Báo Đồng Nai điện tử
En

Ảm đạm thị trường mặt bằng cho thuê

Hải Quân
10:16, 03/08/2024

Những khó khăn của tình hình kinh tế, kèm theo xu hướng kinh doanh trực tuyến tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng đã khiến sức mua của nhiều cửa hàng kinh doanh trực tiếp ở thành phố Biên Hòa bị sụt giảm, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.

Một thông báo cho thuê nhà trên đường Phan Trung, thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Quân
Một thông báo cho thuê nhà trên đường Phan Trung, thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

Điều này khiến cho không ít cửa hàng đã phải trả mặt bằng, sang nhượng lại hàng quán. Tại nhiều tuyến đường buôn bán sầm uất, các trung tâm thương mại ở thành phố Biên Hòa, nhiều mặt bằng vẫn đang chờ người thuê.

Giá thuê cao, nhiều mặt bằng “chờ mãi” chưa có người thuê

Thường vào dịp hè hoặc cuối năm là thời điểm kinh doanh, mua bán tấp nập, nhộn nhịp. Tuy nhiên, năm nay trên các tuyến đường sầm uất bậc nhất của Biên Hòa như: Phạm Văn Thuận, Võ Thị Sáu, Nguyễn Ái Quốc... xuất hiện khá nhiều biển sang quán, cho thuê mặt bằng.

Nhiều chủ quán cho biết, nguyên nhân là do kinh doanh không hiệu quả, chi phí mặt bằng cao nên có xu hướng chuyển dịch, khách thuê tìm đến mặt bằng giá thấp hơn hoặc đóng cửa nghỉ bán để cắt lỗ.

Chính vì sức mua suy giảm đã khiến cho những mặt bằng “vàng” trở nên kém hấp dẫn hơn khi tiền thuê chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị. Trong khi đó các ngành nghề thời trang hay dịch vụ ăn uống còn tồn tại song song nhiều chi phí ẩn như nhân viên, điện, nước, Wi-Fi, thuế, nguyên vật liệu... Do đó, tình hình khó càng thêm khó, tỷ lệ mặt bằng đóng cửa, bỏ trống ngày càng tăng.

Chị Nguyễn Thị Thu Tâm, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và phát triển MinGroup (phường Quyết Thắng) cho biết, thị trường mặt bằng tại Biên Hòa hiện nay khá ảm đạm. Do ảnh hưởng của kinh tế khó khăn kèm theo xu hướng kinh doanh online tăng trưởng nhanh chóng, chính vì vậy nhiều cửa hàng kinh doanh trực tiếp không thể trụ vững, dẫn đến việc trả mặt bằng, sang quán liên tục.

“Có nhiều mặt bằng treo bảng cho thuê hơn mấy tháng nay nhưng không có khách hỏi. Thậm chí, những căn nhà 1-2 năm trước cho thuê với mức giá 60 triệu đồng/tháng, nhưng hiện nay chủ nhà chấp nhận giảm giá sâu 40-50%. Dù vậy, các ưu đãi này của chủ nhà vẫn chưa đủ để níu giữ khách thuê tiếp tục gia hạn hợp đồng hoặc thu hút khách thuê mới” - chị Thu Tâm chia sẻ.

Theo ghi nhận tại nhiều chợ ở thành phố Biên Hòa, tình hình kinh doanh của nhiều tiểu thương bán các sản phẩm thời trang như: quần áo, vải, giày dép, mỹ phẩm…thường xuyên rơi vào cảnh ế khách. Do đó, nhiều tiểu thương đã đóng cửa sạp, tạm nghỉ bán thời gian dài hoặc chuyển hướng sang kinh doanh online, kinh doanh tại nhà…

Tình trạng mặt bằng kinh doanh ở những khu vực, tuyến đường trung tâm bị bỏ trống vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Khảo sát trên các sàn online, biển hiệu, môi giới tại Biên Hòa, thị trường cho thuê mặt bằng cung nhiều hơn cầu. Các mặt bằng cho thuê dao động ở mức giá từ 20-65 triệu đồng/mặt bằng từ 80-100m2, đây là phân khúc được nhiều khách hàng tìm hỏi nhưng “chốt” rất ít.

Anh Ngọc Dương, chủ một chuỗi thời trang ở thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Do nhu cầu muốn mở rộng kinh doanh, khoảng hơn 1 tháng qua, tôi tìm kiếm mặt bằng ở Thành phố Biên Hòa. Việc tìm được mặt bằng ưng ý gặp nhiều khó khăn do giá vẫn còn khá cao, nhất là đối với những mặt bằng ở vị trí đắc địa, nằm trong khu mua sắm sầm uất. Sau khi đi khảo sát nhiều mặt bằng thì tôi cũng mới tạm ưng ý để thương lượng đối với một mặt bằng 1 trệt 1 lầu có tổng diện tích sàn khoảng 160m2 trên đường Phan Trung với giá thuê 45 triệu đồng/tháng, kèm điều kiện sẽ tăng giá từ 5-10% trong những năm tiếp theo”.

Ngoài giá thuê cao, điều kiện mà các chủ mặt bằng  đưa ra cũng khá “ràng buộc” khi phải đặt tiền cọc trên 6 tháng kèm bản hợp đồng từ 1-3 năm. Tuy nhiên, với thị trường khó khăn như hiện nay, một số chủ thuê phải “hạ” tiêu chuẩn, thương lượng cho cọc 3 tháng và ký hợp đồng theo từng năm.

Nhiều cửa hàng trả mặt bằng, chuyển đổi mô hình kinh doanh

Trên những tuyến đường “hot” như Võ Thị Sáu, Phạm Văn Thuận, Phan Trung, 30-4, vốn là những tuyến đường kinh doanh ăn uống, thời trang nhộn nhịp bậc nhất Biên Hòa, “làn sóng” trả mặt bằng vẫn âm thầm diễn ra. Hình ảnh những cửa hàng thời trang san sát nhau dần biến mất. Bởi hiện nay, hầu hết người dân đều tiết kiệm chi tiêu, chỉ mua sắm những thứ thiết yếu nên để kiếm doanh thu cao bù lại khoản thuê mặt bằng hàng chục triệu đồng/tháng là bất khả thi khiến nhiều nơi phải đóng cửa.

Trên thực tế, ngành nghề thời trang, kinh doanh dịch vụ văn uống vốn tồn tại nhiều chi phí. Do đó, khi kinh tế khó khăn, doanh thu sụt giảm mà gánh nặng chi phí lại tăng cao nên việc kinh doanh khó càng thêm khó.

Một thông báo sang mặt bằng trên đường Võ Thị Sáu, thành phố Biên Hòa.
Một thông báo sang mặt bằng trên đường Võ Thị Sáu, thành phố Biên Hòa.

Anh N.A.V, chủ một chuỗi cửa hàng về ăn uống ở phường Thống Nhất chia sẻ: “Trong thời gian qua, chuỗi cửa hàng buộc phải đóng cửa một số chi nhánh, hiện chỉ còn hơn phân nửa so với trước đây. Nguyên nhân là do tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn trước những biến động của tình hình kinh tế, trong khi giá thuê mặt bằng vẫn duy trì ở mức cao nên rất khó để chúng tôi “gồng gánh” chi phí. Các chi phí khác mình có thể giảm được, nhưng riêng chi phí mặt bằng cứ loay hoay hàng tháng là tới”.

Tương tự, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ cho hay, chi phí đầu tư ban đầu của một cửa hàng dịch vụ, nhất là các cửa hàng thời trang, ăn uống khá lớn. Vì không chỉ mặt bằng hàng tháng mà các cửa hàng đều phải chuẩn bị một khoản đáng kể cho nhiều công đoạn như: lắp đặt, hoàn thiện mặt bằng, chuẩn bị trang thiết bị, nguyên liệu và nhân sự…

Trước những khó khăn đó, nhiều cửa hàng dịch vụ ngày càng có xu hướng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tuyến hoặc tiết kiệm chi phí mặt bằng theo hình thức các ki-ốt, xe đẩy bán hàng…Điều này tạo ra sự cạnh tranh lớn đối với hoạt động cho thuê mặt bằng truyền thống.

  Hải Quân

 

 

 

Tin xem nhiều