Báo Đồng Nai điện tử
En

Phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ

Hạnh Dung
12:39, 07/09/2024

Với tâm lý chủ quan, e ngại, chần chừ, nhiều chị em đã không thăm khám phụ khoa định kỳ. Đến khi cơ thể có những biểu hiện bất thường mới đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Bác sĩ Trần Thị Nhật Thiên Trang xem kết quả xét nghiệm, tư vấn, trả lời câu hỏi của các bệnh nhân. Ảnh: H.Dung
Bác sĩ Trần Thị Nhật Thiên Trang xem kết quả xét nghiệm, tư vấn, trả lời câu hỏi của các bệnh nhân. Ảnh: H.Dung

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Nhật Thiên Trang, Trưởng khối Phòng khám, Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh), nhấn mạnh nhiều phụ nữ đã phải trả giá đắt vì lơ là trong khám bệnh phụ khoa. Trong xã hội hiện đại, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của y học, khám phụ khoa có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe, đời sống, tính mạng của người phụ nữ.

Vì sao phải khám phụ khoa định kỳ?

* Vì sao phụ nữ cần phải khám phụ khoa định kỳ, thưa bác sĩ?

- Thực tế cho thấy, rất nhiều chị em phụ nữ chủ quan cho rằng các bệnh lý phụ khoa là chuyện thầm kín, không quan trọng, nhưng ngược lại, nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, khả năng sinh sản… của chị em.

Khi đi khám phụ khoa, chị em sẽ được bác sĩ khám tổng quát và chi tiết các cơ quan bên ngoài lẫn bên trong của nữ giới. Ngoài ra, chị em còn được thăm khám vú. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm kiểm tra để tầm soát các bệnh lý ở cơ quan sinh sản.

Nếu nghi ngờ có bất thường ở cơ quan sinh sản, tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các kiểm tra cần thiết như: soi cổ tử cung, chụp cộng hưởng từ (MRI), sinh thiết… để đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.

Khám phụ khoa định kỳ không chỉ giúp phụ nữ biết về tình trạng sức khỏe của mình mà còn giúp chị em có thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản, biết các biện pháp phòng ngừa bệnh phụ khoa nguy hiểm, bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc cách ngừa thai an toàn.

Bệnh nhân đăng ký khám tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất
Bệnh nhân đăng ký khám tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất

* Xin bác sĩ cho biết những bệnh lý phụ khoa thường gặp?

- Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 90% phụ nữ Việt Nam ở độ tuổi sinh sản (từ 19-49 tuổi) mắc bệnh phụ khoa ít nhất 1 lần trong đời. Trong đó, cứ 100 người thì có 11 người tái nhiễm bệnh nhiều lần. Số ca mắc bệnh phụ khoa tăng khoảng 15-27% mỗi năm. Đáng chú ý, bệnh không chỉ xảy ra ở phụ nữ đã lập gia đình mà còn xuất hiện ở những thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục.

Những vấn đề bệnh phụ khoa gây ra khiến cuộc sống của chị em thêm phiền toái vì cảm giác khó chịu nơi vùng kín, ngại gần gũi vợ chồng và mất tự tin trong cuộc sống.

Những bệnh lý phụ khoa thường gặp như: viêm sinh dục, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, viêm lộ tuyến cổ tử cung, ung thư cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung, rối loạn sàn chậu, buồng trứng đa nang, tắc vòi trứng, các bệnh lây qua đường tình dục (giang mai, lậu, sùi mào gà, HIV…).

Để phòng ngừa các bệnh lý phụ khoa, chị em cần chú ý đến chế độ sinh hoạt, lối sống và dinh dưỡng. Cụ thể, nên sinh hoạt tình dục an toàn, lành mạnh; vệ sinh vùng kín đúng cách, không lạm dụng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ; có chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động phù hợp; khám phụ khoa định kỳ.

Phòng bệnh ung thư cổ tử cung

* Ung thư cổ tử cung hiện là bệnh ung thư phụ khoa phổ biến, đứng hàng thứ 2 sau ung thư vú. Chuyên gia có khuyến cáo gì về bệnh lý này?

- Không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới, ung thư cổ tử cung đang là mối lo của rất nhiều phụ nữ. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 560 ngàn phụ nữ được chẩn đoán mắc mới ung thư cổ tử cung và hơn 310 ngàn phụ nữ tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 4 ngàn trường hợp được chẩn đoán mắc mới ung thư cổ tử cung và hơn 2,4 ngàn phụ nữ tử vong. Như vậy, có khoảng 7 phụ nữ tử vong/ngày vì bệnh này. Bất kỳ phụ nữ nào đã từng có quan hệ tình dục đều có nguy cơ nhiễm virus HPV. Nhiễm dai dẳng virus HPV nguy cơ cao là nguyên nhân hàng đầu gây hơn 99% bệnh ung thư cổ tử cung.

* Nếu chẳng may có kết quả xét nghiệm dương tính với virus HPV thì phải làm sao, thưa bác sĩ?

- Có 14 chủng virus HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung gồm: 16, 18, 66, 52, 35, 68, 56, 58, 39, 31, 59, 45, 51, 33. Trong đó, chủng HPV 16 và 18 gây ra hơn 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.

Chị em từ 21 tuổi trở lên nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung để phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung nếu có. Trường hợp xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus HPV, chị em sẽ được chỉ định soi cổ tử cung và làm sinh thiết để xác định có bị ung thư hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Trường hợp có kết quả âm tính với các chủng virus HPV, chị em nên thực hiện xét nghiệm tầm soát lại sau từ 2-5 năm/lần tùy vào loại xét nghiệm.

* Làm thế nào để phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung?

- Tiêm vaccine HPV là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung. Trước đây, tại Việt Nam có vaccine để tiêm cho phụ nữ và trẻ em gái từ 9-26 tuổi. Tuy nhiên hiện nay, đã có loại vaccine mới, mở rộng đối tượng cả nam và nữ lên 45 tuổi. Phụ nữ và cả nam giới trong độ tuổi này nếu chưa tiêm vaccine thì nên đi tiêm sớm để phòng ngừa bệnh.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Hạnh Dung (thực hiện)

 

Tin xem nhiều