Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính sách hỗ trợ cho giáo viên trường công: Thêm động lực gắn bó với nghề giáo

Kim Liễu
09:11, 27/07/2024

 

Thông tin HĐND tỉnh khóa X vừa thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 được xem là một tin vui đối với các thầy cô giáo.

Cô giáo và học sinh lớp lá Trường mầm non Phú Vinh (xã Phú Vinh, huyện Định Quán) vui mừng vì hoàn thành chương trình mầm non, chuẩn bị vào lớp 1. Ảnh: C.Nghĩa
Cô giáo và học sinh lớp lá Trường mầm non Phú Vinh (xã Phú Vinh, huyện Định Quán) vui mừng vì hoàn thành chương trình mầm non, chuẩn bị vào lớp 1. Ảnh: C.Nghĩa

 

Với nhiều người, sự hỗ trợ không đơn thuần chỉ là vật chất mà còn mang ý nghĩa nhân văn cho thấy sự quan tâm của tỉnh Đồng Nai đối với đội ngũ nhà giáo. Điều này sẽ là nguồn động lực mới cho các thầy cô giáo tiếp tục an tâm gắn bó với nghề, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục.

Chính sách ý nghĩa

Theo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, có 4 đối tượng giáo viên sẽ nhận được chính sách hỗ trợ.

Cụ thể gồm: giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục công lập; giáo viên công tác tại trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật loại hình công lập; giáo viên phổ thông công lập ở các bộ môn khó tuyển dụng (âm nhạc, mỹ thuật, tin học, giáo dục thể chất ở tiểu học; âm nhạc, mỹ thuật, tin học, giáo dục thể chất ở trung học cơ sở và âm nhạc, mỹ thuật, tin học, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng ở trung học phổ thông); giáo viên ở các cơ sở giáo dục công lập tại các địa bàn khó tuyển dụng gồm các xã: Sông Nhạn, Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ); Cây Gáo, Sông Thao, Bàu Hàm (huyện Trảng Bom); Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu); Xuân Phú, Lang Minh (huyện Xuân Lộc); Lộ 25, Xuân Thiện (huyện Thống Nhất); Phú Túc, Túc Trưng, Thanh Sơn, Suối Nho, Phú Cường (huyện Định Quán); Bảo Quang, Bình Lộc (thành phố Long Khánh); Phú Thịnh (huyện Tân Phú).

Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng cho giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục công lập, giáo viên công tác tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật loại hình công lập. Hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng đối với giáo viên phổ thông công lập ở các bộ môn khó tuyển dụng, giáo viên ở các cơ sở giáo dục công lập tại các địa bàn khó tuyển dụng. Thời gian hỗ trợ tối đa 9 tháng/năm học. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 195 tỷ đồng.

Khi biết tin tới đây sẽ được tỉnh hỗ trợ thêm thu nhập, cô Trương Mỹ Trinh, giáo viên Trường mầm non Hoa Sen (phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) rất vui. “Mới vừa rồi lương tăng, giờ còn được hỗ trợ thêm nên tôi thấy rất phấn khởi. Giáo viên mầm non vốn rất vất vả, nhưng thu nhập thấp hơn so với giáo viên các cấp học khác. Sắp tới, khi được hưởng chính sách hỗ trợ, thu nhập sẽ tăng, tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm cống hiến. Tôi thấy chính sách này rất ý nghĩa, sự hỗ trợ không đơn thuần chỉ là vật chất mà còn mang ý nghĩa nhân văn cho thấy sự quan tâm của tỉnh Đồng Nai đối với đội ngũ nhà giáo” - cô Trinh chia sẻ.

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:

Một nghị quyết nhân văn

Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, khẳng định tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến đội ngũ nhà giáo. Nghị quyết sẽ tạo động lực mới cho nhiều nhà giáo tiếp tục an tâm gắn bó với nghề.

Đồng Nai kỳ vọng sự quan tâm này sẽ góp phần hạn chế được tình trạng giáo viên nghỉ việc. Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng cũng dễ dàng hơn trong thời gian tới để không còn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. 

 

An tâm cống hiến, gắn bó với nghề

Cô Nguyễn Thùy Chi, giáo viên một trường trung học cơ sở tại huyện Trảng Bom chia sẻ, lương giáo viên tăng sẽ giúp giữ chân các giáo viên gắn bó với nghề hơn. Có một số thầy cô dù rất yêu nghề nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên đã không trụ được với nghề. “Khi thu nhập khá hơn, sẽ thu hút được nguồn nhân lực tốt, cũng như “giữ chân” giáo viên trong ngành, nhất là giáo viên mầm non” - cô Chi bộc bạch.

Cô Chi mong muốn nghị quyết trên sớm đi vào cuộc sống, giúp thu nhập của các giáo viên tăng thêm, bớt nặng gánh mưu sinh. Các thầy cô được tạo điều kiện tốt để yên tâm, gắn bó với nghề, có điều kiện tốt để trau dồi nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Đối với cô Nguyễn Thị Phương Huyền, giáo viên mầm non tại phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa), chính  sách hỗ trợ cho giáo viên trường công là sự động viên rất lớn. Cô Huyền cho biết, cô và các giáo viên rất mừng khi thu nhập liên tiếp tăng trong tháng 7 này. Ngoài lương tăng 30% vào đầu tháng 7-2024, tới đây còn được hỗ trợ thêm từ chính sách hỗ trợ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập.

 “Xem thông tin kỳ họp HĐND vừa rồi tôi thực sự xúc động. Qua đó cho thấy sự quan tâm, nỗ lực lớn của tỉnh nhằm giúp các đối tượng thụ hưởng có thêm điều kiện ổn định cuộc sống. Sự chia sẻ này chính là nguồn động lực để những người làm nghề thêm gắn bó, cống hiến hết mình với công việc” - cô Huyền cho biết.

Trong giai đoạn 2020-2023, tổng số giáo viên nghỉ việc ở các cấp học trên địa bàn tỉnh là 1.178 người, cao nhất là ở cấp mầm non với 494 người. Một trong những nguyên nhân giáo viên nghỉ việc là do thu nhập, tiền lương chưa đảm bảo trang trải cho cuộc sống, nhất là đội ngũ giáo viên vừa được tuyển dụng mới, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên kéo dài.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Võ Ngọc Thạch cho biết, các trường từ mầm non cho đến phổ thông đang đứng trước thực trạng ngày càng khó tuyển dụng giáo viên, thậm chí là có tình trạng giáo viên và nhân viên ngành giáo dục nghỉ việc chuyển sang làm việc khác.

“Đội ngũ nhà giáo đóng vai trò trung tâm trong công tác nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Dù chính sách tiền lương có cải cách nhưng đến nay, nhà giáo cả nước vẫn chưa thể sống được bằng tiền lương và vẫn còn nhiều nhà giáo đang gặp khó khăn. Chính sách hỗ trợ giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập được đưa ra với kỳ vọng góp phần thu hút mới và giữ chân đội ngũ giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập, giúp các thầy cô giáo tiếp tục an tâm cống hiến, gắn bó với nghề” - ông Thạch cho hay.

   Kim Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều