Hơn 22 ngàn hiện vật lịch sử tại Bảo tàng Đồng Nai được những nhân viên của Phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền, Bảo tàng Đồng Nai, chăm sóc, bảo quản tại các kho. Họ là những người làm công việc thầm lặng nhưng mang nhiều ý nghĩa trong việc gìn giữ các “mảnh ghép lịch sử” đánh dấu quá trình hình thành và phát triển vùng đất Đồng Nai.
1. Việc kiểm kê, sắp xếp hiện vật được nhân viên Phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền Bảo tàng Đồng Nai thực hiện liên tục nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng hiện vật đang được lưu trữ. |
Công tác bảo quản hiện vật được Bảo tàng Đồng Nai xác định là khâu quan trọng, vì vậy, hơn 22 ngàn hiện vật được phân loại theo chất liệu, bộ sưu tập để bảo quản trong 14 kho với cách thức, kỹ thuật khác nhau. Cụ thể là độ ẩm, nhiệt độ, các loại tủ chứa… phải phù hợp với từng chất liệu hiện vật, qua đó giúp phòng ngừa các tác nhân có hại đến hiện vật.
2. Việc quét dọn, lau chùi các kho được nhân viên Phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền thực hiện mỗi tuần. |
Những hiện vật lưu trữ trong kho được phân loại theo từng chủ đề, chất liệu, bộ sưu tập… để dễ quản lý, lưu trữ. Không chỉ vậy, các kệ, tủ đựng hiện vật trong các kho đều được dán nhãn xác định hiện vật cùng loại, tránh thất lạc. Chặt chẽ hơn nữa, trên mỗi cửa kho đều dán niêm phong trên ổ khóa… Những hiện vật dễ bị hỏng như: vải, giấy… sẽ được bảo quản trong tủ riêng với các ngăn, lớp bọc riêng biệt.
3. Trong quá trình bảo quản, trưng bày hiện vật, cán bộ nghiệp vụ phải đeo bao tay để tránh gây ra hư hại, ảnh hưởng đến hiện vật. |
Đặc biệt, với các hiện vật kháng chiến, nhân viên của Phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền còn ghi lại tỉ mỉ tên người hiến tặng và thời gian sử dụng, mục đích sử dụng trong quá khứ. Việc này nhằm giúp quá trình thực hiện các buổi triển lãm, trưng bày được chi tiết, cụ thể và “xâu chuỗi” các hiện vật thành “bức tranh” tổng thể về một giai đoạn lịch sử nào đó.
4. Nhiều hiện vật kháng chiến được phân loại và ghi rõ tên người hiến tặng. |
Với những nhân viên Phòng Kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền, việc chăm sóc, bảo quản các hiện vật không chỉ là công việc hàng ngày mà còn là trọng trách giữ “sợi dây” kết nối quá khứ với hiện tại. Qua đó, giúp các thế hệ trẻ hiểu hơn về những bậc tiền nhân đã từng sinh sống, chiến đấu và xây dựng nên mảnh đất Đồng Nai.
5. Hiện vật lưu trữ trong kho vải được phân theo tên dân tộc với các nhãn dán bên ngoài tủ. |
6. Các hiện vật chất liệu vải được bọc thêm một lớp vải bao bên ngoài để tránh bị hư hại các hoa văn, họa tiết thêu trên trang phục. |
7. Các hiện vật chất liệu giấy lại được bao bằng một lớp vỏ nhựa để tránh làm tổn hại hiện vật do các tác nhân bên ngoài. |
8. Ổ khóa tại các kho được dán giấy niêm phong với ngày dán và chữ ký, mỗi lần mở ra đều phải dán lại giấy niêm phong mới. |
9. Các trường học trên địa bàn tỉnh thường tổ chức cho học sinh tham quan, học tập ngoại khóa tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: Lâm Viên |
Đăng Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin