Báo Đồng Nai điện tử
En

Góc nhìn về lịch sử khẩn hoang Nam kỳ Lục tỉnh của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu

Cẩm Điệp
08:11, 23/08/2024

Tác phẩm Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu là cuốn sách đầu tiên do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2024, mở đầu cho chương trình xuất bản những công trình lịch sử của Hội.

Tác phẩm Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu năm nay 104 tuổi (ông sinh ngày 12-3-1920 tại Hà Nội, song giấy khai sinh ghi năm 1923). Trong sự nghiệp của mình, ông dày công nghiên cứu và công bố hơn 40 công trình nghiên cứu về khoa học xã hội, sử địa Việt Nam, đặc biệt có công trình nghiên cứu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Với tác phẩm Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh, ông Nguyễn Đình Đầu tự đặt mục đích rất khiêm nhường là “cung cấp thêm cho học giả một số tư liệu tuy không mới mẻ song dễ bị lãng quên”, “đính chính một số nhận định lệch lạc hoặc thiếu quan điểm lịch sử” và “góp phần tìm hiểu chung về nguồn gốc, bản chất và định chế của công điền công thổ ở nước ta”.

Cuốn sách dù chỉ hơn 200 trang, nhưng là một công trình nghiên cứu sâu sắc và nghiêm túc về quá trình khẩn hoang lập ấp và chế độ công điền công thổ của Nam kỳ lục tỉnh từ cuối thế kỷ XVI khi lưu dân Việt bắt đầu vào khai phá, cho đến khi thực dân Pháp xâm chiếm vùng đất này năm 1860.

Về chế độ công điền công thổ

Cuốn sách thích hợp với các nhà sử học, các nhà nghiên cứu và tất cả bạn đọc yêu lịch sử nước nhà nói chung, cùng tác giả nghiên cứu và định nghĩa chính xác thế nào là chế độ công điền công thổ, cũng như tìm được bản chất công điền công thổ. Tác giả Nguyễn Đình Đầu đề cập đến vai trò của chế độ đặc thù trên trong lúc nó còn mang tính tiến bộ “chia ruộng đất” cũng như về sau khi sự thoái hóa ngăn cản sự chuyển biến của phương thức sản xuất.

Tác giả Nguyễn Đình Đầu trình bày các nguồn tư liệu được khai thác và sử dụng như tư liệu trong thư tịch Hán Nôm, tư liệu khảo sát của người Pháp khi mới chiếm Nam kỳ, tư liệu địa bạ nước ngoài…Đồng thời lần lượt đặt ra và giải quyết các vấn đề trong hai phần. Phần 1 là Lịch sử khẩn hoang lập ấp và chế độ sở hữu ruộng đất tại Đồng Nai - Gia Định thời kỳ 1698-1800. Phần 2 là Nhà nước quân chủ thiết lập và củng cố công điền công thổ.

Công trình nghiên cứu của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu phản ánh con đường hình thành, phát triển và những đặc điểm của chế độ công điền công thổ vùng Đồng Nai - Gia Định rồi Nam kỳ Lục tỉnh từ thế kỷ XVI đến XIX.

Sách đề cập đến người Việt đầu tiên tới khai hoang Đồng Nai - Gia Định trong giai đoạn 1594-1698. Kế đến là khi chính quyền địa phương được thành lập dần từ 1698 đến 1757 trên khắp Nam kỳ. Cung cách khẩn hoang lập ấp và chế độ điền thổ dưới thời chúa Nguyễn có những đặc điểm, đặc trưng gì cũng được tác giả ghi lại.

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu cho rằng đến thời kỳ 1800-1860, chế độ công điền công thổ được củng cố tại Nam kỳ Lục tỉnh. Nhà nước tham gia khai hoang, tạo điều kiện phát sinh chế độ công điền công thổ ở giai đoạn 1800-1836 và sau đó thiết lập chế độ công điền công thổ giai đoạn 1836-1850.

Tư liệu quý về xứ Nam Kỳ lục tỉnh

Thông qua tác phẩm kèm số liệu và bản đồ cụ thể, tác giả đã quan sát lịch sử về chế độ điền thổ và công cuộc khai phá miền đất phía Nam từ thời khẩn hoang lập ấp đến quá trình phát triển nông nghiệp và chế độ sở hữu ruộng đất. Đây vốn là các vấn đề cần đi sâu nghiên cứu và thảo luận trong nghiên cứu lịch sử chế độ ruộng đất Việt Nam nói chung.

 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, “Nam Bộ là miền đất mới, xã thôn ở đây được thành lập trong giai đoạn xã hội đã biến chuyển không còn là thời công xã nguyên thủy nữa. Cho nên “công điền ở Nam Bộ được tạo thành là do nhiều, chứ không phải do một nguồn gốc duy nhất nào”. Tác giả tìm hiểu chế độ này “từ lúc manh nha tới lúc thịnh đạt” - tức từ lúc mới có Đồng Nai cho đến khi Pháp chiếm làm thuộc địa.

Trong lời giới thiệu sách của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, Giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), nhận định: “Đất Đồng Nai - Gia Định đã được nhiều lớp cư dân khai phá, từ những lớp cư dân nguyên thủy xa xưa đến những lớp cư dân Phù Nam, Chân Lạp. Tác giả nghiên cứu lịch sử khai phá vùng Đồng Nai - Gia Định từ những lớp di dân người Việt vào đây, có thể bắt đầu từ cuối thế kỷ XVI. Những lớp lưu dân này đã đến Mô Xoài rồi lên Đồng Nai và lan dần đến đồng bằng sông Cửu Long. Họ là những người nông dân, chỉ có ý chí và sức lao động, đi tìm những miền đất mới để sinh  sống, không xâm phạm cướp bóc của ai. Họ chung sống hòa bình với những lớp cư dân bản địa”.

Giáo sư Phan Huy Lê đánh giá: “Tác giả bằng những tư liệu cụ thể đã dẫn dắt người đọc vào ba thế kỷ khẩn hoang lập ấp đầy gian truân và thành tựu của nhân dân Nam kỳ, nó luôn khêu gợi nhận thức của người đọc bằng những phát hiện và đề xuất mới mẻ về chế độ công điền công thổ ở vùng đất phía Nam này của Tổ quốc”.

Ở Đồng Nai - Gia Định - Nam kỳ Lục tỉnh, chế độ tư hữu ruộng đất xuất hiện trước và tồn tại, từ năm 1836 chế độ công điền công thổ mới được chính thức thiết lập. Luận điểm đáng lưu ý của tác giả là kết cấu kinh tế - xã hội này vừa có khác với các vùng khác, vừa thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế hàng hóa và làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế của Đồng Nai - Gia Định bấy giờ.

Cẩm Điệp

 

 

Tin xem nhiều