Báo Đồng Nai điện tử
En

Người lính sau chiến tranh trên sân khấu cải lương

Ly Na
18:05, 27/09/2024

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai vừa dàn dựng và ra mắt vở cải lương Đồng chí, tác giả kịch bản Lê Thu Hạnh, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Nguyên Đạt đạo diễn.

Một cảnh trong vở cải lương Đồng chí, tác giả Lê Kim Hạnh, do Nghệ sĩ Ưu tú Lê Nguyên Đạt đạo diễn. Ảnh: Ly Na
Một cảnh trong vở cải lương Đồng chí, tác giả Lê Kim Hạnh, do Nghệ sĩ Ưu tú Lê Nguyên Đạt đạo diễn. Ảnh: Ly Na

Trên nền câu chuyện của những người lính sau chiến tranh, Đồng chí phản ánh chân thực những vấn đề “nóng” hiện đang được dư luận quan tâm, trong đó nổi bật là câu chuyện về phòng, chống tham nhũng; tai nạn lao động; nợ lương công nhân; bão lũ; trồng rừng, bảo vệ cây xanh…

Phản ánh nhiều vấn đề “nóng” của xã hội

Nhân vật chính trong Đồng chí là ông Trung (nghệ sĩ Thành Vinh vào vai) là sĩ quan quản giáo, vì cứu đồng đội thoát khỏi vòng vây của kẻ thù, ông bị thương nặng ở chân, trở thành thương binh. Sau chiến tranh, ông trở về cuộc sống đời thường, sống cùng con cháu. Ông luôn nêu cao tinh thần của người lính, luôn dạy con, cháu trân trọng quá khứ, sống có đạo đức, có lý tưởng.

Tuy nhiên, con trai ông Trung là Thành (nghệ sĩ Hoàng Việt Trang vào vai) lại không làm theo lời cha dạy. Bước lên vị trí giám đốc của một công ty lớn, Thành bắt đầu sa chân vào những cuộc chơi, tham ô, tham nhũng. Đặc biệt, khi công ty xảy ra sự cố tai nạn lao động nghiêm trọng, Thành không dám đứng ra chịu trách nhiệm và đương đầu với những khó khăn mà đùn đẩy, trốn tránh… Từ một thanh niên có ý chí, Thành “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bản thân mình.

Duyên (nghệ sĩ Hồng Gấm) - bác sĩ chuyên khoa tim mạch, vợ của Thành dù biết chồng thay đổi nhưng vẫn thủy chung, âm thầm chịu đựng bởi với chị, tình yêu thương của người cha - ông Trung và Đạt (nghệ sĩ Đông Nguyên vào vai) - người con trai là động lực để chị tiếp tục sống và làm nhiều việc tốt giúp cho đời. Hơn 20 năm, Duyên đã cùng với các bác sĩ thành lập nhóm thiện nguyện, giúp nhiều trái tim được chữa lành.

Một trong những phân cảnh có thời gian dài nhất trong vở diễn là cảnh ông Trung trở về chiến trường xưa, gặp lại những đồng chí, đồng đội của mình. Ở đó, ông cùng với ông Út (nghệ sĩ Hoài Minh) và ông Trần Hải (nghệ sĩ Hoàng Linh) - là Việt kiều, người lính Việt Nam cộng hòa một thời đi cải tạo, ôn lại những câu chuyện xưa. Từ những lời chia sẻ của ông Trung và ông Út, ông Trần Hải nhận ra những sai lầm của bản thân. Giờ đây họ là những người “đồng chí hướng”, vì thế ông Hải tự nguyện bù đắp lỗi lầm bằng cách sẽ mở một phòng khám miễn phí, giúp đỡ bà con ở quê nhà.

Kết thúc vở diễn, Thành phải trả giá cho những việc làm sai lầm của mình. Đạt - cháu nội của ông Trung tình nguyện tham gia quân ngũ, rèn luyện bản thân mình. Đạt cùng với những đồng chí của mình tiếp tục trồng rừng, bảo vệ cây xanh trước thiên tai, bão lũ…

Trong thời gian hơn 90 phút với 9 cảnh, vở cải lương Đồng chí đã dẫn dắt khán giả từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. Lấy chất liệu từ cuộc sống hiện thực, bám chặt vào vấn đề nóng hổi của xã hội hiện nay, nhiều cảnh diễn về người lính đã lấy không ít nước mắt khán giả. Ngoài tình đồng chí, đồng đội, những câu chuyện về tình yêu, tình cảm gia đình cũng được phản ánh một cách chân thực.

Nghệ sĩ Ưu tú Trần Nguyên Đạt cho hay, khi nhận lời mời của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai làm đạo diễn cho vở cải lương Đồng chí, ông rất trăn trở. Bởi đây là vở diễn chính luận, rất khó, đề tài về câu chuyện người lính bước ra từ sau chiến tranh, làm sao để tìm cách khai phá, tìm ra góc nhìn mới, lý giải câu chuyện một cách chân thực, sống động và cuốn hút. Đặc biệt, việc xử lý tình tiết sao cho truyền được tinh thần của câu chuyện mà vẫn đảm bảo được yếu tố truyền thống của cải lương.

Nghệ sĩ Nhân dân ĐỒNG THỊ QUẾ ANH, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai bộc bạch: “Đã rất lâu, từ sau vở diễn Dòng sông đỏ, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai mới dàn dựng vở diễn đề tài người lính bước ra từ trong chiến tranh. Đây cũng là vở diễn sẽ được nhà hát mang đi tham gia liên hoan sân khấu trong thời gian tới”.

Góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ

Vào vai người thương binh sau chiến tranh, diễn xuất đầy cảm xúc của nghệ sĩ Thành Vinh đã khiến khán giả nhiều lần phải nghẹn ngào. Với nghệ sĩ Thành Vinh, đây là một vai diễn khó. Không chỉ làm nổi bật những câu chuyện đời thực mà trong tâm hồn nhân vật luôn diễn ra sự giằng xé, đấu tranh… Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi nhắc đến hai từ “đồng chí” trong ánh mắt của ông luôn toát ra niềm hạnh phúc, tự hào.

Thạc sĩ Phùng Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, cho hay vở cải lương Đồng chí được thực hiện trong bối cảnh đất nước ta đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, rất thời sự với sự đầu tư công phu từ kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, âm nhạc… Với bố cục chặt chẽ, kịch tính, sâu lắng, Đồng chí lan tỏa những thông điệp nhân văn, tốt đẹp trong cuộc sống; đồng thời góp phần giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống lịch sử, cách mạng vẻ vang, hào hùng của quân và dân ta.

Tác giả kịch bản Lê Thu Hạnh (đoạt Giải thưởng Nhà nước năm 2023) - Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui khi kịch bản của mình được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai dàn dựng và biểu diễn. Qua bàn tay của đạo diễn Trần Nguyên Đạt, các nghệ sĩ, diễn viên trẻ của nhà hát đã truyền tải được câu chuyện cũng như tinh thần của vở diễn. Với những lát cắt được lựa chọn, vở cải lương Đồng chí vừa góp phần thỏa mãn thị hiếu cho khán giả, góp phần giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau”.

Ly Na

Tin xem nhiều