Báo Đồng Nai điện tử
En

Câu chuyện cuối tuần::
Kỷ vật và nỗi nhớ khôn nguôi…

Minh Ngọc
08:21, 27/07/2024

1. Phó chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học FPT Hoàng Nam Tiến khi viết cuốn sách Thư cho em (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) kể về chuyện tình của cha mẹ mình, thiếu tướng Hoàng Đan và vợ là đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh đã tập hợp tư liệu từ hơn 400 lá thư tay trong khoảng 40 năm. Từ khi cha ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đến khi đi học ở Liên Xô rồi tiếp tục tham gia hàng loạt chiến dịch như: Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Hồ Chí Minh… rồi chiến tranh biên giới phía Bắc. Từ khi cưới nhau cho đến lúc ở bên nhau, thời gian không nhiều nhưng chuyện tình vượt qua 2 thế kỷ của họ vẫn mặn nồng nhờ những lá thư tay từ tiền tuyến gửi về hậu phương.

“Trong mỗi bức thư, tôi thấy hiện lên một thời kỳ hào hùng của đất nước. Tôi như thấy nhịp hành quân hối hả của ba khi bước vào những trận đánh dữ dội - từ Thượng Lào sang Thượng Đức rồi giải phóng Sài Gòn. Tôi thấy những khó khăn, vất vả của mẹ khi một mình chăm sóc gia đình và phấn đấu cho sự nghiệp. Tôi thấy nỗi nhớ khi tha thiết lúc dịu êm của hai người. Thấy cả những hờn giận và trách móc. Những nỗ lực và thấu hiểu… Tình yêu của họ lớn dần trong tình yêu đất nước, trong dòng chảy của lịch sử, trong khát vọng hòa bình” - tác giả Hoàng Nam Tiến viết trong lời mở đầu của cuốn sách.

2. Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nhưng với nhiều gia đình, nỗi đau vẫn còn đó khi những người thân yêu mãi mãi không trở về. Họ vẫn nằm lại đâu đó trên mảnh đất hình chữ S này và để lại nỗi nhớ khôn nguôi cho những người ở lại. Vì thế, những kỷ vật thời chiến tranh có lưu lại bút tích của người thân yêu trở thành kỷ vật vô giá trong mỗi gia đình. Đó có thể là bức thư báo tin vội vã trước khi vào chiến dịch của những chàng trai tuổi 19-20 gửi cho cha mẹ hay chồng gửi vợ, người yêu nơi tiền tuyến gửi cho người yêu ở hậu phương… Đó cũng có thể đơn giản chỉ là những dòng lưu bút của đồng chí, đồng đội cùng đơn vị gửi cho nhau trong phút giây thư giãn hiếm hoi nơi chiến trường. Kỷ vật còn là những dòng tin báo tử mà không một gia đình nào có người thân ra trận muốn nhận về…

3. Mỗi năm đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, có dịp đến các bảo tàng hay đến thăm các gia đình thương binh liệt sĩ, nhiều người xúc động đến rơi nước mắt khi cùng nhìn ngắm những kỷ vật chiến tranh của những chiến sĩ trên trận mạc ngày nào. Đó là chiếc áo bộ đội nhuốm màu bụi đất của chiến trường, bình tong nước chiến sĩ sử dụng hàng ngày, bọc kim chỉ, khăn tay, đôi sandal bộ đội… Kỷ vật còn là những tấm hình hoen ố màu thời gian của những chiến sĩ lưu giữ về mẹ cha, vợ, người yêu của mình. Và không thể thiếu trong số ấy là những bức thư tình dạt dào tình cảm của những người lính gửi về cho vợ, cho người yêu dấu phương xa.

Thiếu tướng Hoàng Đan trước khi bước vào chiến dịch viết về cho vợ: “… Từ một địa điểm cách em đúng ngàn dặm, trong chiến hào, hai bên súng địch - ta vẫn nổ, anh viết thư cho em. Vợ chồng nào thì cũng thương cũng nhớ nhưng anh vẫn cảm thấy vợ chồng mình thương nhớ nhau nhất… Anh đi chiến đấu là vì em, vì con cái chúng ta, chứ chiến đấu không phải như đi dạo mát vườn hoa đâu”… 

  Minh Ngọc

Tin xem nhiều