Báo Đồng Nai điện tử
En

Thành Biên Hòa - vẻ đẹp di tích cổ giữa lòng thành phố

ANH MINH
07:20, 13/07/2024

Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai được biết đến với nhiều khu di tích, danh lam thắng cảnh nổi bật như: Văn miếu Trấn Biên, chùa Ông, khu danh thắng Bửu Long... Nhưng dường như, có một di tích đã bị lãng quên nằm ngay trong lòng thành phố. Tọa lạc tại phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, Di tích lịch sử cấp quốc gia Thành Biên Hòa là địa điểm tham quan không kém phần thú vị với du khách gần xa.

Vẻ đẹp nhiều nét hoài cổ của di tích Thành Biên Hòa.
Vẻ đẹp nhiều nét hoài cổ của di tích Thành Biên Hòa.

Lịch sử Thành Biên Hòa

Theo các nguồn tư liệu, công trình thành cổ này có từ thời Chân Lạp, sau đó được trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn, thời Pháp và hiện hữu tới nay. Di tích có rất nhiều tên gọi khác nhau: Thành Cựu, Thành Biên Hòa vào thời Nguyễn; Thành Kèn, Thành Xăng - Đá vào thời Pháp. Nhưng cái tên mang ý nghĩa và tồn tại tới ngày nay vẫn là Thành Biên Hòa.

Ban đầu, Thành Biên Hòa được nhân dân và binh lính Lạp Man Chân Lạp đắp bằng đất vào khoảng thế kỷ XIV-XV. Sau đó, vào đầu thời Nguyễn, đến năm 1834, vua Minh Mạng cho xây lại bằng đất, gạch và đá ong, theo hình cánh cung, xây dựng mới một số hạng mục, đặt tên là Thành Cựu. Đến năm 1837, vua Minh Mạng tiếp tục cho xây dựng mở rộng Thành Cựu bằng đá ong theo kiểu Vauban, đổi tên là Thành Biên Hòa.

Một trong hai biệt thự còn được
bảo tồn tại di tích Thành Biên Hòa.
Một trong hai biệt thự còn được bảo tồn tại di tích Thành Biên Hòa.

Thành Biên Hòa được xây dựng vừa là một trung tâm hoạt động nhiều mặt của xã hội, vừa trở thành căn cứ quân sự mang ý nghĩa phòng thủ của quan quân nhà Nguyễn ở địa phương lúc bấy giờ.

Nhận thấy vị trí địa lý thuận lợi về mặt chiến lược của Thành Biên Hòa, thực dân Pháp đã tập trung binh lực hùng hậu nhằm chiếm đóng tòa thành này. Năm 1861, thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa. Quan quân nhà Nguyễn kháng cự không thành nên rút lui khỏi Thành Biên Hòa. Sau khi chiếm thành, thực dân Pháp đã bắt tay cải tạo, thu hẹp diện tích thành còn lại 1/8 so với trước kia; đồng thời cho xây dựng các cơ sở an ninh, quân sự bên trong và bên ngoài thành, như: doanh trại, nhà thương, sở an ninh quân đội, bãi tập, bãi bắn, phòng giam, phòng làm việc…; bố trí các sĩ quan cấp cao, binh lính để trấn giữ, bảo vệ, làm việc trong suốt thời gian cai trị, khai thác thuộc địa và gọi tên là Thành Xăng - Đá (Solda), nhân dân địa phương thường gọi là Thành Kèn.

Đến với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, du khách không thể bỏ qua địa điểm du lịch hấp dẫn này, vừa có dịp ôn lại lịch sử với những dấu tích xưa, vừa có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc vang bóng một thời.

Năm 1944, thành rơi vào sự kiểm soát của phát xít Nhật. Sau khi quay lại Đông Dương lần 2, Pháp đã trưng dụng nơi đây làm trại gia binh. Đến giai đoạn 1954-1975, thành không có nhiều thay đổi về diện mạo, đế quốc Mỹ sử dụng lại toàn bộ các công trình do thực dân Pháp để lại. Sau năm 1975, thành Biên Hòa do chính quyền mới tiếp quản.

Kiến trúc bên trong di tích

Trong bài viết Nhận thức mới về Thành cổ Biên Hòa đăng trên Báo Đồng Nai của cố PGS-TS Phạm Đức Mạnh, ông đã có những minh định về quần thể kiến trúc bên trong di tích Thành Biên Hòa: “Cần có sự phân biệt giữa quần thể kiến trúc Thành cổ Biên Hòa với di tích Thành Biên Hòa (đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định số 876/QĐ/UBND ngày 21-3-2008). Bởi 2 kiến trúc này khác nhau về quy mô, thời điểm xây dựng, lối kiến trúc và cả công năng”. Có thể thấy, những dấu tích còn lại tại di tích Thành Biên Hòa ngày nay nổi bật là vòng thành được xây dựng bằng đá ong và hai ngôi nhà có kiến trúc theo kiểu Pháp.


Một góc nhìn từ di tích Thành Biên Hòa
Một góc nhìn từ di tích Thành Biên Hòa

Cụ thể, các hạng mục còn sót lại bao gồm: phần tường thành được xây dựng chủ yếu từ đá ong đỏ, gạch thẻ với chất kết dính là vôi vữa. Hệ thống lô cốt hiện còn một số lô cốt được xây bằng đá ong và gạch thẻ ở góc Đông thành. Biệt thự phía Tây Bắc, một trong những hạng mục còn sót lại của công trình kiến trúc thành Biên Hòa xưa gồm 1 tầng trệt và 2 tầng lầu được xây dựng theo kiểu kiến trúc Pháp dùng làm nơi ở và làm việc của sĩ quan Pháp. Biệt thự có kết cấu kiến trúc  chắc chắn với tường chịu lực, mái lợp ngói móc, dàn mái xà gồ thép kết hợp cầu phong gỗ, sàn lát gạch, lanh tô vòm cuốn gạch, cửa mái thông gió đều được thực hiện với tính thẩm mỹ về nghệ thuật, sự khéo léo về kỹ thuật, đảm bảo tính chịu lực tốt cho công trình. Biệt thự phía Đông Nam với diện tích khoảng 200m2, gồm 1 trệt và 1 lầu, dùng làm nơi ở và làm việc của các sĩ quan Pháp lúc bấy giờ. Ngày nay, sau lần trùng tu gần nhất vào năm 2014, tổng thể di tích đã trở nên khang trang, trở thành địa điểm tham quan thu hút du khách gần xa.

Giá trị Thành Biên Hòa

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, di tích Thành Biên Hòa là chứng nhân cho nhiều sự kiện và biến cố trong lịch sử của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Bắt đầu từ các cuộc giao tranh giữa các vương quốc Phù Nam, Chân Lạp, Chăm Pa (thế kỷ I-XV) đến cuộc chiến giữa nhà Nguyễn với quân Tây Sơn (thế kỷ XVIII) và sau này là cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đồng thời, đây cũng được xem là công trình thành cổ hiếm hoi còn tồn tại ở khu vực Nam Bộ cho đến ngày nay.

Kiến trúc bên trong di tích Thành Biên Hòa.
Kiến trúc bên trong di tích Thành Biên Hòa.

Ngoài ra, di tích còn có giá trị trên nhiều mặt khi vừa là công trình kiến trúc quân sự đặc biệt, có vị trí chiến lược ở vùng Đông Nam Bộ của nhà Nguyễn; vừa phản ánh kỹ thuật xây dựng khoa học, đường nét kiến trúc Pháp trong tổng thể các hạng mục hiện tồn. Đồng thời, thể hiện sự am hiểu về phong thủy theo cách nhìn địa chính trị của người xưa.

Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch ban hành Quyết định số 3995/QĐ-BVHTTDL ngày 12-11-2013 công nhận Thành cổ Biên Hòa là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích còn mang những giá trị quý giá về mặt khảo cổ khi tại đây vào năm 2012, Bộ môn Khảo cổ học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp với Ban Quản lý di tích - danh thắng Đồng Nai (nay là Bảo tàng Đồng Nai) tiến hành khảo sát hiện trường tại địa điểm này. Kết quả đã thu thập được một số dữ liệu khảo cổ học cho thấy Thành Biên Hòa là nơi ghi dấu các thời kỳ cư trú của con người xưa nhất là thời sơ sử thuộc truyền thống văn hóa Óc Eo. 

ANH MINH

Tin xem nhiều