Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội tụ những đầu bếp đẳng cấp quốc tế

Ngọc Liên
08:00, 14/09/2024

Dù mới có được “sân chơi” trong thời gian ngắn nhưng các hoạt động của Hội Đầu bếp Đồng Nai đã để lại nhiều dấu ấn. Đặc biệt là sự trưởng thành của các đầu bếp qua các buổi gặp gỡ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đầu bếp chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế với các đầu bếp làm việc tại các nhà hàng, khách sạn.

Đầu bếp Trần Cường Thịnh (trái) và Trần Ngọc Nghĩa.
Đầu bếp Trần Cường Thịnh (trái) và Trần Ngọc Nghĩa.

Thời gian qua, nhiều đầu bếp của Đồng Nai đã ghi được tên tuổi của mình trong làng ẩm thực thế giới như các đầu bếp: Trần Cường Thịnh, Ngô Chi Và, Phạm Văn Hoàng, Trần Ngọc Nghĩa...

Đưa ẩm thực Việt ra thế giới

Đầu bếp Trần Cường Thịnh, chuyên gia ẩm thực, cố vấn Hội đầu bếp Đồng Nai được nhiều người biết đến cả ở trong và ngoài nước. Với niềm đam mê và sự nhiệt tình, trách nhiệm, đầu bếp Thịnh đã mang tinh hoa ẩm thực của Việt Nam đi đến khá nhiều nước trên thế giới thông qua các cuộc thi, liên hoan, giao lưu về ẩm thực. Tính đến nay, đầu bếp Thịnh đã đoạt 30 giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan ẩm thực trong nước và quốc tế. Đặc biệt, ông Thịnh là đầu bếp duy nhất của Đồng Nai được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân vào năm 2022. Giữa tháng 8-2024, ông đã cùng 15 đầu bếp trong cả nước thực hiện món gỏi cuốn dài nhất Việt Nam với 15 loại nhân, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận kỷ lục.

Chia sẻ kinh nghiệm, bài học sau những chuyến “mang chuông đi đánh xứ người”, đầu bếp Thịnh cho rằng, việc chủ động tham gia các sân chơi ẩm thực quốc tế sẽ giúp cho các đầu bếp học hỏi được những kinh nghiệm, tăng sự sáng tạo, nâng cao tay nghề trong quá trình thực hành nghề. Theo ông, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, thậm chí trong một quốc gia nhưng mỗi vùng miền có phong cách ẩm thực riêng mà nếu không đi đến nơi, không trải nghiệm thực tế các đầu bếp sẽ không hiểu hết những giá trị, cách sử dụng, chế biến món ăn để phục vụ người dân địa phương.

Là bóng hồng hiếm hoi trong làng đầu bếp của Đồng Nai, bà Trần Ngọc Nghĩa cũng là một trong những đầu bếp thường xuyên có các chuyến “xuất ngoại” để quảng bá hình ảnh, đặc sản của quê hương Việt Nam. Bà chia sẻ: “Gần 20 năm gắn bó với nghề, cùng với chức danh Đại sứ hàng Việt Nam chất lượng cao, tôi đã có cơ hội quảng bá ẩm thực, sản phẩm đặc trưng của Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung ra nhiều nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Pháp... Qua mỗi chuyến đi, tôi đã tận dụng thời gian và cơ hội để quảng bá nông sản Việt Nam và biểu diễn các món ăn được chế biến trực tiếp từ nông sản Việt”.

Qua những buổi gặp gỡ, giao lưu ẩm thực quốc tế, bà Nghĩa đã góp phần đưa đặc sản, ẩm thực Việt vươn tầm quốc tế. Ngoài ra, điều đạt được lớn nhất đối với bà là có thêm mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp quốc tế. Bà Nghĩa cho biết thêm, các chuyến giao lưu ẩm thực quốc tế đã giúp bà tự tin trong giao tiếp, đồng thời học hỏi được nhiều kinh nghiệm về ẩm thực. Thông qua các món ăn Việt, nhiều người đã chọn Việt Nam là điểm đến để tìm hiểu, khám phá nhiều hơn và chính bà là hướng dẫn viên của họ. “Theo tôi đầu bếp Việt cần chủ động, mạnh dạn hơn nữa trong kết nối, chia sẻ với bạn bè quốc tế để phát triển” - bà Nghĩa nói.

Nâng tầm giá trị ẩm thực Việt

Nhiều chuyên gia ẩm thực Việt Nam khi tham gia các sân chơi quốc tế đều có sự trưởng thành, bản lĩnh nghề nghiệp được nâng lên. Từ các sân chơi trên, ẩm thực Việt Nam cũng được nâng giá trị và nhiều người biết đến. Thực khách quốc tế sẽ biết đến văn hóa ẩm thực Việt qua những câu chuyện về các món ăn, nguyên liệu chế biến, cách sử dụng và cảm nhận hương vị đặc trưng...

Đầu bếp Ngô Chi Và.

Được xem là bậc thầy về các loại nước sốt với những công thức nước sốt độc quyền được các nhà hàng, khách sạn ở nhiều nước như Trung Quốc, Singapore... đặt hàng với giá trị kinh tế khá cao, đầu bếp Ngô Chi Và, Phó chủ tịch Hội Đầu bếp Đồng Nai là một trong những hình mẫu đầu bếp thành công của Đồng Nai với hơn 30 năm gắn bó với nghề.

Ông Và cho hay, ông từng đến giảng dạy về nấu ăn tại một số nước trên thế giới. Trong quá trình nghiên cứu cũng như thực hiện chế biến món ăn của mình, ông luôn tìm cách đưa hương vị Việt vào món ăn để tạo sự ấn tượng, hấp dẫn thực khách. Tuy nhiên, để làm được điều đó, người đầu bếp cần có sự nghiêm cứu, tìm hiểu phong tục, thói quen ăn uống của người dân từng vùng miền, địa phương. Bên cạnh đó, người đầu bếp phải có sự nhạy bén trong nắm bắt từng đối tượng khách hàng ở từng độ tuổi, giới tính cũng như sở thích... Việc này sẽ giúp đầu bếp dễ dàng chế biến các món ăn hợp khẩu vị với khách hàng của mình hơn. Đến nay, ông Và đã đào tạo ra nhiều lứa đầu bếp trẻ có trình độ, góp phần làm cho ẩm thực Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú.

Để có một bàn ăn thịnh soạn, hấp dẫn và tạo cảm giác ngon miệng đòi hỏi người đầu bếp phải biết cách trang trí, biết tạo ra những giá trị nghệ thuật trên bàn ăn. Với niềm đam mê môn cắt tỉa rau, củ, quả, nghệ nhân Phạm Văn Hoàng, Phó chủ tịch Hội Đầu bếp Đồng Nai, Giám đốc Trung tâm điêu khắc Phạm Hoàng tại thành phố Biên Hòa đã thành công trong việc nâng tầm giá trị các món ăn trên bàn tiệc. Theo đó, các món ăn trở nên trang trọng, hấp dẫn không chỉ bởi hương vị mà còn bởi sự tinh tế trong bày trí thức ăn kết hợp với những tác phẩm nghệ thuật từ rau, củ, quả.

Đầu bếp Phạm Hoàng.
Đầu bếp Phạm Hoàng.

Ông Hoàng cho biết, ông đã được nhận một số giải thưởng lớn trong nước và quốc tế về cắt tỉa rau, củ, quả như: Huy chương vàng đồng đội, Huy chương đồng cá nhân tại Cuộc thi Cắt tỉa rau, củ, quả quốc tế được tổ chức tại Thái Lan năm 2015; Giải nhất về cắt tỉa rau, củ, quả tại Liên hoan Ẩm thực Đồng Nai năm 2015. Từ năm 2016 đến nay, ông Hoàng mở trung tâm đào tạo nghề điêu khắc rau củ, quả, đào tạo nhiều thế hệ học viên trong nước và quốc tế đến Việt Nam để học bộ môn nghệ thuật này. Đến nay, trung tâm đã đào tạo được hàng ngàn học viên trong lĩnh vực điêu khắc rau, củ, quả. Trong đó, một số học viên đã đoạt giải cao ở các cuộc thi, liên hoan ẩm thực trong nước và
quốc tế.

Ngọc Liên

Tin xem nhiều