Rừng ngập mặn là nguồn tài nguyên quý giá, là thành phần quan trọng của hệ sinh thái carbon xanh có ý nghĩa rất quan trọng trong góp phần làm giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai có vùng rừng ngập mặn với diện tích lớn, đa dạng, có ý nghĩa lớn về môi trường. Để phát triển bền vững, Đồng Nai tạo điều kiện phát triển mô hình kinh tế dưới tán rừng, vừa mang lại lợi ích kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Đùng nuôi tôm, cua dưới tán rừng nước lợ tại phân trường Phước An, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: B.Nguyên |
Trong đó phát triển các mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng theo hướng quảng canh như: tôm, cua, cá nước lợ… Tuy là mô hình nuôi nhưng thủy sản vẫn được thả trong tự nhiên, thức ăn chủ yếu từ tự nhiên nên vẫn là đặc sản thiên nhiên có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.
Đặc sản được thị trường săn đón
Đồng Nai có gần 8 ngàn hécta rừng ngập mặn nằm ở địa phận các huyện Long Thành, Nhơn Trạch. Tại các địa phương này, cả trăm hộ dân được giao khoán rừng để nuôi thủy sản dưới tán rừng chủ yếu dưới hình thức quảng canh (theo cách gọi của người dân địa phương là các đùng nuôi tôm, cua, cá). Mô hình nuôi này, người nuôi chủ yếu thả con giống trong môi trường nước tự nhiên, vật nuôi tự tìm nguồn thức ăn trong tự nhiên. Chính vì vậy, chất lượng tôm, cua, cá nuôi trong đùng hầu như không khác gì so với thủy sản đánh bắt ngoài tự nhiên.
Ông Lưu Nhật Nam, người sống với nghề đánh bắt thủy sản và nuôi đùng hơn 30 năm tại phân trường Phước An, huyện Nhơn Trạch cho biết, với mô hình này, người nuôi chủ yếu thả con giống, chỉ cho ăn dặm trong giai đoạn con giống còn nhỏ, còn lại vật nuôi tự tìm thức ăn ngoài tự nhiên. So với mô hình nuôi thâm canh, thời gian nuôi quảng canh kéo dài hơn, sản lượng thủy sản nuôi cũng thấp hơn rất nhiều so với nuôi thâm canh. Việc đánh bắt tôm, cua, cá trong đùng thường không phải thu hoạch tập trung thành từng đợt mà đánh bắt hàng ngày, thu hoạch dần những con tôm, cua đạt chuẩn. Mỗi ngày, các đùng nuôi thu hoạch thường chỉ vài đến đôi ba chục kg nên cung không đủ cầu.
Đặc sản cá nước lợ. |
Theo các hộ đánh bắt thủy sản tại huyện Nhơn Trạch và nuôi thủy sản quảng canh, trước đây, nguồn thủy sản nước lợ ngoài thiên nhiên còn khá dồi dào. Thời gian gần đây, sản lượng thủy sản thiên nhiên ngày càng giảm sút. Theo đó, thủy sản nuôi quảng canh được thực khách săn đón, sẵn sàng trả giá cao để thưởng thức. Các loại tôm, cua, cá nước lợ nuôi đùng chủ yếu cung cấp vào nhà hàng phục vụ cho nhu cầu thưởng thức đặc sản của thực khách, nhất là khách du lịch với giá cao.
Ông Trần Hoàng, nông dân nuôi cua nước lợ tại xã Long Phước, huyện Long Thành chia sẻ, lợi thế của địa phương là gần những khu đô thị lớn, sau này còn có sân bay quốc tế nên người nuôi không lo đầu ra đặc sản gặp khó khăn. Chính vì vậy, dù tại địa phương có các vựa thu mua thủy sản nước lợ nhưng gia đình ông chủ yếu bán cho khách lẻ hoặc cung cấp trực tiếp cho các quán đặc sản, nhà hàng. Ngoài ra, lượng khách mua lẻ, nhất là khách du lịch về tận đùng đặt mua đặc sản khá đông. Theo ông Hoàng: “Tôi thường bắt lai rai các loại tôm, cua bán lẻ với giá ổn định ở mức cao từ 300-500 ngàn đồng/kg. Trong đó, vào tháng 9, tháng 10 sẽ là mùa cua có gạch nhiều nhất, ngon nhất. Cua gạch bán ra cao hơn cua thịt từ 100-200 ngàn đồng/kg”.
Hiện giá tôm sú, cua nuôi đùng bán ra thị trường ổn định ở mức 300-500 ngàn đồng/kg tùy loại. Các loại cá nước lợ như cá nâu, cá đối, cá chẽm, cá ngát… đều là những đặc sản bán được với giá cao.
Lợi ích kép
Trước đây, đa số các hộ đánh bắt thủy sản vùng rừng ngập mặn ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch chủ yếu là dân nghèo tứ xứ, thời gian đầu họ sống chủ yếu dựa vào khai thác rừng, nhất là đánh bắt thủy sản tự nhiên ở vùng rừng ngập mặn. Khi nguồn thủy sản thiên nhiên nước lợ ngày càng cạn kiệt, cuộc sống của họ cũng gặp nhiều khó khăn. Mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng là giải pháp phát triển rừng bền vững, mang lại lợi ích kép vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Lưu Nhật Nam, người nuôi tôm, cua quảng canh tại phân trường Phước An, huyện Nhơn Trạch đánh bắt tôm, cua hàng ngày bán cho người tiêu dùng. |
Chính quyền địa phương, nhất là Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn luôn tạo điều kiện để người dân phát triển mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng.
Ông Vũ Văn Đức là hộ dân có 8 hécta mặt nước nuôi thủy sản ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch chuyên nuôi tôm, nuôi cua dưới tán rừng ngập mặn. Năm nay, thời tiết thất thường nên nuôi thủy sản không thuận lợi bằng mọi năm. Tuy nhiên, người nuôi không lo bị thất trắng như nuôi tôm công nghiệp vì dịch bệnh. Mô hình này có thể không làm giàu nhanh nhưng cho thu nhập khá ổn định, các hộ nuôi yên tâm gắn bó.
Tôm sú nuôi đùng là đặc sản được thực khách trả giá cao để thưởng thức. |
Theo những hộ nuôi thủy sản quảng canh trên địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng lợi nhuận không cao như nuôi tôm công nghiệp, nhưng mô hình này có chi phí đầu tư thấp, nhẹ công chăm sóc, lại thích ứng tốt với thời tiết thất thường hiện nay. Do nuôi trong môi trường thiên nhiên nên tôm, cua, cá hầu như không xảy ra dịch bệnh như nuôi công nghiệp. Người nuôi hầu như không cần sử dụng các loại thuốc kháng sinh hoặc chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học nên không gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, các đặc sản thủy sản nuôi quảng canh có chất lượng ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Chem chép. |
Ông Lưu Nhật Nam, người nuôi tôm, cua quảng canh tại phân trường Phước An, huyện Nhơn Trạch cho hay, phát triển rừng ngập mặn, giữ được môi trường rừng thì thủy sản mới sinh sôi. Chính vì vậy, người dân sinh sống ở vùng rừng ngập mặn cũng có trách nhiệm hơn trong bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Nhờ đó, môi trường thiên nhiên ở vùng rừng ngập mặn này rất thuận lợi cho thủy sản sinh sôi, nảy nở.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin