Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Ngân Vương được khán giả Đồng Nai nói chung, Nam Bộ nói riêng nhớ nhiều qua các vai diễn trong những vở cải lương: Đèn đêm nhỏ lệ, Dời đô, Vượt qua tâm bão…
Nghệ sĩ Nhân dân Ngân Vương (phải) trong vở cải lương Hồi sinh, tác giả kịch bản Nghệ sĩ Nhân dân Đồng Thị Quế Anh. Ảnh: Trần Thanh Thảo |
Gần nửa thế kỷ dành trọn tâm huyết cho sân khấu cải lương, NSND Ngân Vương không ngừng nỗ lực, giữ giọng ca đầy nội lực, đưa nghệ thuật đến với người trẻ, tạo dấu ấn trong lòng công chúng.
Gần 50 năm theo đuổi sân khấu
NSND Ngân Vương kể, quê ông ở Chợ Mới, An Giang. Từ nhỏ ông đã yêu thích ca hát. Năm 19 tuổi, ông đã bắt đầu dấn thân vào con đường nghệ thuật, theo nghiệp cầm ca, tham gia hoạt động ở Đoàn Cải lương văn công An Giang. Những năm 80, cuộc sống khó khăn, ông rong ruổi theo rất nhiều gánh hát ở khắp các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ để hát và mưu sinh. Phải đến năm 2002, ông mới chính thức về hoạt động tại Đoàn Cải lương Đồng Nai (nay là Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai).
Tại Đồng Nai, NSND Ngân Vương may mắn được giao hàng chục vai diễn lớn, nhỏ trong các vở và trích đoạn sân khấu. Nhiều vai diễn ông đảm nhận tham gia các liên hoan, hội diễn toàn quốc và khu vực đã giành được tình cảm đặc biệt của công chúng, đoạt các huy chương vàng, bạc. Với thái độ làm việc nghiêm túc cùng sự ham học hỏi, diễn xuất ấn tượng, tên tuổi của ông nhanh chóng nổi tiếng, vinh dự được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý.
“Kỷ niệm đáng nhớ và khó quên nhất vẫn là những năm tháng tôi hoạt động nghệ thuật tại Đoàn Cải lương Đồng Nai. Tại đây, tôi và các nghệ sĩ, diễn viên may mắn luôn được quan tâm, tạo điều kiện tốt để rèn luyện, trưởng thành trong nghề với lối diễn sắc sảo, chín chắn. Nhờ vậy, tôi có 2 lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú và NSND” - NSND Ngân Vương bộc bạch.
Năm 2018, NSND Ngân Vương nghỉ hưu, ông trở về Bến Lức - Long An sinh sống và nghỉ ngơi sau thời gian dài lao động nghệ thuật. Tuy nhiên, những cuộc điện thoại gọi show, những lời thăm hỏi của đồng nghiệp, bạn bè đã thôi thúc ông trở lại với nghiệp diễn. Và rồi ông đã nhận lời tiếp tục với công việc, quay trở về với ánh đèn sân khấu. Từ Long An lên Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… để tiếp tục sống với niềm đam mê của mình.
Ngoài đời, NSND Ngân Vương sống khiêm nhường, giản dị, trẻ hơn cái tuổi 66 của mình. Ông nói, sau ánh đèn sân khấu, trở về với cuộc sống thực tại, ông vẫn thích một góc nhỏ yên bình, tự mình nấu ăn, lúc thảnh thơi pha một ly cà phê hoặc một ấm trà ngồi thư giãn, trò chuyện cùng con. Bởi sau bao nhiêu năm lăn lộn với cuộc đời, trải qua rất nhiều thăng trầm, ông hiểu rằng cuộc sống này vốn dĩ rất vô thường. Chỉ có an nhiên, tự tại trong tâm hồn mới giúp ông có thêm động lực để theo đuổi đam mê.
Nghệ sĩ Nhân dân Ngân Vương tên thật là Nguyễn Hữu Nghĩa. Gần 50 năm đến với sân khấu cải lương, ông vinh dự mang về nhiều huy chương vàng, bạc, góp sức cùng Đồng Nai bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống.
Hạnh phúc vì con gái nối nghiệp cha
Theo NSND Ngân Vương, để có thể theo đuổi và thành danh trên con đường nghệ thuật, người nghệ sĩ phải thực sự dấn thân, không thể ăn xổi, không thể nóng vội mà phải có quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc. Hơn nữa, để có thể nhập vai, bản thân người nghệ sĩ phải dành thời gian tìm hiểu bối cảnh, câu chuyện, sự kiện, hành động, lời nói… liên quan đến nhân vật, nhất là các nhân vật lịch sử. Điều đó đòi hỏi mỗi nghệ sĩ cải lương phải có sự bứt phá mạnh mẽ, không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện.
Điều hạnh phúc nhất của NSND Ngân Vương là con gái Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung đã theo nghiệp cha. Ông bảo, trước đây ông dứt khoát không cho con gái theo nghệ thuật bởi ông sợ con phải khổ, phải vất vả, “lênh đênh”, “phiêu dạt” như cha. Nhưng rồi cái duyên với sân khấu cải lương đã kéo hai cha con đến gần với nhau hơn, để rồi cùng giữ lửa nghệ thuật truyền thống. Chính sự dạy dỗ của NSND Ngân Vương, sự phấn đấu kiên trì của mình đã giúp Tuyết Nhung đoạt nhiều giải thưởng qua các hội thi, hội diễn.
NSND Ngân Vương cho hay, hai chữ “nối nghiệp” thiêng liêng lắm. Bởi vậy, việc truyền nghề cho con chính là truyền tinh thần tôn sư trọng đạo, còn khả năng ca diễn phải tự bản thân ý thức trau dồi. Ông không muốn vì “cái bóng” của mình mà để con gái ỉ lại mà con phải tự đứng trên đôi chân của chính mình. Chỉ có như vậy thì Tuyết Nhung mới có thể tự tin và ngày một trưởng thành hơn trên con đường nghệ thuật còn nhiều khó khăn, chông gai ở phía trước.
Dù là nghệ sĩ thuộc thế hệ trưởng thành sau năm 1975 nhưng NSND Ngân Vương không hề kém cạnh những nghệ sĩ trẻ trong ứng dụng công nghệ, lan tỏa nghệ thuật. Nhiều vai diễn của ông được giới thiệu trên Facebook, YouTube…, góp phần đưa sân khấu cải lương đến gần hơn với khán giả.
Chia sẻ về công việc hiện tại, NSND Ngân Vương bảo, còn sức khỏe, ông vẫn tiếp tục theo nghề, tham gia các vai diễn… Bên cạnh đó, ông nhận lời tham gia thu âm, quay hình cho các đài truyền hình trong khu vực Nam Bộ; góp mặt vào các sản phẩm nghệ thuật của người trẻ. Đó là cách ông giữ lửa với tình yêu, đam mê nghệ thuật, làm gương cho người trẻ học tập, phấn đấu, phát huy giá trị sân khấu truyền thống trong bối cảnh công nghệ số phát triển như hiện nay.
Trần Thanh Thảo
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin