Đồng Nai có nhiều dự án khu đô thị quy mô lớn đang triển khai. Hầu hết các dự án này đều có quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, quản lý và tiện ích hiện đại.
Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: L.An |
Những khu đô thị này là nền tảng phát triển các đô thị văn minh, hiện đại và bền vững dựa trên cân bằng lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường.
Phát triển các khu đô thị hiện đại
Đồng Nai có hàng trăm dự án bất động sản đang và sắp triển khai. Hầu hết dự án quy lớn đều có hướng đến mục tiêu trở thành khu đô thị hiện đại, thông minh.
Điển hình nhất trong số này là Dự án Khu đô thị sinh thái Kinh tế mở Long Hưng (tại xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa), quy mô hơn 1,3 ngàn hécta. Dự án này đặt mục tiêu trở thành một đô thị xanh, thông minh có thể sánh ngang với nhiều đô thị hiện đại trên thế giới.
Ông Nguyễn Duy Tấn, Giám đốc dự án Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Tập đoàn Novaland) chia sẻ: “Chúng tôi đang triển khai Dự án Khu đô Aqua City tại Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng. Mô hình khu đô thị chúng tôi hướng đến là thông minh và bền vững. Tại đây, có 70% không gian xanh, có kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, có đầy đủ tiện nghi hiện đại phục vụ cư dân”.
Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, các địa phương phải coi trọng công tác tạo lập cảnh quan, phát triển các đô thị điển hình “5 không”: không dây nhợ, không rác bừa bãi, không người ăn xin và sống lang thang, không hàng rong buôn bán nhếch nhác, không đào xới đường xá lộn xộn và “5 có”: có biểu trưng, có không gian xanh, có bãi đậu xe, có nhà vệ sinh công cộng, có đường phố thoáng đẹp.
Cũng nhà đầu tư có dự án tại Khu đô thị Kinh tế sinh thái mở Long Hưng, đại diện Tập đoàn Nam Long chia sẻ, dự án chúng tôi xây dựng dựa trên 4 nền tảng chính: hạ tầng kết nối đồng bộ, quy hoạch hiện đại, các công trình tạo điểm và quản lý vận hành tốt nhằm đáp ứng 5 nhu cầu thiết yếu cuộc sống là: sống - làm việc - học tập - giải trí - mua sắm.
Hiện đại không kém là Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước (tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch). Từ một đầm lầy, không có giao thông kết nối, nhờ quy hoạch và kiến tạo của con người, nơi đây trở thành một thành phố thu nhỏ với đầy đủ các loại hình nhà ở, văn phòng cho thuê, khách sạn, trung tâm thương mại, trường học các cấp, bệnh viện, công viên, sân golf, hồ bơi phục vụ nhu cầu cư dân.
Dự án Khu đô thị Aqua City tại xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa. |
Một dự án sắp hình thành nữa là Khu đô thị Amata Long Thành, quy mô khoảng 753 hécta, tổng vốn đầu tư hơn 309 triệu USD. Bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thành phố Amata Long Thành, cho hay Tập đoàn Amata đã làm các dự án thành phố thông minh tại Thái Lan, Nhật Bản, Hong Kong và đang xúc tiến dự án tại huyện Long Thành. Về tính chất, Khu đô thị Amata Long Thành sẽ là khu đô thị dịch vụ, đô thị sinh thái, đô thị mới theo hướng thành phố thông minh ứng dụng công nghệ - khoa học kỹ thuật trong việc quản lý đô thị, nâng cao chất lượng sống của dân cư.
Bên cạnh nhưng dự án trên, Đồng Nai còn có những khu đô thị hiện đại đã và đang hình thành như: Century City, Đông Sài Gòn, Gem Sky World…
Nền tảng cho đô thị thông minh
Việc phát triển các khu đô thị xanh, hiện đại là cơ sở để có những thành phố, thị xã, thị trấn hiện đại. Các đô thị thông minh được hình thành trên nền tảng quy hoạch bài bản, đầu tư đồng bộ các hạ tầng; dựa vào hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu số để phục vụ người dân cũng như giải quyết các vấn đề cản trở sự phát triển của đô thị như: biến đổi khí hậu, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập nước...
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, để tăng giá trị sống theo hướng văn minh, hiện đại, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, cần quan tâm đến công tác chỉnh trang, phát triển đô thị.
Một trong những mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Đồng Nai là hình thành chuỗi đô thị dịch vụ cao cấp ven sông Đồng Nai, ven hồ Trị An, ven núi Chứa Chan, tích hợp các dịch vụ hàng đầu.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng đô thị, Sở Xây dựng cho rằng, mọi lĩnh vực đầu tư xây dựng đều hướng đến mục đích phát triển đô thị. Ngoài việc phải đảm bảo các tiêu chí về hạ tầng và kiến trúc trúc cảnh quan thì “bộ 3” quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu và chương trình phát triển đô thị là “chìa khóa vàng” để phát triển đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Là địa phương được định hướng trở thành đô thị sân bay thông minh hàng đầu Việt Nam, Chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Văn Tiếp cho biết, trong nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045 đã xác định, mục tiêu năm 2030, huyện trở thành đô thị loại III theo định hướng xanh và thông minh, đến năm 2045 trở thành đô thị sân bay hiện đại đẳng cấp quốc tế. Thời gian tới, huyện tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông; đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm thu hút các dự án, nhà đầu tư chất lượng; phát triển các khu đô thị vệ tinh quanh sân bay.
Lê An
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin