Vào năm 1985, khi nghe UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông Lê Văn Lập (Ba Lập) - Phó chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Nhơn ở xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) thì nhiều người đưa lý lịch của nhân vật này ra “soi” rất kỹ.
Anh hùng Lao động Lê Văn Lập. |
Có ý kiến cho rằng: “Ông Ba Lập này xài đến 5 căn cước giả để trốn lính, lại còn đánh trọng thương tay trung uý Trưởng chi Cảnh sát Bàu Hàm giữa ban ngày, mà sau đó vẫn nhơn nhơn ngồi nhậu với các “thầy chú” ở Hố Nai và cả trên quận thì phải là cảnh sát chìm, mật vụ…; biết đâu tình báo Mỹ gài tên này lại trong kế hoạch hậu chiến!”…
Anh hùng Lao động Ba Lập
Rất may, vùng đất Hưng Lộc - Bàu Hàm có một số “Việt Cộng nằm vùng” là đảng viên Cộng sản hoạt động đơn tuyến và cả tổ chức Chi bộ Đảng nên việc xác minh nghi vấn “làm cho địch” là không có. Qua thẩm tra, còn biết ông Ba Lập có thâm niên trốn quân dịch đến gần 20 năm với rất nhiều tiền sự, tiền án. Ông từng khoét vách thoát nơi tạm giam, trốn quân trường Vạn Kiếp, bị bắt làm lao công đào binh lại đánh lính áp giải, lần lượt bị đưa ra tòa tiểu hình Biên Hòa rồi đại hình Sài Gòn với mức án 8 năm tù giam… Đặc biệt, năm 1950, mới 16 tuổi Ba Lập (lúc đó được gọi là Ba Em với tên trước đó là Quìu) do căm thù tên Lơ-Rixếp bót Tương Bình Hiệp khét tiếng tàn ác, Quìu đã dùng lao lụi thẳng vào ngực giết chết tên giặc hung ác; được người dân nơi đây nể phục.
Khi đoàn cán bộ Đồng Nai do bà Trần Thị Minh Hoàng dẫn đầu về Hưng Lộc lấy ý kiến của bà con tại chỗ, ông Năm Lai - một nông dân cố cựu ở đây tỏ ra bức xúc bày tỏ: “Chuyện ông Ba Lập đêm ngày lặn lội, lo toan cho tập đoàn, rồi cho cả HTX Hưng Nhơn ở đây, già trẻ, nam nữ ai cũng đều biết rõ. Việc khen thưởng cho người làm giỏi, người có công với dân với nước là chuyện rất hợp với lòng bà con. Từ lâu bà con ở đây, nhất là những người nghèo khó chịu ơn ông nhiều…”.
Ngay trong năm 1985, ông Lê Văn Lập được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động kèm Huân chương Lao động hạng Nhì.
Cũng ngay trong thời điểm thiếu đói lương thực, thấy Nhà nước nhập Ganga 5 - một loại bắp công nghiệp màu vàng cam, hạt to cứng thường dùng để chế biến thức ăn gia súc từ Ấn Độ về cứu đói, ông Ba Lập bèn lấy giống bắp mới du nhập này lai với bắp nù bản địa, tạo ra một giống bắp màu vàng nhạt, hạt mềm ngọt và có năng suất cao, được mọi người ưa thích.
Người “mổ lúa” bằng khăn
Ông Lê Văn Lập là người đầu tiên ở huyện Thống Nhất bỏ ra hàng ngàn mét vuông đất thổ cư để làm đường giao thông chung. Ông cũng là người đi tiên phong trong phong trào làm ăn tập thể ở xã Hưng Lộc với việc hiến 13 hécta đất nông nghiệp do chính ông bỏ công khai phá. Từ thủ kho rồi trở thành tập đoàn trưởng tập đoàn 3 sản xuất nông nghiệp Hưng Nhơn và sau đó là Phó chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hưng Nhơn với rất nhiều kỳ tích như: “đẻ đất - đẻ lúa” (lén tổ chức khoán chui đã làm cho đất tập đoàn chỉ 12 hécta lô nhô đá đội đầu trở thành 36 hécta với năng suất lúa thu hoạch đạt gấp đôi). Đặc biệt là chuyện “mổ lúa giống”. Khi Ba Lập biết được tin Viện Nghiên cứu nông nghiệp Nam Bộ đang tổ chức thu hoạch một giống lúa mới có năng suất cao, kháng được sâu rầy nên ông lợi dụng sự quen biết đến hỏi mua một ít làm giống nhưng không được, mà xin cũng không cho. Lãnh đạo viện từ chối với lý do: “tuân thủ nguyên tắc thí nghiệm”. Nhìn đám lúa trồng thí nghiệm đang chín oằn bông, Ba Lập mê quá, quyết chẳng chịu bỏ qua.
Vào ngày thu hoạch, viện tổ chức bảo vệ và canh phòng cẩn mật, kiểm tra chặt chẽ từ khâu tuốt lúa đến vô bao, lưu giữ. Khi đoàn kỹ sư, công nhân vào nhà rồi, Ba Lập mò ra săm soi trong đám rơm một hồi mà chẳng tìm thấy một hạt lúa nào sót lại. Đang lúc thất vọng, Ba Lập bỗng nhìn thấy đàn bồ câu lượn một vòng rồi sà xuống ruộng lúa vừa gặt. Kinh nghiệm cho Ba Lập biết bồ câu không ăn lúa đám, mà chỉ mổ lúa rụng dưới đất, vậy là trong ruộng còn rơi rớt những hạt lúa, nhưng chỉ có thể nhặt được bằng cách… mổ như bồ câu.
Thế là Ba Lập chạy đi quơ một chiếc khăn lông đem nhúng nước rồi trở lại đám ruộng đang trơ gốc rạ. Giữa trưa nắng chang chang, Ba Lập ngồi xổm dưới ruộng cầm chiếc khăn ướt tỉ mẩn chấm từng hạt lúa rơi. Hơn nửa giờ “mổ”, Ba Lập gom được một bọc lúa giống. Với 2,2kg lúa giống “chôm” được này, HTX gieo cấy 1 sào ruộng thu được 460kg lúa để vụ tiếp đó toàn bộ diện tích của HTX Hưng Nhơn được trồng bằng giống lúa mới có khả năng kháng rầy nâu, chịu hạn và cho năng suất cao.
Tiếng lành đồn xa, các tập đoàn sản xuất nông nghiệp trong tỉnh tìm đến, HTX Hưng Nhơn đã nghĩa tình dành ra hơn 40 tấn lúa để đổi. Mãi đến 4 năm sau giống lúa mới có những ưu điểm nổi bật này mới được chính thức công bố với tên gọi là IR 113.240536.
Đạt 4 danh hiệu “Vua”
Trước khi làm ăn tập thể. Ba Lập đã là một ông nông dân vô cùng nổi tiếng ở huyện Thống Nhất. Với triết lý sống “tâm thẳng, trung thực sống bền, tâm an bình đến” nên qua mấy lần đổi tiền, từ 9 triệu rưỡi tiền mặt, cả nhà cửa con cái đùm đề của ông chỉ có đúng 100 ngàn đồng, nhưng nông dân Ba Lập vẫn không hề bi quan, chán nản. Ông mày mò, nghiên cứu hết cây trồng đến vật nuôi. Ì xèo nhất là chuyện Ba Lập dùng kim tiêm rút lòng trắng trong quả trứng gà, bơm lòng trắng trứng vịt vào rồi dùng sáp dán kín lỗ kim, đem cho gà ấp. 20 ngày sau, trứng nở ra con gà lai vịt với đôi chân cao nhồng bước đi lẹp bẹp và không biết bơi.
Anh hùng Lao động Lê Văn Lập trong chuyến du lịch mới đây. |
Nhưng có lẽ chuyện Ba Lập được nhiều người trong tỉnh biết đến là vào thời cả nước lâm vào hoàn cảnh thiếu đói. Do liên tiếp mất mùa bởi hạn hán, sâu bệnh, lương thực cho hầu hết người dân Đồng Nai lúc đó là cơm độn mì, bắp, chuối… Thế mà thật bất ngờ, các chuyên gia nông nghiệp phát hiện được ở ấp Hưng Nhơn có cánh đồng cao lương rộng đến 2 hécta kết trái, thu hoạch với năng suất cao ngất ngưỡng. Xác định đây là cây lương thực chống đói có hiệu quả tức thời nên cán bộ nông nghiệp và lương thực ùn ùn kéo đến tham quan mô hình cứu đói và lấy giống mang ra nhân rộng, hình thành phong trào “đẩy mạnh trồng cây cao lương” vượt ra khỏi địa bàn Đồng Nai. Thiên hạ xúm nhau tâng bốc gọi nông dân Ba Lập là “Vua cao lương”. Khi được hỏi về nguồn gốc của giống cao lương quý này, “Vua cao lương” Lê Văn Lập thành thật cho hay: “Mớ hột bo bo giống này tui ăn cắp trong Trại Thực nghiệm Hưng Lộc hồi trốn lính!”.
Không lâu sau, Ba Lập lại làm náo động dân tình vì một giống khoai lang cao sản, có thể xắt lát phơi khô, ghế cơm không nhão mà lại thơm ngon, được ông cho ra mắt. Cán bộ nông nghiệp và bà con nông dân khắp nơi lại đến xin giống. Và nhiều người đã không ngại ngần gọi Ba Lập là “Vua khoai lang”. Ông Ba Lập cũng không ngần ngại tiết lộ ông cũng “chôm” giống khoai lang Tà Nung 57 trong trại thực nghiệm Hưng Lộc đem về chẻ dây giống ra làm đôi để ghép với dây khoai lang mật Đà Lạt rồi trồng nhân giống. Trồng ra được 1 hécta khoai lang lai, thu hoạch hơn 40 tấn củ, Ba Lập lại tạo thêm một kỳ tích trên mặt trận nông nghiệp.
Phát hiện ra anh nông dân “bàn tay vàng” Viện Nghiên cứu nông nghiệp Nam Bộ liền đem các loại đậu xanh, đậu nành giống mới du nhập giao cho Ba Lập nhân giống. Kết quả đạt được hơn cả mong đợi, Ba Lập được tặng bằng khen. Bà con nông dân trong xã Hưng Lộc khoái chí bèn tặng thêm cho ông danh hiệu “Vua nhân giống đậu”.
Với biệt tài canh gió bấc và nghe tiếng ếch kêu nhận định thời tiết một cách chính xác nên Ba Lập biết được thời điểm thích hợp để gieo trồng rau cải phát triển mạnh trong mùa mưa, bán được giá cao. Do vậy vào mùa mưa, mặt hàng rau xanh khan hiếm thì vườn rau nhà Ba Lập có sẵn các lứa rau xanh với sản lượng hơn 20 tấn. Không những thương lái trong tỉnh mà các tập đoàn sản xuất rau xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh nghe tiếng đã tìm đến tham quan, học tập và gọi ông nông dân ở ấp Hưng Nhơn này là “Vua rau cải mùa mưa”....
Bùi Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin