Nhà văn Trần Công Tấn là một trong những cây bút hiếm hoi còn lại từ thời 9 năm kháng chiến chống Pháp vừa vĩnh viễn ra đi ở tuổi 92 tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tối 7-9 (nhằm ngày 5-8 năm Giáp Thìn). Sinh trưởng ở miền Trung nhưng có 2 nơi ông có nhiều gắn bó là Nam Bộ và đất nước Lào anh em. Sự ra đi của ông đã kết thúc một cuộc đời hết sức đặc biệt…
Xuất thân người lính nên nhà văn, nhà báo Trần Công Tấn am hiểu quân đội và đến đâu, ông cũng có những mối liên hệ mật thiết với các cấp chỉ huy. Đối với Quân đoàn 4, ông rất yêu quý các tướng lĩnh chỉ huy như: Hoàng Cầm, Bùi Cát Vũ, Nguyễn Văn Quảng, Võ Văn Dần, Hoàng Nghĩa Khánh, Hoàng Kim… Ông thường xuyên tham dự các chuyến đi thực tế, trại sáng tác ở Mã Đà - Chiến khu Đ.
60 năm cầm bút
Một lần cùng các đồng nghiệp đứng bên hồ thủy điện Trị An, nhìn núi non hùng vĩ, nhà văn Trần Công Tấn nói với chúng tôi rằng, nếu không có phong cảnh lạc thú này thì nhà văn Lý Văn Sâm không thể viết hay về chuyện đường rừng. Chính những trang văn ly kỳ của Lý Văn Sâm đã tái hiện vẻ đẹp rừng núi bí ẩn quê hương của tác giả Kòn Trô!
Quê quán làng Thượng Trạch, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nhưng Trần Công Tấn sinh ngày 19-5-1933 tại Huế. Ông sớm tham gia cách mạng từ khi mới 12 tuổi, vào Đội Nhi đồng cứu quốc, làm liên lạc bí mật từ cuối năm 1944. Sau Cách mạng Tháng Tám, từ ngày 19-12-1945, ông vào bộ đội chống Pháp tái xâm lược ở chiến trường Bình Trị Thiên, làm trinh sát, quân báo và chỉ huy chiến đấu. Có thời gian, ông gia nhập quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu ở Lào và Campuchia.
Một số tác phẩm của nhà văn Trần Công Tấn. |
Ra quân, Trần Công Tấn chuyển sang làm công tác tuyên huấn, phụ trách điện ảnh và chiếu bóng. Sau năm 1975, ông về Tổng cục Cao su Việt Nam làm Tổng biên tập Báo Cao su Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền văn hóa thể dục thể thao rồi về làm Báo Đại đoàn kết. Trần Công Tấn viết báo viết văn còn ký các bút danh: Tân Sắc, Trần Triệu Phong, Xomboun Vatthanna, được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1969.
Kể từ tác phẩm đầu tay nổi tiếng là Thần voi và voi thần (truyện ngắn, năm 1958), trong cuộc đời hơn 60 năm cầm bút, nhà văn Trần Công Tấn đã xuất bản gần 30 tác phẩm chính như: Cô pháo thủ (truyện ký, 1966), Hoa lục bình trôi (1982), Thương thương (tiểu thuyết, 1998), Hoàng thân Xuphanuvông với đất nước Triệu Voi (dịch thuật, truyện ngắn, bút ký, 1999), Chiến đấu ở xa Tổ quốc (2011); Sông Sen trở lại trong xanh (2011); Cuộc chiến đấu dưới chân núi Chứa Chan (2013), Sáng trong như ngọc một con người (tiểu thuyết, 2017); Tiếng khèn trên đỉnh Sa Mù (truyện và ký, 2020)…
Đóng góp quan trọng cho tình hữu nghị Việt - Lào
Nhà văn Trần Công Tấn được nhận nhiều giải thưởng văn học, như với tập truyện ngắn Thần voi và voi thần, ông được trao giải chính thức Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội của Tổng cục Chính trị. Ông là 1 trong 5 nhà văn Việt Nam được trao Giải thưởng Văn học sông Mê Kong lần thứ I-2007.
Lần cùng chúng tôi tham quan công trình thủy điện Trị An, nhà văn Trần Công Tấn còn tâm sự rằng, thỉnh thoảng ông hay về thăm Chiến khu Đ cũng là để nguôi ngoai nỗi nhớ rừng núi đất nước Lào mà ông là con nuôi mang cái tên hoàng tộc “Prince Somboune Vatthana Souphanouvong” (Hoàng thân Sombun Vatthana Suphanuvong). Đây cũng là điểm đặc biệt của cuộc đời ông.
Sinh thời, suy nghĩ về nghề văn, nhà văn Trần Công Tấn đã viết: “Trường đào tạo tôi trở thành người viết văn là chiến trường, là quân đội. Những người thương yêu đùm bọc cùng đồng cam cộng khổ với tôi là đồng đội là nhân dân, chủ yếu là các mẹ, các chị. Bởi vậy những trang viết của tôi phần nhiều đều thuộc đề tài phụ nữ và người lính. Tuy nhiên những cái đã viết ra hãy còn nhỏ nhoi so với sự tích anh hùng to lớn của quân dân ta...”.
Chuyện rằng, vào đầu tháng 3-1946, quân Pháp với sự trợ giúp của quân Anh phe đồng minh dưới danh nghĩa vào giải giáp quân Nhật đã giúp trở lại xâm lược Lào. Hoàng thân Suphanuvong về Thà Khẹc chỉ huy liên quân Lào - Việt mở mặt trận mới ngăn chặn sự tấn công của Pháp. Liên quân Lào - Việt chỉ hơn 600 tay súng với vũ khí thô sơ đã chiến đấu chống lại sự vây hãm của lực lượng lớn quân địch có cả máy bay, xe tăng và nhiều đơn vị thiện chiến. Bấy giờ, Trần Công Tấn mới 13 tuổi là chiến sĩ liên lạc cho một đơn vị tình nguyện quân trên chiến trường Lào.
Ngày 21-3-1946, mặt trận Thà Khẹc vỡ, Trần Công Tấn được cử mang mật lệnh vượt bom đạn đến ban chỉ huy mặt trận do Hoàng thân Suphanuvong đứng đầu. Mật lệnh đề nghị rút quân qua dòng Mê Kong sang phía Nakhon Phanom của Thái Lan, vì dọc tuyến đường 8 về Hà Tĩnh có quân địch phục kích. Hoàng thân Suphanuvong nhìn cậu bé liên lạc người Việt nhỏ thó đen đủi mà dũng cảm, ông ân cần hỏi tên tuổi rồi nói với mọi người: “Một đứa bé mới 13 tuổi mà đã được Cụ Hồ gửi lên giúp Lào, từ nay, tôi coi nó là con trai tôi, tên của con sẽ là Sombun Vatthana Suphanuvong”.
Từ đó, cuộc đời Trần Công Tấn rẽ sang một hướng khác, với nhiều kỷ niệm gắn bó và nhiều tác phẩm giá trị viết về đất nước Triệu Voi, trong đó có sách viết về ông “Hoàng đỏ” cha nuôi của mình. Trần Công Tấn được xem là nhà văn Lào gốc Việt và trong gia đình Hoàng thân Suphanuvong xếp ông vào vị trí anh cả. Vì những cống hiến lớn lao đó mà nhà văn Trần Công Tấn được Nhà nước Lào trao tặng khen thưởng 10 cuốn sách tiểu thuyết và truyện ký về đề tài Lào và Huân chương Lao động hạng nhì, một vinh dự cao quý.
Có thể nói, sự ra đi của nhà văn, nhà báo Trần Công Tấn đã kết thúc một cuộc đời đặc biệt hiếm có: từ chiến sĩ “nhí” quân báo đến con nuôi của Hoàng thân Suphanuvong và có những đóng góp quan trọng cho tình hữu nghị Việt - Lào bằng tư cách người lính và nhà văn với nhiều tác phẩm văn học giá trị.
Phan Hoàng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin