Khi đọc các nguồn tư liệu viết về Biên Hòa xưa, chúng ta không khỏi thú vị với những thông tin về đặc sản của vùng đất này.
Tham quan, tìm hiểu về trà Phú Hội tại văn phòng Tổ hợp tác Trồng và kinh doanh trà Phú Hội (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: Nhật Hạ |
Hiện nay, bối cảnh xã hội và môi trường sống, canh tác đã khác rất nhiều cách đây hơn một thế kỷ nên ít ai có thể hình dung, mường tượng có những địa bàn nổi tiếng với các loại cây trái. Hoặc có những câu ca dao ngày nay liên quan tới Đồng Nai nhưng ít ai biết được nguồn gốc từ đâu.
1. Địa chí Biên Hòa được Robert M. xuất bản năm 1923 cho thấy về vùng đất Nhơn Trạch nổi tiếng về trồng cau. Tỉnh Biên Hòa đầu thế kỷ XX khá rộng, có 17 ngàn hécta trồng cau. Đặc biệt, ở hai tổng Thành Tuy Thượng, Thành Tuy Hạ bây giờ là Nhơn Trạch và Long Thành có những vườn cau đẹp, diện tích lớn. Một dải đất dài từ Phước Thiền, Phước Kiểng, Mỹ Khoan, Phước Lai và dọc theo kênh Bà Ký được người dân trồng cau. Cau ở Thành Tuy Hạ được nhiều người ưa chuộng dưới cái tên cau Đồng Môn.
Việc buôn bán cau vượt ra khỏi nhu cầu địa phương, đưa đến các tỉnh miền Tây, Sài Gòn và Chợ Lớn. Tỉnh Biên Hòa được xem là vùng cung ứng cau lớn nhất ở Nam Kỳ.
2. Phú Hội là làng cổ của Nhơn Trạch, được người Việt khai khẩn sớm, trong đó những vườn cây ăn trái nổi tiếng, đi vào thơ ca dân gian: “Nước Mạch Bà, Trà Phú Hội”. Trà Phú Hội là đặc sản được nhiều người biết đến khá sớm và ngày nay được phát triển, dù diện tích không còn như trước đây.
Hiện nay, một số đặc sản xưa ở Biên Hòa được phát huy, nâng tầm chất lượng thành sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) trong sự phát triển kinh tế của địa phương: bột sen dinh dưỡng Trường Phát (xã Long Tân), trà Phú Hội cơ sở Phúc Bảo (Phú Hội)...
Với đặc điểm của những mạch nước tự phun, tạo nên nguồn nước mát, trong, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt người dân mà còn làm cho các loại cây phát triển tốt. Thổ nhưỡng và nguồn nước mạch này có ảnh hưởng đến cây chè trồng tại Phú Hội cho lá xanh bóng, mượt mà. Từ cây chè, người dân Phú Hội chế biến loại trà bằng thủ công: hái lá, vò bằng tay, phơi khô, không tẩm hương liệu nhưng khi nấu với nước các giếng mạch tại chỗ cho hương vị thơm ngon, không chát nhiều, ngọt về sau và dịu nhẹ. Lá chè tươi khi nấu cho nước màu vàng xanh, chè khô cho màu đỏ nâu. Vị trà Phú Hội không chát và ngọt hậu.
3. Long Tân là địa bàn xã kế cận Phú Hội có đặc điểm môi trường tương đồng của đồi núi thấp và hạ lưu của sông, suối, rạch, vàm. Đất canh tác của người dân không chỉ trồng lúa mà còn trồng sen. Không biết nghề trồng sen có từ bao giờ nhưng ngày nay vẫn được duy trì, người dân đúc kết những kinh nghiệm trong canh tác và chế biến sen qua nhiều thế hệ. Một số hộ gia đình cho biết: trồng sen rất vất vả, đòi hỏi chịu khó, kiên nhẫn và phải có kinh nghiệm: chọn đất (chân ruộng trũng), làm đất (cày úp gốc rạ, ngâm ruộng kỹ, bừa đất tơi xốp, phẳng). Thời gian trồng từ tháng 1 đến tháng 2 dương lịch. Thu hoạch sen sau khi trồng khoảng 2,5 tháng. Hạt sen lấy giống được chọn hạt sen có vỏ, dùng mũi dao bóc đỉnh hạt khoảng 2-3mm, cho nước có thể ngấm vào, ngâm 2-3 ngày, chờ hạt phình lên gieo vào chậu. Sau đó, bỏ chậu vào vại nước, giữ 3-4cm nước trên, qua 8-10 ngày trong điều kiện nhiệt độ 25-300C sẽ có chồi nhỏ, rồi lớn dần thành lá.
Trồng sen có hai cách: từ gốc sen hoặc tách nhánh. Nếu trồng bằng kỹ thuật tách nhánh, cây sen phát triển nhanh hơn (chọn nhánh dài khoảng 0,7-1m, có 3 cụm lá). Về chăm sóc sen: sau khi trồng từ 7-10 ngày, bón phân NPK với liều lượng 20kg cho 1 hécta; mực nước ruộng luôn để khoảng 25-30cm. Khi sen lớn đưa thêm nước vào ruộng, sen gần kín ruộng (1 tháng 20 ngày) bón phân đợt 2, khoảng 100kg NPK/ hécta và sau 1 tháng bón tiếp đợt 3, 100kg/hécta.
Trong quá trình chăm sóc, thường xuyên cắt tỉa lá khô, lá già, lá bị sâu bệnh để sen quang hợp tốt hơn, ngó sen nhiều hơn. Sen được chế biến thành những sản phẩm: trà tim sen, xôi hạt sen, chè sen, ngó sen.
4. Biên Hòa cũng nổi tiếng về trầu. Trầu cũng đi vào câu ca: Trầu Đồng Nai. Trầu Đồng Nai là danh gọi nhưng thực chất là ở Tân Triều Đông mới ngon. Tân Triều Đông có 3 ấp: Long Hòa, Tân Xuân và Tân Vinh.
Theo kinh nghiệm dân gian, việc trồng trầu mà bón bằng phân tằm sẽ cho lá tốt, hương vị ngon. Tân Triều Đông và Tân Triều Tây là 2 trong 8 làng của tổng Phước Vĩnh Trung, huyện Phước Chính vào cuối thế kỷ XIX - nằm trọn trong cù lao Tân Triều - nay thuộc địa bàn xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Tân Triều là cù lao độc đáo bởi được hình thành, bao bọc từ rạch sông Đồng Nai chảy vòng, rồi đổ ngược ra dòng chính, theo lý giải “nước sông trong chảy lộn nước sông ngoài” với nước ngọt quanh năm và phù sa luôn bồi đọng nên màu mỡ, làm cho các loại cây trái ngon hơn các nơi khác. Cả tỉnh Biên Hòa có 100 hécta đất trồng trầu. Ngoài trầu, cù lao Tân Triều còn vang danh với bưởi, mía, bắp.
PHAN ĐÌNH DŨNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin