Trần Văn Mười, Nguyễn Thị Biển (thường được người dân trong vùng gọi là vợ chồng Mười Biển, ngụ tổ 5, ấp Cây Xoài, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) đã dầm mưa đi làm rẫy.
Ông Mười Biển là người đầu tiên đem giống bưởi da xanh Tân Triều (xã Tân Bình) về trồng trên vùng đất ấp Cây Xoài (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Đ.Phú |
Nhìn họ cần mẫn, lam lũ như vậy, nếu không được thông tin trước, chắc tôi cũng không tin họ sở hữu khoảng 18 hécta đất ở vùng đất Cây Xoài, có giá thị trường lên đến cả trăm tỷ đồng.
* Hợp sức “ép” đất “nở hoa”
Cơn mưa nặng hạt ngay từ sáng sớm làm vợ chồng ông Mười Biển mừng cho mấy sào ớt vừa được bỏ phân chiều hôm qua. Mấy sào ớt này được vợ chồng ông trồng với mục đích tạo công ăn việc làm cho nhóm người chuyên làm thuê cho nhà ông.
Ông Mười Biển khẽ nói: “Xưa vợ chồng tôi chuyên cày, xới đất thuê ở vùng này nên hiểu được sự khao khát việc làm khi nông nhàn của người làm công. Bởi vậy, tôi gắng trồng mấy sào ớt để họ có việc làm mà mình cũng có thêm thu nhập”.
Ấp Cây Xoài rộng hơn 3 ngàn hécta, dọc theo tuyến đường chính vào ấp là ruộng lúa, vườn cây xanh mát được phân thành những khoảnh lớn bởi những tuyến mương nội đồng. Là nông dân có nhiều ruộng, vườn nhất ấp và nay đã gần 55 tuổi, vợ chồng ông Mười Biển vẫn được người dân trong vùng nể phục vì chăm chỉ, kiên trì, dãi nắng dầm mưa “ép” đất trũng, gò, đồi cao thành ao cá lội, vườn xanh cây trái.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu), Bí thư chi bộ ấp Cây Xoài BÙI NGỌC TÂN cho biết, mặc dù vợ chồng ông Mười Biển sở hữu nhiều đất đai trong vùng nhưng vẫn cần cù, siêng năng, chịu khó làm ăn. Sự vượt khó, vươn lên của vợ chồng ông Mười Biển không chỉ người dân trong ấp mà trong xã cũng biết đến và nể trọng.
Hiện vợ chồng Mười Biển sở hữu khoảng 18 hécta đất, chủ yếu là đất nông nghiệp, nằm rải rác trong ấp, xã. Đây là những khu ruộng, vườn vợ chồng ông phải đổ mồ hôi, công sức mới gom góp được.
Năm 1983, khi mới 13 tuổi, Mười Biển đã có mặt cùng cha ruột là ông Trần Văn Nam (đã mất, quê ấp Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) về khai hoang đất ở ấp Cây Xoài để trồng lúa. Ở cái tuổi thiếu niên, Mười Biển sớm trưởng thành nhờ bước chân ra khỏi lớp học là phải ra ruộng, rẫy để phụ giúp gia đình. Do quen làm nặng nên lúc đó dù chỉ 40-45 kg, Mười Biển cũng dễ dàng “xốc” bao lúa nặng 50-60 kg lên vai, chân bước vững chãi trên những lớp bùn, bờ đê.
Học hết lớp 10, Mười Biển gác đèn sách để tập trung góp sức cùng cha cải tạo đất trũng thành ruộng 2 vụ lúa, đất đồi cao thành rẫy bắp, đậu, mì. Thời thiếu niên nhưng Mười Biển đã làm việc bằng tuổi thanh niên, còn khi đạt sức vóc của một thanh niên và cưới vợ (vào năm 1997), Mười Biển làm việc gấp 2-3 lần một nông dân thực thụ của vùng đất ấp Cây Xoài.
Bà Mười Biển cho biết, nhà nông ở ấp Cây Xoài chỉ cần có vài hécta đất là quanh năm tất bật, trong khi vợ chồng ông bà có nhiều đất nên phải làm cật lực, thuê thêm người làm thì đất đai mới không bị lỡ vụ và tạo dựng được cơ nghiệp như hôm nay.
* Mua đất nhiều để thỏa đam mê sản xuất
Nhìn các loại nông cụ quanh nhà, sân vườn của nhà ông Mười Biển mới thấy sự “chịu chi” cho máy móc, thiết bị cho sản xuất nông nghiệp của ông bà. Theo lời ông Mười Biển, nhiều thứ ông mua cũng vài cây vàng, có cái lên đến chục cây vàng (tùy từng thời điểm). Điều vợ chồng ông bà luôn tiếc là đã bán đi đôi bò kéo.
Bà Mười Biển cho biết, sau khi vợ chồng bà mua được xe cải tiến thay cho sức bò thì đôi bò được nghỉ dưỡng 1 năm không cần làm việc, sau đó vợ chồng bà mới tìm được người bán đi để đôi bò vẫn tiếp tục làm công việc cày, kéo.
“Đôi bò này đã giúp vợ chồng tôi hết kéo nông sản từ ngoài đồng về nhà thì quay sang chở nông sản đi bán. 3 thế hệ máy chà lúa của vợ chồng tôi hoạt động liên tục trong nhiều năm thì trên lưng nó gánh không biết bao nhiêu là lúa, mì, bắp, đậu”- bà Mười Biển kể.
“Người ta gom đất để khi cần bán đi xây nhà, sắm xe, sống giàu sang, sung sướng. Còn vợ chồng tôi mua đất để được vui với ruộng đồng chứ không mưu cầu cao sang” - bà MƯỜI BIỂN bộc bạch. |
Ngoài duy nhất đôi bò buộc phải bán, riêng hàng chục loại nông cụ như: máy xay xát lúa, máy bơm, máy phát cỏ, máy tuốt lúa, máy xới… hỏng hóc và hết thời được vợ chồng ông Mười Biển cất gọn vào kho hoặc làm mái che để cất giữ làm kỷ niệm.
Theo vợ chồng ông Mười Biển, dù máy móc có hết thời, không còn cạnh tranh với thế hệ máy móc mới như: máy cày xới liên hợp, xe múc, ủi, máy bay phun thuốc… nhưng bán đi vẫn có giá. Tuy vậy, vợ chồng ông vẫn quyết giữ lại để làm kỷ niệm vì nhờ nó mà vợ chồng ông mới có được nhiều đất như hôm nay.
Với khoảng 18 hécta đất đang thuộc quyền sử dụng, vợ chồng ông Mười Biển thiết kế thành những khu vườn trồng bưởi, rẫy trồng tràm, rừng cao su, ao nuôi cá, vườn trồng màu. Với mỗi thứ một ít đó, theo cách lý giải của vợ chồng ông, thu nhập từ nông nghiệp suốt mấy chục năm qua, chỉ đủ cho gia đình trang trải cuộc sống và không bị nợ nần.
Điều này mới nghe thấy phi lý, bởi vì, nông dân ấp Cây Xoài dù không giỏi giang bằng vợ chồng ông bà, nhưng chỉ cần có 3-4 hécta đất sản xuất thì đã sống dư giả. Mãi khi nghe vợ chồng ông giải bày, mới hiểu ra vấn đề, vì tiền của dành được ông bà đều dùng để mua đất, cải tạo vườn cây, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Khi tổng diện tích sử dụng đất lên đến khoảng 18 hécta vào cuối năm 2019 thì trong tay ông bà chỉ còn vài chục triệu đồng.
“Nói về giá trị đất thì vợ chồng tôi có cả trăm tỷ đồng. Tuy vậy, hiện tại vợ chồng tôi vẫn sống nhờ sản xuất nông nghiệp. Do đó, nguồn thu hiện tại chỉ đủ trả lương cho người làm, tái đầu tư và kiến thiết vườn tược” - ông Mười Biển bộc bạch
Đoàn Phú
Vợ chồng ông Mười Biển nhiều đất nhất ấp Cây Xoài (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) nhưng vẫn sống bình dị, chăm chỉ làm nông. Ảnh: Đ.Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin