Báo Đồng Nai điện tử
En

Cùng làm giỗ cho liệt sĩ trong ngày 27-7

Sông Thao
08:26, 27/07/2024

Nhiều năm qua, đồng bào các dân tộc sinh sống tại ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất đã họp nhau tổ chức làm đám giỗ cho liệt sĩ đúng Ngày thương binh liệt sĩ 27-7.

Bà con cùng bàn bạc về tổ chức lễ giỗ cho liệt sĩ vào ngày 27-7 sắp tới tại miếu thờ liệt sĩ.
Bà con cùng bàn bạc về tổ chức lễ giỗ cho liệt sĩ vào ngày 27-7 sắp tới tại miếu thờ liệt sĩ.

Ông Hứa Văn Sủi (dân tộc Nùng) cho hay, năm 1973, liệt sĩ Mai Thị Ánh Tuyết hy sinh tại khu đất nay là nơi một người trong xóm canh tác. Trước đó, trên mảnh đất này, nhiều cán bộ, chiến sĩ khác cũng đã nằm xuống vì chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc. Khi liệt sĩ Mai hy sinh, ông 9 tuổi, bà con chôn cất và không dám làm miếu thờ mà đánh dấu bằng tảng đá trên mộ để lén lút nhang khói. Sau ngày đất nước thống nhất, bà con dựng ngôi miếu nhỏ làm nơi nhang khói thường xuyên cho liệt sĩ. Sau này, tuy hài cốt liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ nhưng ngôi miếu nơi chôn cất liệt sĩ trước đây vẫn được bà con đến chăm sóc, nhang khói thường xuyên. Đến năm 2020, bà con góp tiền dựng ngôi miếu mới lớn hơn và có thêm nhà mát bằng mái tôn để làm nơi tập trung trong những dịp làm giỗ cho liệt sĩ.

Ông Chu Văn Chang (dân tộc Hoa), chia sẻ thêm: “Tôi và anh Sủi nhà gần nhau và chơi với nhau từ nhỏ. Lúc nhỏ, 2 anh em có dịp tiếp xúc với nữ chiến sĩ Mai Thị Ánh Tuyết khi bà di chuyển ra xóm công tác. Khi hay tin bà hy sinh, 2 anh em rất buồn, như mất đi người thân. Thời gian đầu sau khi bà hy sinh, gia đình nhiều lần bị chính quyền chế độ cũ mời lên làm việc vì nhang khói cho phần mộ của một nữ liệt sĩ cộng sản. Nhưng rồi gia đình vẫn lén lút săn sóc phần mộ cho liệt sĩ”.

Sau 30-4-1975, công ăn việc làm của bà con thuận lợi, đời sống mọi người ngày càng khá lên. Khi đã có điều kiện hơn, bà con tự đóng góp để dựng miếu tưởng nhớ liệt sĩ. Ban đầu, khi mới làm giỗ chỉ có khoảng 20 người là thành viên các gia đình trong xóm đến thắp nhang, chuẩn bị đồ cúng và sau đó cùng nhau ăn uống. Những năm gần đây, đám giỗ của liệt sĩ có sự quan tâm, đến thăm viếng và dâng hương của đại diện chính quyền địa phương và bà con ở nhiều ấp, nhiều xã khác nhau.

“Ai đến cũng vì tấm lòng tưởng nhớ liệt sĩ nên bà con trong xóm đều đón tiếp, hướng dẫn đường đi từ đầu hẻm vào khu có miếu thờ dài gần 2km đường rẫy để mọi người vào thắp nhang, tưởng nhớ công lao của anh hùng liệt sĩ” - ông Chu Văn Chang nói.

Theo ông Hứa Văn Sủi, tục lệ của bà con người Hoa, Nùng là không làm đám giỗ hàng năm cho người thân mà chỉ làm đám mãn tang. Vì vậy việc nhiều năm qua, bà con các dân tộc Hoa, Nùng “phá lệ” làm giỗ cho liệt sĩ cho thấy tấm lòng của đồng bào các dân tộc đối với các anh hùng liệt sĩ có công với dân, với nước.

 Sông Thao

 

 

Tin xem nhiều