Ngày này cách đây 65 năm (7-7-1959 - 7-7-2024), ngay tại mảnh đất Trấn Biên oai hùng đã diễn ra sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng - trận đánh Mỹ đầu tiên của quân và dân ta tại Nhà Xanh.
Toàn cảnh di tích lịch sử quốc gia Nhà Xanh, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa. Ảnh: Phan Văn Thành |
Trận đánh táo bạo, bất ngờ
Thời kỳ chống Mỹ, tỉnh Biên Hòa là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ phía Đông Bắc Sài Gòn, có nhiều tuyến đường giao thông thủy, bộ huyết mạch đi qua. Nhận thấy được những lợi thế đó, Mỹ đã nhanh chóng chọn Biên Hòa làm nơi đặt căn cứ quân sự lớn, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 chế độ cũ. Cùng với đó là việc mở rộng sân bay chiến lược quân sự Biên Hòa, xây dựng căn cứ Hốc Bà Thức ở phường Tân Phong, Tổng kho hậu cần Long Bình và nhiều kho tàng bến bãi phục vụ âm mưu xâm lực miền Nam.
Mỹ cũng chọn Văn phòng Công ty kỹ nghệ và lâm nghiệp Biên Hòa, gọi tắt là hãng BIF (Biên Hòa Indusatrielle et Forestière) ở xã Bình Trước làm nơi nghỉ ngơi của phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ (MAAG). Văn phòng này có kiến trúc hai lầu kiểu biệt thự Pháp và thiết kế rất nhiều cửa sổ sơn màu xanh, nên người dân quen gọi là Nhà Xanh (Nhà Xanh hiện nằm trong khuôn viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai).
Tính đến năm 1958, số lượng phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ sống tập trung trong Nhà Xanh đã lên tới 36 sĩ quan.
Bước vào năm 1959, chính quyền Mỹ - Diệm ráo riết thi hành nhiều âm mưu, thủ đoạn, đàn áp tàn bạo các phong trào cách mạng miền Nam, chúng ban hành đạo luật 10-59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, lê máy chém khắp nơi khủng bố dã man đồng bào ta.
Trước tình hình đó, Liên Tỉnh ủy miền Đông quyết định đánh một trận tấn công vào tận hang ổ của chúng nhằm mục đích hạ uy thế các phái đoàn cố vấn xâm lược Mỹ, đồng thời dấy lên phong trào đấu tranh chống Mỹ, cứu nước mạnh mẽ. Phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ đóng tại hãng BIF được chọn làm mục tiêu tập kích của quân chủ lực Miền.
Xung quanh Nhà Xanh được bảo vệ bằng hệ thống đồn bót, tháp canh, hàng rào kẽm gai kiên cố và bên phải cổng chính còn bố trí kho súng. Kế cận những lớp hàng rào kẽm phía Tây của Nhà Xanh là khu gia binh của đơn vị lính bảo vệ. |
Sau khi có chủ trương, đồng chí Lâm Quốc Đăng - Phó ban Quân sự miền Đông được giao chỉ huy trực tiếp đã lên kế hoạch, phương án tác chiến và tuyển chọn 6 chiến sĩ ưu tú, thành lập phân đội “đặc công” tham gia trận tập kích. Phân đội đặc công do đồng chí Nguyễn Văn Hoa (Năm Hoa) làm Đội trưởng; các đồng chí Huề, Sắc, Hưng, Bé và Hai Phú là thành viên.
Tháng 2-1959, đồng chí Hưng được giao nhiệm vụ về Gò Me (phường Thống Nhất ngày nay) trinh sát tình hình, gặp đồng chí Ba Lễ, Bí thư thị xã Biên Hòa, chuẩn bị chiến trường và phối hợp tác chiến với quân chủ lực Miền. Sau 5 tháng âm thầm hoạt động bí mật tại nhà má Sáu Tơ và được sự giúp đỡ của cơ sở địa phương, công tác chuẩn bị cho đợt tấn công hoàn tất.
Đêm ngày 6-7-1959, phân đội đặc công đã rời căn cứ Chiến khu Đ, hành quân qua gộp rừng phía bắc Ba Dốc (xã Tân Tịch), vượt qua quốc lộ 1 (quãng Bàu Hang), rồi qua lộ 15 (đoạn Tam Hiệp) tới tập kết tại Gò Me, cách Nhà Xanh khoảng 200m. Tại đây, đồng chí Năm Hoa vạch rõ kế hoạch tác chiến, giao đồng chí Huề và Sắc có nhiệm vụ đặt trái bộc phá và châm ngòi nổ, các đồng chí còn lại có nhiệm vụ đột kích khi bộc phá nổ. Sau đó, phân đội đặc công hành quân ra bìa ruộng về nhà đồng chí Hai Lũy cách mục tiêu khoảng 500m, ẩn nấp dưới hầm bí mật chờ đêm xuống hành động.
Khoảng 19h ngày 7-7-1959, phân đội đặc công hóa trang lính đi tuần đã ém ở Gò Me, đồng chí Hai Lũy lên trước nắm lại tình hình địch và nói với đồng chí Năm Hoa rằng: “Khi nào thấy em lên tới Nhà Xanh, quay trở về thì anh cho quân tiếp cận mục tiêu”.
Khi nhận được ám hiệu của trinh sát, đồng chí Năm Hoa ra lệnh cho phân đội băng qua hàng rào kẽm gai tiến vào áp sát Nhà Xanh. Lúc này, các cố vấn Mỹ đang tiệc tùng trên lầu. Đồng chí Huề ôm mìn chạy vào trước, nhưng vừa tới chân cầu thang thì gặp tên bồi bàn bê mâm từ trên lầu đi xuống; thấy mìn, hắn bèn la lên, bọn cố vấn liền chạy ùa xuống giằng co mìn với đồng chí Huề, buộc đồng chí phải cho nổ. Đồng chí Huề hy sinh cùng với 2 cố vấn Mỹ và tên bồi bàn. Các chiến sĩ phía ngoài cũng đồng loạt nổ súng bắn, ném lựu đạn vào lầu 1, khiến cho bọn cố vấn Mỹ hoảng loạn.
Nhân đó, đồng chí Năm Hoa đã nhanh chóng ra lệnh cho phân đội rút khỏi Nhà Xanh để bảo toàn lực lượng. Cùng với tiếng nổ tập kích Nhà Xanh, đồng chí Ba Lễ đã chỉ huy lực lượng vũ trang tuyên truyền địa phương cho nổ súng ở phía Tam Hiệp để đánh lạc hướng và kéo hỏa lực địch về phía mình, nhờ vậy phân đội đặc công rút ra ngoài trở về Chiến khu Đ an toàn. Khoảng 20 phút sau trận tập kích, bọn cố vấn đóng tại Nhà Xanh mới hoàn hồn, tung lực lượng quân đội bảo an truy kích xuống tận suối Săn Máu, nhưng không kết quả gì.
Trận tập kích vào phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ tại Nhà Xanh đã tiêu diệt 2 cố vấn Mỹ, làm bị thương 11 lính Mỹ - Ngụy. Đồng chí Nguyễn Văn Huề đã hy sinh anh dũng trong trận tập kích. Các đồng chí trong phân đội đặc công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trận đầu diệt Mỹ đã góp phần bùng lên ngọn lửa “Đồng Khởi” ở miền Nam và những trận thắng lớn tiếp theo của quân và dân ta trên các mặt trận: Xuân Lộc, Long Khánh, Định Quán, Trảng Bom, Long Thành, Biên Hòa…
Nhà Xanh đã thành địa chỉ đỏ
Nhà Xanh đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia; liệt sĩ Nguyễn Văn Huề đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2000; con đường chạy qua di tích nối đường Phạm Văn Thuận với đường Võ Thị Sáu được mang tên Nguyễn Văn Hoa - người chỉ huy trận đánh táo bạo ngày ấy.
Đặc biệt, trong thời gian qua, di tích Nhà Xanh đã được tu bổ và bảo tồn nguyên vẹn các giá trị lịch sử. Vào những năm chẵn, năm tròn, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh phối hợp với UBND thành phố Biên Hòa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm trận đánh Mỹ đầu tiên tại Nhà Xanh.
Tuy nhiên, để phát huy giá trị hiệu quả hơn nữa, di tích lịch sử quốc gia Nhà Xanh cần có những giải pháp khả thi hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin