Một ngày lành đầu năm 2024, kiến trúc sư Khương Văn Mười mang từ Thành phố Hồ Chí Minh tặng tôi mấy thùng sách với lời tâm tình “Bộ sách này được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tặng, về văn học. Quý lắm! Sách quý cần đến với người phù hợp”.
Kiến trúc sư Khương Văn Mười (trái) tặng lại sách cho PGS.TS Huỳnh Văn Tới. |
Đó là bộ sách mang tên Một thế kỷ văn học yêu nước cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh 1900-2000 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, GS. TS. Mai Quốc Liên tổng chủ biên, xuất bản năm 2015 nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; gồm 5 bộ, phân thành 17 quyển với 12.650 trang (chưa tính bộ của giai đoạn 1900-1945), tuyển in 1.352 tác phẩm của 391 tác giả.
Đúng là bộ sách đồ sộ, sắp xếp có hệ thống, tuyển chọn các tác phẩm tiêu biểu của đủ mặt anh tài văn chương liên quan đến địa bàn Thành phố Hồ chí Minh, tổng hợp giá trị văn chương gồm văn, thơ, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh trong hành trình phát triển 100 năm qua. Qua bộ sách này, người đọc có thể tìm hiểu đầy đủ về tài sản văn học trăm năm ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngưỡng vọng tài hoa của các tác giả, tự hào về giá trị văn học ở vùng đất hơn 300 năm tuổi, cảm ơn kỳ công của các học giả chủ biên và biên tập. Càng khâm phục tư tưởng chỉ đạo của cơ quan chủ trì đã có tầm nhìn, tâm huyết trong việc thực hiện công trình có ý nghĩa tầm cao và chiều sâu về văn hóa.
Một câu hỏi đặt ra: Thành phố Hồ Chí Minh đã vậy, Đồng Nai có được không? Câu hỏi làm cho cái thằng “ước mơ” tỉnh giấc, nhảy múa không yên trong lòng. Hơn 20 năm trước, dịp kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm vào năm 1998, ở Đồng Nai đã từng đặt ra ý tưởng “sưu tập, hệ thống hóa các tác phẩm văn học về Đồng Nai thành hệ thống với ý nghĩa văn học về Đồng Nai là di sản vô giá, động lực của phát triển, mỗi công trình vật thể được tạo dựng nên có một công trình văn học nghệ thuật ra đời”.
Từ ý nghĩa ấy, lãnh đạo các nhiệm kỳ ở Đồng Nai quan tâm, chăm chút cho sự nghiệp văn học nghệ thuật ở Đồng Nai: Về tổ chức, Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai luôn được ưu ái; về sáng tạo, giải thưởng Trịnh Hoài Đức và các giải thưởng hàng năm được duy trì; về hỗ trợ sáng tác, ngân sách Nhà nước và xã hội tạo điều kiện tốt nhất cho các trại sáng tác, hỗ trợ xuất bản.
Đến nay, tủ sách địa phương đã có hơn 200 đầu sách xuất bản, trong đó nhiều tác phẩm văn học có giá trị. Đồng Nai từng đã xuất bản nhiều bộ sách quý: Địa chí Đồng Nai (5 tập), bản dịch Gia Định thành thông chí của Trịnh Hòa Đức, bản dịch Gia định Tam gia, tuyển tập Hoàng Văn Bổn, tuyển tập Lý Văn Sâm… Có thể nói đủ cả chính sách, môi trường và động lực sáng tạo văn học ở Đồng Nai. Nhưng vẫn thiếu bộ tổng tập văn học ở Đồng Nai như của Thành phố Hồ Chí Minh.
Liệu có làm được không? Rất được. Vì Đồng Nai không thiếu tài lực, giàu giá trị văn học, nhiều tác phẩm lưu danh (riêng tác phẩm của Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm, Bình Nguyên Lộc đã đến vài ngàn trang); nhiều tác phẩm nối tiếp nhau của các thế hệ tác giả từ 1975 đến nay chưa được tổng hợp. Còn nhớ, có lần Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ra Nghị quyết về xuất bản 5 bộ sách: Tái bản bổ sung bộ Địa chí Đồng Nai, tái bản bổ sung Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, tổng hợp tuyển tập các tác phẩm văn học Đồng Nai, biên soạn xuất bản tài sản thiên nhiên văn hóa ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, bộ sách Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đồng Nai và Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Đồng Nai. Nhưng đến nay chỉ bộ sách về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đồng Nai và Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Đồng Nai được Sở Thông tin và truyền thông thực hiện (3 tập, hơn 1.500 trang).
Vậy nên, mơ về bộ sách văn học tuyển tập trăm năm như của Thành phố Hồ Chí Minh đến giờ cũng chỉ là ước mơ. Quyền mơ ước là của con người. Ước mơ không ai ngăn được, không đánh thuế, nên ước mơ vẫn cứ ước mơ. Vậy, tiếp tục mơ ước, rằng: Một bộ sách như thế kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XII. Tại sao không? Hãy đợi đấy!
Huỳnh Văn Tới
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin