Ngày 24-8 (nhằm ngày 21-7 âm lịch), tại Di tích lịch sử quốc gia Văn miếu Trấn Biên (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) diễn ra Lễ tưởng niệm 55 năm ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 21-7 năm Kỷ Dậu, 1969 - ngày 21-7 năm Giáp Thìn, 2024). Việc tổ chức tưởng niệm Ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành truyền thống của người dân Đồng Nai nhằm thể hiện sự tôn kính, tình cảm đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Toàn cảnh di tích đình Phú Mỹ. Ảnh: Tư liệu |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt và quan tâm đến miền Nam. Người khẳng định “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”. Đáp lại tình cảm của Bác, nhân dân miền Nam luôn chiến đấu anh dũng, kiên cường vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, xã Phú Hội (thuộc huyện Long Thành/ nay thuộc huyện Nhơn Trạch) là địa bàn trọng điểm trong chính sách bình định của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, địch xây dựng hệ thống đồn bót, kiểm soát nhân dân vô cùng gắt gao. Tuy nằm trong vùng địch quản lý, người dân Phú Hội kiên trung tham gia vào các hoạt động đấu tranh, nuôi giấu cách mạng và biến địa bàn này thành căn cứ và lõm đấu tranh chính trị sôi động.
Hàng năm, Lễ dâng hương tưởng niệm Bác Hồ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Hội tổ chức trang trọng, nơi đây trở thành biểu tượng về tình cảm thiêng liêng, nét đẹp văn hóa truyền thống của nhân dân Phú Hội đối với Bác Hồ kính yêu và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Năm 1969, sau khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, quân và dân huyện Long Thành tiếc thương tổ chức để tang tưởng nhớ Người bằng nhiều cách thức khác nhau. Tại Phú Hội, khi hay tin Bác Hồ mất, ông Chín Phường và ông Tám Liệp ở ấp Phú Mỹ lặng lẽ thắp hương cầu khấn, đồng thời tìm cách để có nơi thờ cúng Bác. Sau khi nghiên cứu, hai ông thống nhất: đình làng (đình Phú Mỹ) có nhiều bức hoành phi bị mối mọt xâm hại gây hư hỏng, nay bàn chuyện làm mới chắc dân làng sẽ đồng thuận, đồng thời phải tìm được nội dung hoành phi có ý nghĩa để thờ Bác. Sau nhiều đêm miệt mài tìm trong Kinh thi, các bô lão chọn ba câu: Hồ nhiên nhi thiên, Chí vọng thâm ân, Minh hoài hậu đức để làm hoành phi. Điều đặc biệt khi ghép ba chữ đầu của ba bức hoành phi lại thành tên của Người - Hồ Chí Minh. Như thế, thờ 3 bức hoành phi chính là thờ Bác Hồ kính yêu, còn màu nền đỏ chữ vàng là màu cờ Tổ quốc.
Để che mắt lính bảo an, các bô lão đã khéo léo lấy ngày lễ Kỳ yên năm 1969 tổ chức rước linh vị Bác vào thờ và đặt ba bức hoành phi tại vị trí trang trọng nhất trong đình Phú Mỹ nơi lính thường xuyên vào trú mưa, trú nắng và chỉ cách bót Phú Hội 200m nhưng địch không hề phát hiện.
Ba bức hoành phi chế tác năm 1969 hiện trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai. |
Có rất nhiều địa phương lập đền thờ Bác Hồ nhưng có lẽ hình thức thờ Bác Hồ thông qua ba bức hoành phi là cách thờ độc đáo, sáng tạo, linh hoạt có thể che mắt được kẻ thù. Vì vậy, trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ gay go, ác liệt nhất từ năm 1969 đến Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), nhân dân Phú Hội hàng năm vẫn tổ chức cúng giỗ Bác Hồ với những nghi thức trang nghiêm, tôn kính nhất.
Hiện nay, đình Phú Mỹ là thiết chế văn hóa/ cơ sở tín ngưỡng thân quen, gắn bó với người dân xã Phú Hội đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2001. Ba bức hoành phi được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Đồng Nai.
Kỷ niệm 55 năm ngày Bác đi xa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai tích cực thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với đường lối đổi mới, tư duy sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức đã đạt những thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng Đảng, qua đó góp phần cùng cả nước thực hiện Di chúc của Người: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Nguyễn Trí Nghị
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin