GS-TS Võ Xuân Vinh |
Trong cuộc trao đổi với Báo Đồng Nai cuối tuần mới đây, GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, Đồng Nai cần giải bài toán hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội. Ông là một trong những nhà khoa học có nhiều nghiên cứu về những vấn đề tỉnh quan tâm.
Phát triển hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là một trong 6 đề tài khoa học công nghệ (KHCN) được tỉnh đặt hàng. Kết quả nghiên cứu của những đề tài này được sử dụng để phục vụ công tác xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2025-2030).
Giai đoạn đặc biệt quan trọng trong phát triển hạ tầng
* Phát triển hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là đề tài đặt hàng từ địa phương. Nội dung nghiên cứu của đề tài bao gồm những vấn đề gì, thưa ông?
- Đây là đề tài nghiên cứu nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung tăng cường đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2024. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế trong tỉnh kết nối với hạ tầng các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo tính đồng bộ, liên thông. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển KHCN. Đổi mới tư duy đầu tư phát triển, đổi mới cơ chế, phương thức đầu tư, kinh doanh, quản lý để huy động tổng thể các nguồn lực.
Dựa trên những đóng góp ý kiến của các sở, ngành, địa phương, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình hội nhập và kết nối hạ tầng kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua đó, đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở, thúc đẩy các dự án trọng điểm, tạo động lực cho sự phát triển trong tương lai.
* Nội hàm của những vấn đề về hạ tầng kinh tế bao gồm những yếu tố cốt lõi nào?
- Mô hình hạ tầng cốt lõi để phát triển kinh tế ở Đồng Nai bao gồm 5 thành tố là: hạ tầng giao thông; hạ tầng năng lượng; hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin; hạ tầng cấp, thoát nước và các công trình thủy lợi; hạ tầng xử lý chất thải.
Theo Maciulyte và cộng sự (2022), mô hình này là một mô hình đa chiều (nhiều khía cạnh đo lường). Trong khi đó, đầu tư vào một cơ sở hạ tầng là hoạt động đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng quan trọng nhất là nguồn lực vật chất, mà ngân sách thì lại có hạn.
Việc xác định các xu hướng phát triển nào cho mỗi thành tố là rất quan trọng. Điều này có nghĩa là nhóm nghiên cứu sẽ làm sáng tỏ các xu hướng nào cần được phát triển cho từng thành tố của cơ sở hạ tầng cốt lõi. Chỉ những xu hướng nào có liên quan mật thiết đến đặc điểm kinh tế hoặc chủ trương phát triển kinh tế của Đồng Nai thì mới được lựa chọn để tiến hành đo lường và đề xuất giải pháp phát triển ở các bước tiếp theo.
* Thưa ông, vì sao việc nghiên cứu thực trạng hạ tầng kinh tế Đồng Nai thời điểm này lại đặt ra một cách cấp thiết?
- Cấp thiết là bởi so với trước đây, tình hình đã thay đổi nhanh chóng. Tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra từng ngày từng giờ trên địa bàn tỉnh.
Trước đây, Đồng Nai được coi là tỉnh đóng vai trò quan trọng trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ của cả khu vực miền Nam, là điểm sáng về khu công nghiệp thì nay đã bị thách thức trước sự vươn lên của nhiều tỉnh, thành cả nước như: Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ... Đồng Nai thiếu những đóng góp nổi bật, đột phá, bước ngoặt, mở đường như: ứng dụng công nghệ, mô hình kinh doanh mới tạo động lực phát triển… Nhiều hạn chế đặt ra, kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững và có xu hướng chậm lại, vai trò cửa ngõ vùng bị hạn chế, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội…
Theo GS-TS VÕ XUÂN VINH, cần đổi mới tư duy, cơ chế về đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế, kết nối và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế theo hướng hiện đại. Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp phát triển hạ tầng kinh tế, phát triển hạ tầng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, tháo gỡ điểm nghẽn cản trở đến phát triển kinh tế - xã hội.
Hành động ngay để không bị chậm trễ
* Theo ông, việc đầu tư và đưa vào hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ có tác động và động lực như thế nào đối với Đồng Nai?
- Trong thời gian sắp tới, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành xây dựng xong, vấn đề hạ tầng kinh tế Đồng Nai đòi hỏi cao hơn để tương xứng với một tỉnh có những lợi thế kinh tế nổi bật. Sức hút vùng phụ cận sân bay là rất lớn. Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật tốt để làm nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội của tỉnh, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trên thực tế, về hạ tầng giao thông, Đồng Nai có gần như đầy đủ từ đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường thủy, sân bay. Nhưng khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, việc kết nối các loại hình, các dự án hiện nay như thế nào để tối ưu hóa hiệu quả là điều cần phải bàn.
Phát triển kinh tế và các thành tố của hạ tầng kinh tế là để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Do đó, cần có sự tham gia của họ vào sự phát triển chung. Chúng ta có thể huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp và mọi tầng lớp trong xã hội để hướng tới mục tiêu chung.
Thi công tuyến đường kết nối vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: V.Gia |
* Thời gian tới, trước sự biến đổi nhanh của xã hội cũng như yêu cầu tất yếu phải thay đổi, Đồng Nai cần chú ý đến những vấn đề nào trong phát triển hạ tầng, thưa ông?
- Theo tôi, phải làm tốt bài toán kết nối cả về hạ tầng phần cứng lẫn hạ tầng phần mềm. Kết nối để vừa khai thác tốt lợi thế của tỉnh và tương trợ, khai thác lợi ích chung của cả khu vực khi quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận sẽ gia tăng nhanh.
Đồng thời, các hạ tầng mang tính phát triển thông minh, những vấn đề phát triển bền vững cũng là điểm mà tỉnh cần lưu ý. Các chính sách về hạ tầng kinh tế của Đồng Nai phải chỉ ra những thách thức và cơ hội trong việc phát triển hạ tầng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội.
Do đó, phải triển khai để nắm bắt cơ hội; nếu không, triển vọng phát triển kinh tế sẽ lại tiếp tục chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
* Ông đánh giá như thế nào về dư địa kinh tế Đồng Nai trong thời gian tới?
- Tốc độ phát triển đã chậm lại đáng kể nhưng dư địa kinh tế của Đồng Nai trong tương lai là rất lớn. Địa phương có lợi thế về nhiều mặt như đã nói, có Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cộng đồng doanh nghiệp lớn xung quanh. Đây là thời điểm để chuẩn bị có sự bứt phá mới. Vấn đề là phải phát huy được các nguồn lực đó vào sự phát triển và chọn lọc phát triển, hướng đến tính bền vững .
Nghiên cứu về hạ tầng kinh tế Đồng Nai không chỉ đơn thuần là một bước trong quá trình tìm hiểu về khu vực này mà còn là một phần quan trọng của quá trình quyết định chính sách và đầu tư để phục vụ mục tiêu trên.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin