Đài kỷ niệm hay còn gọi là Đài Chiến sĩ (trận vong), nằm ở vị trí trung tâm, đối diện Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai và Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, giữa hai con đường lớn là 30-4 và Nguyễn Ái Quốc thuộc phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa. Đài Chiến sĩ được chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng sau khi kết thúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ I (1914-1918) và khánh thành vào ngày 21-1-1923. Di tích đài chiến sĩ đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 16-11-1988.
Di tích Đài kỷ niệm. Ảnh: VĨNH HUY |
1. Cuộc nổi dậy của Lâm Trung Trại ở Biên Hòa chống chính sách bắt lính của thực dân Pháp
Sau Hiệp ước Patenotre 1884, Việt Nam rơi vào tay thực dân Pháp. Nhân dân ta đã liên tục tham gia các phong trào kháng chiến từ Cần Vương đến Văn Thân, nhưng đều bị thất bại, tuy nhiên tinh thần chống thực dân Pháp vẫn luôn tồn tại âm ỉ chờ dịp để bùng lên, nhiều tổ chức hội kín đã xuất hiện với mục tiêu chống Pháp.
Phan Xích Long (tên thật là Phan Phát Sanh, tự là Lạc), sinh năm 1893. Chứng kiến cảnh sưu cao thuế nặng của nông dân cùng những thủ đoạn tàn bạo của thực dân Pháp nhằm đàn áp những người yêu nước, ông nuôi chí tập hợp lực lượng kháng Pháp với tổ chức Thiên địa hội thành lập tháng 2-1912 quy tụ những người cùng chí hướng để làm quốc sự đánh đuổi thực dân Pháp. Các tỉnh ở Nam Bộ bấy giờ nhiều hội kín lấy cách tổ chức theo hình thức Thiên địa hội để hoạt động tập hợp quần chúng. Tổ chức Thiên địa hội ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ đều có mối quan hệ, tuy mỗi tỉnh tổ chức này mang một tên khác để không bị chính quyền thực dân phát hiện.
Thực dân Pháp không chỉ khai thác thuộc địa, bóc lột tài nguyên của Việt Nam (về công nghiệp, cao su, khai thác gỗ…), mà còn sử dụng nguồn nhân lực thuộc địa phục vụ cho cuộc chiến tranh ở châu Âu, trong đó có “mẫu quốc” Pháp trong cuộc chiến tranh thế giới bắt nguồn từ tranh giành quyền lợi các nước tư bản châu Âu từ ngày 28-7-1914 đến ngày 11-11-1918.
Khi cuộc chiến tranh nổ ra, chính quyền thuộc địa Pháp đã tiến hành bắt thanh niên Việt Nam vào lính cầm súng và làm lính thợ phục vụ cho cuộc chiến phi nghĩa với luận điệu tuyên truyền là “yêu nước” để bảo vệ “mẫu quốc” Pháp.
Nguyễn Ái Quốc trong Bản án chế độ thực dân Pháp, chương Thuế máu đã vạch trần chính sách mị dân khi bắt lính người Việt như sau: “Trước năm 1914, họ (thanh niên Việt Nam và thuộc địa ở châu Phi) chỉ là những tên da đen bẩn thỉu, những tên “Annamít” bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị nhà ta. Ấy thế mà cuộc chiến tranh vui tươi vừa bùng nổ, thì lập tức họ biến thành những đứa “con yêu”, những người “bạn hiền” của các quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, thậm chí của cả các quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé nữa. Đùng một cái, họ (những người bản xứ) được phong cho cái danh hiệu tối cao là “chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do”. Nhưng họ đã phải trả bằng một giá khá đắt cái vinh dự đột ngột ấy, vì để bảo vệ cho cái công lý và tự do mà chính họ không được hưởng một tí nào, họ đã phải đột ngột xa lìa vợ con, rời bỏ mảnh ruộng hoặc đàn cừu của họ, để vượt đại dương, đi phơi thây trên các bãi chiến trường châu Âu”.
Trong bối cảnh đó các tổ chức hội kín đã kịp thời tuyên truyền không đi lính cho Pháp, chống lại việc Pháp bắt lính người Việt sang phục vụ chiến tranh phi nghĩa.
Tại Biên Hòa bấy giờ cùng thời điểm tại Gò Mọi xã Đại An (nay là xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) ông Năm Hi cùng 17 thanh niên yêu nước (có người từng làm Hương hào cho chính quyền Pháp như ông Ba Hầu), giỏi võ nghệ thành lập một tổ chức bí mật (hội kín) lấy tên Lâm Trung Trại (học theo hình thức tổ chức trại Lương Sơn gồm 108 anh hùng Lương Sơn Bạc của Trung Quốc) để tập hợp phát triển lực lượng, trang bị một vài khẩu súng còn lại là giáo mác để đánh Pháp. Các hội viên cùng cắt máu ăn thề, nếu Thiên địa hội ở Trung quốc trước đây “phản Thanh phục Minh” thì hội kín của Lâm Trung Trại quyết tâm “phản Pháp phục Nam”. Các thành viên của trại phân công nhau cùng bí mật tổ chức, tập hợp những người yêu nước, rèn vũ khí và chờ thời cơ nổi dậy đánh Pháp.
Theo chỉ đạo chung của Thiên địa hội từ Sài Gòn, đêm 12 tháng giêng năm Bính Thìn (1916, tức 14-2-1916), Lâm Trung Trại bố trí hai lực lượng: một lực lượng về Sài Gòn phối hợp các nhóm Thiên địa hội ở Sài Gòn, Gia Định, các tỉnh miền Tây Nam Bộ đánh vào khám đường Sài Gòn, dinh Thống đốc Nam Kỳ và một đánh phá kho đạn, phá nhà máy điện... Một bộ phận lực lượng Trại Lâm Trung ở Biên Hòa tấn công vào các nhà làng: Tân Khánh và Bà Trà (nay thuộc thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), Bến Cá, Tân Trạch, Lò Gạch (huyện Vĩnh Cửu), khám đường Biên Hòa… giải cứu những thanh niên bị chính quyền thực dân giam giữ, chờ sang Pháp phục dịch thế chiến thứ nhất. Quyết tâm cao nhưng do vũ khí thô sơ, chưa quen chiến trận và viện binh Pháp từ thành Biên Hòa lên ứng cứu, nên lực lượng của trại rút lui, có nhiều thanh niên đã nổi dậy thoát khỏi nơi giam cầm.
Cả hai cuộc nổi dậy ở Sài Gòn và Biên Hòa đều thất bại. Thực dân Pháp truy lùng, bắt thân nhân nhiều lãnh đạo trại để buộc các ông ra hàng. Các lãnh đạo trại Lâm Trung lần lượt bị bắt ở những địa điểm khác nhau trong tỉnh.
Tháng 3-1916, chính quyền thực dân Pháp lập tòa án hình ở Biên Hòa để xử các hội viên Lâm Trung Trại bị bắt sau vụ nổi dậy vũ trang không thành với tội danh “phiến loạn, cướp của và giết người”. Chín nghĩa sĩ đóng vai trò lãnh đạo bị xử án tử hình gồm có Năm Hi, Ba Hầu, Hai Lựu, Hai Sở, Lào Lẹt, Bảy Phát, Bếp Đầy, Mười Sót, Mười Tiết. Riêng Tư Hổ và Ba Vạn bị kết án 20 năm khổ sai, lưu đày ra Côn Đảo.
Chính quyền thực dân Pháp cho xây dựng trường bắn với một dãy cọc gỗ ở Gò Mô (vị trí trước cổng Sân bay Biên Hòa ngày nay), người dân thường gọi ngã ba cây Gõ cụt (thôn Bình Thành nay thuộc phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa).
Chín nghĩa sĩ lãnh đạo Lâm Trung Trại Biên Hòa đã ngã xuống, máu của các vị anh hùng đã thấm vào lòng đất để tên tuổi lưu danh muôn đời cùng sử xanh. Mục tiêu “phản Pháp phục Nam” của các nghĩa sĩ Lâm Trung Trại tuy không thành, nhưng các vị đã giữ tròn chữ dũng, nêu cao nghĩa khí trước cái chết, giữ một lòng trung với đất nước. Nấm mộ chung của chín nghĩa sĩ ở ngã ba Cây Gõ cụt, người dân quanh vùng xây một am nhỏ nơi đầu Dốc Sỏi gọi là “miếu cô hồn” để ghi dấu tinh thần bất khuất, nghĩa khí oai hùng của chín nghĩa sĩ. Tấm gương “nói lời tốt” (trung cang) trước cái chết; tấm gương “làm người tốt” vì trung vì nghĩa; “làm việc tốt” đấu tranh cho dân tộc của các nghĩa sĩ Lâm Trung sống mãi cùng nhân dân tỉnh nhà.
2. Đến trò mị dân xây dựng Đài “chiến sĩ trận vong” ở Biên Hòa
Chiến tranh thế giới thứ I kết thúc (11-11-1918), chính quyền thực dân Pháp đã cho xây dựng nhiều đài kỷ niệm những người lính Việt Nam “hy sinh cho mẫu quốc” Pháp, trong đó có Đài Chiến sĩ ở Biên Hòa. Không biết bao nhiêu thanh niên Việt Nam đã bỏ mình ở trời Âu, bao nhiêu người trở về quê hương với thương tật, nhưng theo Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc thì: “Tổng cộng có 700.000 người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp; và trong số ấy, 80.000 người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa!”. Và Người nêu một thực tế khi những người lính trở về quê hương: “Về đến xứ sở, chẳng phải họ đã được một quan cai trị biết ơn đón chào nồng nhiệt bằng một bài diễn văn yêu nước. “Các anh đã bảo vệ Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ, chúng tôi không cần đến các anh nữa, cút đi!”, đó sao?”.
Ngày 21-1-1923, chính quyền thực dân Pháp đã tổ chức linh đình lễ khánh thành Đài Kỷ niệm người An Nam trận vong của tỉnh Biên Hòa, ban tổ chức ngày hội đang tích cực chuẩn bị “một chương trình tuyệt diệu”. Những người Việt bỏ mình ở trời Âu nào khác gì “thuế máu” ngoài đủ loại thuế khóa mà thực dân đã định cho người bản xứ? Tác giả mỉa mai: “Ngày 21-1 tới, tất cả chúng ta hãy đi Biên Hòa, chúng ta sẽ vừa được dự những hội hè linh đình vui tươi, vừa được dịp tỏ cho những gia đình tử sĩ An Nam ở Biên Hòa thấy rằng chúng ta biết tưởng nhớ đến sự hy sinh của con em họ”.
Trần Quang Toại - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai
Di tích Đài Kỷ niệm (Đài chiến sĩ) được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1288/VH-QĐ ngày 16-11-1988. Đài Kỷ niệm đã được trùng tu tôn tạo là một chứng tích lịch sử để chúng ta luôn ghi nhớ một thời người dân Việt phải đóng “thuế máu” cho chính quyền thuộc địa Pháp, mà chúng luôn ca ngợi là những người hy sinh vì “tự do, công lý”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin