PGS-TS Đặng Xuân Cường |
UBND tỉnh vừa tổ chức Hội thảo Thực trạng và giải pháp chuyển đổi công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp Đồng Nai nhằm tìm ra các giải pháp, kinh nghiệm phát triển công nghiệp hiện đại.
Báo Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trao đổi bên lề hội nghị với PGS-TS ĐẶNG XUÂN CƯỜNG, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh về những vấn đề địa phương cần quan tâm.
Sức hút của Đồng Nai luôn lớn
Ông đánh giá như thế nào về vị thế phát triển công nghiệp của Đồng Nai hiện nay?
- Đồng Nai nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm của phía Nam. Tỉnh được biết đến là vị trí sở hữu nhiều khu công nghiệp (KCN) lớn và tiềm năng trên cả nước. Phần lớn các KCN tại Đồng Nai đã đi vào hoạt động gần hết công suất với tỷ lệ lấp đầy khá cao. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng đạt chuẩn chất lượng và được xây dựng phù hợp với xu hướng công nghiệp kết hợp công nghệ cao đã được hoàn thiện từ sớm.
Có thể nói, Đồng Nai có nhiều kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp và là một trong những địa phương dẫn đầu về phát triển công nghiệp tại Việt Nam.
Nhưng phát triển lâu đời cũng lại là một hạn chế khi mà quỹ đất công nghiệp còn lại ít, hơn nữa vấn đề công nghệ cũng là bài toán đặt ra. Theo ông, sức hút của Đồng Nai liệu có bị ảnh hưởng?
- Ảnh hưởng thì có nhưng sức hút của Đồng Nai luôn lớn. Các KCN tại Đồng Nai không phải thị trường mới nhưng lại chưa bao giờ hết “hot” bởi hội tụ đầy đủ mọi yếu tố để các nhà đầu tư, DN hàng đầu ưa chuộng và tin tưởng.
Đồng Nai có mạng lưới giao thông kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch trên cả nước, gồm quốc lộ 1, quốc lộ 51, đường sắt Bắc - Nam, nhiều tuyến cao tốc lớn ngang qua.
Thời gian tới, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động thì sẽ là bước phát triển vượt trội khiến Đồng Nai trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc nội, quốc tế với hệ thống giao thông ngày càng một hoàn thiện.
Phải chăng đó cũng là yếu tố để tỉnh mạnh dạn chuyển đổi, phát triển các ngành công nghiệp hướng tới sức cạnh tranh cao hơn?
- Rõ ràng đó là những lợi thế. Đồng Nai sở hữu vị trí đắc địa, là nơi tập trung nhiều KCN chất lượng cao và cụm công nghiệp góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của vùng. Nắm bắt đầy đủ thông tin về các KCN tại Đồng Nai chính là bước đầu trong kế hoạch tìm kiếm giải pháp thông minh cho nhu cầu về không gian sản xuất của DN.
Điều quan trọng là chủ trương, chiến lược của tỉnh cũng như mong muốn, nhu cầu của DN cần thật sự đồng hành được với nhau.
Để tối ưu hóa những lợi thế, sự liên kết, đồng hành trên cơ sở chọn lọc đầu tư giữa địa phương và DN phải được thực hiện thế nào, thưa ông?
- Trong một tỉnh cần có sự chọn lọc, tuy nhiên sự chọn lọc đấy là chính sách. Để chính sách được thực hiện thành công, cần phải được thể hiện qua thực tiễn, DN cần phải được liên kết với nhau bởi nếu không liên kết lại với nhau thì chính sách rất khó để thực thi.
Theo quy hoạch, trong thời gian tới Đồng Nai sẽ đầu tư mới và mở rộng hơn 10 KCN. Tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với mối trường, có giá trị gia tăng cao và ít thâm dụng lao động.
Ở góc độ địa phương, chúng ta không có nhiều tiền, nhiều đất đai để chào mời DN mà cần tạo môi trường thông thoáng nhất trong đầu tư, kinh doanh. Về lâu dài, các DN muốn tồn tại và phát triển bền vững sẽ tự nỗ lực, tự chuyển hóa từ người lao động cho đến cấp quản lý, lãnh đạo.
Nắm bắt xu hướng mới để phát triển bền vững
Theo ông, những xu hướng của phát triển công nghệ hiện nay là gì?
- Trước tiên đó là nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và chống biến đổi khí hậu. Thứ hai, là công nghiệp kỹ thuật số đang đi đầu trong việc thay đổi cục diện công nghiệp.
Từng bước ứng dụng công nghệ cao là giải pháp nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp Đồng Nai. |
Cùng với đó là việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng sản phẩm hướng tới zero chất thải. Phát triển kinh tế bền vững đã trở thành giải pháp tất yếu và khả thi nhằm giải quyết những mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa các yếu tố xã hội, môi trường và kinh tế.
Cuối cùng, đổi mới sáng tạo đã và đang hiển hiện trong mọi ngành nghề. Ngoài khả năng cạnh tranh, lời kêu gọi thực hành bền vững trong sản xuất chưa bao giờ lớn hơn thế. Sự đổi mới trong lĩnh vực này không chỉ là tối ưu hóa sản xuất mà còn đảm bảo nó phù hợp với các mục tiêu rộng hơn là bảo tồn môi trường và phúc lợi xã hội.
Tiến tới net zero là yêu cầu tất yếu của nhiều quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo ông, cộng đồng DN cần thực hiện vấn đề này như thế nào?
- Tiến tới net zero là vấn đề tất yếu của xã hội. Để đạt net zero, chúng ta cần có những chính sách và sự hợp tác với nhau. Các DN không thể tiến hành riêng biệt mà phải coi nhau như một thực thể, kết hợp lại thành một chuỗi, giống như mạch máu trong cơ thể. DN sản xuất xong không thể bỏ chất thải ra bên ngoài để rồi chờ công ty môi trường xử lý hay chôn lấp, mà phải kết hợp với nhau tạo thành chuỗi. Như vậy, chất thải của DN này sẽ là đầu vào của DN khác, sản xuất tuần hoàn, tạo thành một sản phẩm không còn chất thải nữa.
DN cần có sự kết hợp các lĩnh vực, ngành nghề với nhau để tạo nên chuỗi cung ứng từ đầu vào tới đầu ra. Và net zero cần tiến tới giải phóng sức lao động, chuẩn hóa trang thiết bị máy móc để giảm khí thải CO2, nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả lao động và môi trường xanh - sạch - đẹp hơn.
Đối với Đồng Nai, theo ông cần phải chú trọng những vấn đề gì để có thể nâng cao sức cạnh tranh của công nghiệp?
- Cần áp dụng chuyển đổi số trong từng doanh nghiệp, cơ quan, ban, ngành. Đồng Nai có thế mạnh so với cả nước nên việc chuyển đổi số sẽ góp phần rất lớn để cơ cấu lại ngành công nghiệp từ sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu thụ.
Tăng cường chuyển giao áp dụng tiến bộ, khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư công nghệ hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao. Thúc đẩy, hỗ trợ DN ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Phát triển năng lượng tái tạo, loại bỏ các dự án ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, sử dụng rác thải và phế phẩm thành sản phẩm giá trị cao hơn.
Địa phương cần khuyến khích công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, tuổi thọ cao gắn liền chuyển đổi số.
Để có thể làm được như vậy cần có các giải pháp kết hợp như thế nào, thưa ông?
- Tỉnh cần vận dụng tối đa cơ chế chính sách từ trung ương, đồng thời bổ sung chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu công nghiệp đô thị trên địa bàn. Thu hút đầu tư hiệu quả cho phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao bao gồm: đất đai, vốn và khoa học công nghệ. Phát huy vai trò hạt nhân của mối liên kết khu và vùng trong chuyển giao công nghệ.
Quy hoạch vùng sản xuất công nghiệp công nghệ cao theo quy định. Ưu tiên cho thuê đất, giao đất và các chính sách ưu đãi đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, môi trường. Thu hút nguồn nhân lực chuyên sâu, tăng cường liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng để giải quyết các vấn đề thực tế sản xuất.
Xin cảm ơn ông!
Vương Thế (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin