Báo Đồng Nai điện tử
En

Con đường bên dòng Đồng Nai thương mến

Đào Khởi
12:44, 07/09/2024

 

Con đường Nguyễn Văn Trị quá thân quen với người dân Biên Hòa vì nơi đây có khúc Sông Phố hiền hòa, êm đềm chảy ngang qua và có công viên, phố đi bộ rộn ràng, nhộn nhịp mỗi đêm.

 

Công viên bờ sông bên đường Nguyễn Văn Trị, thành phố Biên Hòa. Ảnh: Huy Nguyễn
Công viên bờ sông bên đường Nguyễn Văn Trị, thành phố Biên Hòa. Ảnh: Huy Nguyễn

 

Con đường với những ký ức dấu yêu

Tôi đến Biên Hòa vào những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ XX và đến nay, những con đường, góc phố Biên Hòa hầu như tôi đã đi qua. Có những con đường đã trở nên thân quen và gắn bó thân thiết như: Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Thuận, Hà Huy Giáp, Huỳnh Văn Lũy, Đồng Khởi, Phan Chu Trinh, 30-4, Phan Đình Phùng, Cách Mạng Tháng Tám, Võ Thị Sáu, Hưng Đạo Vương… Và có lẽ thân thương nhất là con đường Nguyễn Văn Trị vì nơi đây có ngôi trường tôi dạy học, ngày hai buổi đi về.

Con đường Nguyễn Văn Trị được bắt đầu từ điểm giao với đường Cách Mạng Tháng Tám (bên hông Trường tiểu học Nguyễn Du, UBND tỉnh và đối diện nhà thờ Biên Hòa) đến chân cầu Hóa An có chiều dài 1.524m, rộng 14m thuộc 2 phường Hòa Bình và Thanh Bình. Đường Nguyễn Văn Trị mang tên người đảng viên Đảng Cộng sản, liệt sĩ cách mạng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, Khu ủy viên Miền Đông. Trên con đường này có các trụ sở cơ quan, trường học: Trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, còn có đình Tân Lân, một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là ngôi đình có nét kiến trúc tôn giáo nghệ thuật đặc sắc tiêu biểu của thế kỷ XVIII-XIX ở Nam Bộ. Và còn có chợ Biên Hòa trên bến dưới thuyền một thuở, nay là nơi mua bán sầm uất của thành phố…

Đường này trước năm 1975 có tên là Trần Thượng Xuyên. Anh bạn tôi tuổi trên 70, nhà ở một con hẻm chợ Biên Hòa, có dịp gặp nhau lại kể về những năm tháng tuổi thơ bên con đường này. Ký ức anh vẫn còn in đậm về những ngày còn nhỏ cứ trưa trưa lại cùng bạn bè ra đoạn sông trước đình Tân Lân tắm, có những lần lội tới tận cồn Gáo (nay không còn)gần cầu Hóa An chơi. Từng ngóc ngách, con hẻm trên con đường, anh còn thuộc nằm lòng. Mỗi lần nhắc lại, anh thấy lòng nao nao, bồi hồi thương nhớ.

Những ngày đầu chạm ngõ vùng đất Biên Hòa, tôi có thói quen những chiều cuối tuần đạp xe từ ngã ba Vũng Tàu đi bến đò An Hảo, qua trung tâm thành phố. Tôi thường đến đường Nguyễn Văn Trị, ngồi trên Nhà Mát trước trụ sở UBND tỉnh và Nhà thiếu nhi Đồng Nai ngắm dòng sông Đồng Nai, xa xa là núi Châu Thới, ngắm cầu Ghềnh, cầu Hóa An.

Con đường của bạn, của tôi, của cư dân thành phố thuộc tỉnh có số dân đông nhất nước sẽ mãi mãi còn đó, gắn bó thiết tha. Và để rồi mai này nếu có đi xa, ta lại da diết nhớ về một con đường bên dòng Đồng Nai thương mến…

 

Thời còn dạy học ở Cà Mau, tôi đã từng đọc rất nhiều tác phẩm của các nhà văn tên tuổi viết về Đồng Nai. Dòng sông Đồng Nai thật cuốn hút tôi: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Và khi đến làm cư dân nơi đây tôi muốn khám phá cho hết về mảnh đất: “Đồng Nai xứ sở lạ lùng/ Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”. Nếu như Huế có biểu tượng là sông Hương, cầu Tràng Tiền thì Biên Hòa là dòng Đồng Nai và cầu Ghềnh trên trăm tuổi. Một anh bạn văn đất Sài Gòn một lần ghé thăm đã thốt lên với tôi như vậy.

Anh bạn tôi đã định cư ở nước ngoài khá lâu, mỗi dịp trở lại quê hương, anh lại chạy ra đường xưa, ghé chợ Biên Hòa, ngồi hàng giờ trong quán cà phê vợt, ngắm con đường bên sông. Bạn bảo thời nhỏ đi học trên con đường này, chiều chiều cùng bạn bè đạp xe lòng vòng, quay đi quay lại nên con đường xưa không thể nào quên dù bôn ba đây đó, sống bên kia nửa vòng trái đất.

Có lẽ là duyên nợ với con đường khi 13 năm sau tôi chuyển từ Trường tiểu học Long Bình Tân về Trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu. Đường Nguyễn Văn Trị đã gắn bó với tôi 31 năm, có 18 năm ngày hai buổi đến trường. Khỏi phải nói nó đã quen thuộc, dấu yêu với tôi như thế nào.

Con đường thơ mộng nhất Biên Hòa

Đường xưa với những ký ức thương yêu không chỉ đối với những người gốc Biên Hòa mà còn với tôi và nhiều người từ nơi xa đến đây lập nghiệp. Và có quá không khi đường Nguyễn Văn Trị được mọi người cho rằng là con đường thơ mộng nhất, đẹp nhất thành phố Biên Hòa?

Đó không phải là sự ưu ái của mọi người dành cho con đường mà phải nhận định điều này hoàn toàn đúng. Đường Nguyễn Văn Trị với hai hàng phượng vĩ, hàng me xanh ngát, bên công viên rợp bóng cây mướt xanh, bên khúc Sông Phố êm đềm, hiền hòa, lồng lộng gió sẽ khó có con đường nào sánh bằng, đẹp bằng. Ai ở xa đến, dù chỉ một lần ngang qua con đường xanh màu lá phượng, rợp lá me bay này sẽ bước đi không đành và nhớ mãi khi xa.

Đường hoa, phố đi bộ, ẩm thực, điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa được tổ chức vào mỗi dịp Tết đến xuân về, rồi công viên ánh sáng đã làm cho con đường trở nên đẹp lộng lẫy, mỹ lệ và kiêu sa. Không riêng gì giới trẻ, nam thanh nữ tú hẹn hò, vui chơi mà con đường còn là nơi người dân tập thể dục, thư giãn, ngắm cảnh sông nước hữu tình. Đó còn là địa điểm check-in của giới trẻ Biên Hòa những năm qua. Đã có biết bao nhiêu tình yêu đôi lứa bắt đầu từ con đường lãng mạn, thơ mộng này. Chỉ một lần thôi, đứng trên cầu Hóa An, ta sẽ thấy vẻ đẹp mỹ miều của con đường như cô gái tuổi thanh xuân đang tràn đầy nhựa sống.

Buổi sáng mai, đi trên con đường ta sẽ bắt gặp những thanh âm hối hả. Tiếng rao hàng nơi chợ Biên Hòa, tiếng học trò đến trường, tiếng những bước chân, tiếng nhạc tập thể dục trong công viên… cho ta cảm nhận một ngày mới tràn đầy năng lượng được bắt đầu.

Buổi trưa, trời nóng như đổ lửa, chạy xe rẽ vào đường Nguyễn Văn Trị sẽ cảm thấy mát rượi bởi những hàng cây xanh che mát, gió sông thổi lên dịu mát, xua đi cái nắng trưa.

Buổi chiều hoàng hôn, đi ngang qua dừng chân ngồi trên công viên ngắm ánh hoàng hôn tím trôi trên sông, thưởng thức những ly nước ngọt mát cô hàng nước bán bên lề đường, nghe tiếng sóng dòng sông nhè nhẹ xô bờ sao mà dễ chịu, sảng khoái vô cùng.

Đêm xuống, dạo bộ trên con đường là ngập tràn ánh sáng, lung linh sắc màu, nhộn nhịp, sôi động làm sao. Tiếng nói cười, tiếng gọi nhau, tiếng thì thầm của nam thanh nữ tú hòa quyện vào không gian, ta thấy lòng vui lạ thường. Con phố ẩm thực, những quán cà phê với mùi của đồ ăn, thức uống, mùi cà phê nghe nức mũi khiến ta khó có thể cưỡng được bước chân dừng lại bên đường. Hình như con đường chẳng ngủ, chẳng nghỉ ngơi được bao nhiêu thời gian, cứ thức và chịu thương chịu khó ngày lại qua ngày cần mẫn góp sức làm cho Biên Hòa thêm giàu đẹp hơn…

Với địa thế đắc địa, nằm bên khúc sông Đồng Nai chảy ngang qua thành phố Biên Hòa đã đi vào thơ ca, nhạc họa, văn chương, một biểu tượng của thành phố, có thể nói đường Nguyễn Văn Trị là nơi để lại ấn tượng, kỷ niệm của mọi lứa tuổi, người dân ở đây. Bạn đồng nghiệp tôi ở các trường phải “ghen tị” và ước ao vào mỗi năm giáo viên lớp 5 trường tôi dắt học trò ra công viên học ngoài trời trong những tiết học văn tả cảnh, tả dòng sông Đồng Nai. Cựu học trò tôi có khi ghé thăm trường, nhắn tin trên Facebook, Zalo, điện thoại đều nhắc nhớ về con đường Nguyễn Văn Trị của một thời cắp sách hồn nhiên, ngây thơ. 5 năm học dưới mái Trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu, in đậm trong trí nhớ các em là con đường đến trường gần gũi, mến thương và đong đầy tình cảm mà bao thế hệ học trò của trường dành cho. Nhiều em thành đạt, thành danh, trở lại trường cứ tự hào được học ở ngôi trường nằm trên con đường đẹp nhất thành phố...

  Đào Khởi

Tin xem nhiều