Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy tiềm năng lịch sử, văn hóa làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế

Trần Quang Toại
07:20, 21/09/2024

 

Lấy khởi điểm năm 1698 khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào kinh lược đất Chân Lạp xây dựng bộ máy hành chính, xác lập chủ quyền ở vùng đất mới, lập phủ Gia Định, hai huyện Phúc Long và Tân Bình, hai Dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, thì Biên Hòa - Đồng Nai đã hơn 325 năm hình thành.

Đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động tại Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh năm 2024. Ảnh: HUY NGUYỄN
Đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động tại Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh năm 2024. Ảnh: HUY NGUYỄN

 

Truyền thống thống lịch sử, văn hóa

Gần hai thập kỷ trước đó, năm 1679, có nhóm người Hoa “Phản Thanh phục Minh” do Trần Thượng Xuyên dẫn đầu được các chúa Nguyễn cho định cư. Từ năm 1685, khi nhà Thanh bỏ lệnh “hải cấm” cho phép người Hoa trong nước được ra nước ngoài bằng đường biển để thông thương mua bán với các nước, Trần Thượng Xuyên đã chiêu mộ người Hoa có tài lực từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á qua làm ăn và phát triển cù lao Phố, Biên Hòa. Người Hoa, người Việt từ ngũ Quảng gồm những người tránh chiến tranh Trịnh - Nguyễn, những người phiêu lưu tìm đất sống… và các dân tộc bản địa đã cùng nhau sinh sống, khai hoang và trao đổi hàng hóa, xây dựng cù lao Phố thành thương cảng sầm uất trong thể kỷ XVIII thu hút nhiều thuyền buôn Nhật Bản, Trung Hoa và các nước phương Tây đến đây thông thương, trao đổi hàng hóa…

Biên Hòa - Đồng Nai từ xưa đã là cơ sở hay “bàn đạp” để các chúa Nguyễn mở rộng quyền làm chủ về phía Nam; là vùng đất mở về kinh tế, dân cư, văn hóa…, các dân tộc sống thuận hòa, đoàn kết phát triển.

Đi đôi có quy hoạch hợp lý, phát triển hạ tầng giao thông kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực, liên kết hợp tác kinh tế, thương mại trong và ngoài nước, Đồng Nai hoàn toàn có thể cất cánh trở thành một trong những đầu tàu về kinh tế trong khu vực trong tương lai.

Ngoài ra, qua khai quật khảo cổ học, Đồng Nai phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ của người xưa (như Hàng Gòn, Bình Đa, Cầu Sắt…) và nhiều di tích Óc Eo, giới khảo cổ xác định nền văn hóa xưa ở Đồng Nai, gọi là văn hóa Đồng Nai.

Đồng Nai có sông nội sinh Phước Long Giang (sông Đồng Nai), có cảng Long Bình, Nhơn Trạch rất thuận lợi cho việc giao thông, thương mại với trong nước và tương lai có Cảng hàng không quốc tế Long Thành kết nối thông suốt với Thành phố Hồ Chí Minh, trong nước và thế giới.

Đồng Nai ngoài rừng tự nhiên (Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, rừng ngập mặn) có thể cung ứng chứng chỉ carbon làm lợi cho nhà nước. Ngoài ra còn có trên 30 ngàn hécta cao su có nguồn thu cao qua xuất khẩu. Đồng Nai có khu công nghiệp sớm từ năm 1963 (SONADEZI), thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp trong nước và nước ngoài, có đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề. Đồng Nai lại có công trình thủy điện Trị An công suất lớn cung ứng điện tiêu dùng và sản xuất cho miền Nam. Ngày nay, Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đang được vận hành có hiệu quả.

Với lợi thế địa tự nhiên, mở cửa từ sớm, dân tộc đa dạng, từ xưa Đồng Nai đã là một trung tâm kinh tế lớn ở miền Đông và Nam Bộ. Đồng Nai được xác định là một đỉnh trong tứ giác trọng điểm về kinh tế ở phía Nam.

Về văn hóa tín ngưỡng, ngoài việc thờ cúng tổ tiên, Thành Hoàng bổn cảnh và Phật giáo, người Hoa mang theo tín ngưỡng, nhiều ngành nghề thủ công từ bản quốc, xây dựng Thất phủ Cổ miếu chủ yếu thờ Quan Công năm 1684. Biên Hòa Đồng Nai là vùng đất mở về văn hóa, tín ngưỡng. Văn hóa tín ngưỡng của người Hoa được người Việt tiếp nhận và ngược lại để theo thời gian giao lưu tiếp biến tạo nên sắc thái văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc đa dạng như ngày nay.

Liên kết chặt chẽ với khu vực ở Biên Hòa - Đồng Nai

Qua lịch sử cho thấy vai trò của nhân dân, đặc biệt là sự liên kết, cố kết trong ngoài có vai trò quan trọng kể cả về kinh tế và trong đấu tranh giành độc lập.

Trong quá khứ, người Việt cùng các dân tộc bản địa như Chơro, S’tiêng, K’ho… ở Biên Hòa cùng người Hoa đã góp phần mở mang phát triển kinh tế, biến cù lao Phố thành một đô thị thương mại quốc tế.

Trong kháng chiến chống thực dân lần thứ nhất (sau năm 1861 và trước năm 1945), các dân tộc ở đây đã đoàn kết kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, đồng bào Chơro, S’tiêng ở Biên Hòa đã sát cánh cùng nghĩa quân chiến đấu hết sức dũng cảm, làm cho quân Pháp bị nhiều thất bại.

 Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân và các tầng lớp yêu nước đoàn kết để làm nên Cách mạng Tháng Tám. Biên Hòa vào thời điểm năm 1945 chỉ có 40 đảng viên cộng sản, nhưng biết tổ chức xây dựng lực lượng trong các tầng lớp, các giới trong xã hội đã phát động được quần chúng đứng lên giành chính quyền trong tháng 8-1945.

Trong hai cuộc kháng chiến (1945-1975), Biên Hòa, Đồng Nai là trung tâm ở miền Đông Nam Bộ với Chiến khu Đ, Chiến khu rừng Sác, trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng kháng chiến. Các lực lượng vũ trang của Trung ương, của miền Nam cùng với lực lượng tại chỗ đã hình thành thế “hai chân ba mũi” đấu tranh phối hợp nhịp nhàng tạo nên những chiến công có ý nghĩa lịch sử như: La Ngà (1-3-1948) trong chống Pháp, các trận đánh lớn vào các căn cứ quân sự Mỹ như Sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình, Rừng Sác, đánh giao thông…

Từ thực tiễn chiến đấu, Biên Hòa - Đồng Nai là nơi hình thành cách đánh đặc công độc đáo. Bộ đội đặc công đặc biệt tinh nhuệ. Đội ngũ công nhân Biên Hòa (cả công nghiệp và cao su), nông dân và trí thức của tỉnh tham gia kháng chiến đông đảo thể hiện lòng yêu nước và khát khao độc lập, thống nhất đất nước. Cuối cuộc chiến tranh tháng 4-1975, với chiến dịch Xuân Lộc (từ ngày 9 đến 21-4-1975) giải phóng thị xã Long Khánh, Đảng bộ và quân dân địa phương cùng các lực lượng chủ lực đập tan cánh cửa thép của chế độ Sài Gòn phía đông, mở chiến dịch Hồ Chí Minh (26 đến 30-4-1975), giành thắng lợi và thống nhất đất nước.

Lòng yêu nước, truyền thống đánh giặc cứu nước và khát khao độc lập là mối liên kết tự nhiên theo đường lối của Đảng tạo nên sức mạnh đoàn kết cố kết.

Phát huy tiềm năng lịch sử văn hóa để Đồng Nai phát triển

Văn hóa luôn được xác định là nền tảng tư tưởng, sức mạnh tinh thần, là nền tảng để xây dựng và phát triển đất nước. Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã khẳng định. Và sau này trong nhiều nghị quyết, chương trình, Đảng Cộng sản Việt Nam, Tỉnh ủy Đồng Nai đều khẳng định vai trò, vị trí và động lực của văn hóa.

Ngày 12-12-2023 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai khóa XI ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững. Triển khai thực hiện nghị quyết này, ngày 8-3-2024, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 80/KH-UBND. Kế hoạch xác định rõ mục đích yêu cầu, mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với 10 nhiệm vụ quan trọng và các giải pháp thực hiện để xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, con người phát triển toàn diện.

Những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Kế hoạch 80/KH-UBND ngày 8-3-2024 là toàn diện. Tôi muốn nhấn mạnh: Di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, kiến trúc nghệ thuật… cùng với các loại hình văn hóa phi vật thể khác chính là đặc trưng của di sản, của truyền thống lịch sử văn hóa. Do vậy, nếu giữ gìn, phát huy được truyền thống yêu nước, anh hùng của ông cha, anh trong kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước (thông qua việc bảo tồn trùng tu các di tích, giáo dục, tuyên truyền bằng nhiều hình thức…); đồng thời tập trung đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, khoa học công nghệ (thông qua hệ thống giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề), khát khao làm giàu chân chính cho mình, cho cộng đồng, đặc biệt trong thế hệ trẻ; tiếp thu tinh hoa văn hóa tiên tiến của thế giới, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, tạo dựng được người Đồng Nai anh hùng “gian lao mà anh dũng” ngày nay phấn đấu vươn lên “anh hùng trong lao động” sản xuất thì sẽ góp phần đưa đất nước vượt khỏi mức thu nhập bình quân trở thành nước tiên tiến...

  Trần Quang Toại - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai

Tin xem nhiều