Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai Trần Quang Toại:
Cần giải pháp căn cơ để ứng xử tốt hơn với các công trình kiến trúc văn hóa - lịch sử

Vương Thế (thực hiện)
09:10, 12/10/2024
Ông Trần Quang Toại.

 

Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Đồng Nai vừa có các quyết định giữ lại công trình kiến trúc biệt thự cổ Đốc phủ Võ Hà Thanh (nhà lầu ông Phủ, thành phố Biên Hòa) sau nhiều ý kiến của người dân, nhà khoa học và cơ quan quản lý. Đây là điều vui mừng đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị kiến trúc, lịch sử trên địa bàn nhưng về lâu dài cũng cần có các giải pháp căn cơ, bền vững cho những công trình khác về sau

Báo Đồng Nai cuối tuần có cuộc trò chuyện với ông TRẦN QUANG TOẠI, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai xoay quanh câu chuyện bảo tồn di tích kiến trúc, lịch sử, văn hóa và phát huy giá trị của nó trong cuộc sống đương đại.

Quyết định nhất quán để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

 Thưa ông, sau nhiều ý kiến của người dân, nhà nghiên cứu, nhà khoa học thì Đồng Nai đã quyết định chọn phương án bảo tồn công trình biệt thự nhà lầu ông Phủ, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Sông Đồng Nai là dòng sông văn hóa, lịch sử bởi vì rất nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa gắn liền với dòng sông từ thời kỳ khẩn hoang của cha ông. Vùng đất ven sông là nơi sinh sống của nhiều hiền nhân cũng như có nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ. Nhà lầu ông Phủ nói trên chỉ là một phần kiến trúc nhỏ, lát cắt trong số đó.

Trong quá trình phát triển đô thị có một vấn đề phát sinh là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển các giá trị di sản. Chuyện này thì không phải chỉ ở Đồng Nai hay Việt Nam mà đối với các quốc gia, khi phát triển đều gặp phải, nhưng mỗi quốc gia, mỗi địa phương lại có những ứng xử, giải pháp khác nhau. Việc giải quyết mâu thuẫn này là một vấn đề rất khó khăn để làm sao vừa hài hòa giữa bảo tồn vừa đạt mục tiêu phát triển.

Hiện nay, nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn, khai thác các giá trị của di tích còn hạn chế. Cụ thể, nhân lực ít, thiếu những người chuyên trách có chuyên môn trong những lịch vực này.

Ở Đồng Nai, cũng đã có những công trình như vậy, không chỉ nhà lầu ông Phủ. Rất mừng là đối với công trình này sau những ý kiến liên quan thì Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã có chỉ đạo rất cụ thể, nhằm giữ lại ngôi nhà trăm năm tuổi. Đây là một chủ trương rất đúng, rất phù hợp với Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-12-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững. Nghị quyết này đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai. Như thế, quyết định giữ lại ngôi nhà cổ là một sự nhất quán của địa phương trong việc phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn, phục vụ mục tiêu phát triển.

 Theo ông, khi được bảo tồn, công trình nhà lầu ông Phủ sẽ mang lại những giá trị gì?

- Cùng với quyết định giữ lại ngôi nhà thì cũng đã có những phương án được triển khai. Việc lựa chọn phương án nào là nhiệm vụ của các nhà chuyên môn nhưng theo tôi, khi được giữ lại, công trình sẽ có những giá trị của nó.

Trước hết đây là công trình kiến trúc, lịch sử, qua việc nghiên cứu, chúng ta có thể hiểu được phần nào về những dấu ấn lịch sử của vùng đất Biên Hòa. Hơn nữa, giữ lại biệt thự cổ sẽ bảo tồn được giá trị kiến trúc của ngôi nhà, tạo điểm nhấn kiến trúc, điểm kết nối du lịch văn hóa trên sông Đồng Nai và các di tích khác, vừa đảm bảo pháp lý trong công tác bảo tồn, vừa khai thác giá trị của công trình trong tương lai.

Con đường ven sông Đồng Nai khi hoàn thành rất đẹp, đối với công trình nhà cổ, sau khi được giữ lại, cơ quan quản lý nên làm việc với chủ nhân căn biệt thự để có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị lâu dài. Cần thiết, Nhà nước có thể tính toán phương án trưng mua, sau đó tiến hành tu bổ, tôn tạo toàn diện và biến nó trở thành một điểm du lịch hoặc bảo tàng nghề gốm, nghề đá...

Cần ứng xử tốt với công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử

 Như ông đã nói, sông Đồng Nai là dòng sông lịch sử, văn hóa với nhiều giá trị mà tiền nhân để lại, vậy việc khai thác, phát huy giá trị ấy hiện nay đang ở mức nào?

 

Ngôi biệt thự của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trong và ngoài tỉnh thời gian qua.  Ảnh: V.THẾ
Ngôi biệt thự của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trong và ngoài tỉnh thời gian qua. Ảnh: V.THẾ

 

- Quy hoạch Biên Hòa lấy sông Đồng Nai là trung tâm cho phát triển, nhưng đó mới chỉ là về nhận thức, tư duy, vấn đề là làm gì để nó trở thành trung tâm như quy hoạch đề ra. Ngay cả con đường ven sông Đồng Nai mới chỉ đang đầu tư ở một bờ phía lõi đô thị Biên Hòa. Giao thông ven sông từ các phường Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An, Tân Hạnh chỉ có một tuyến đường và việc kết nối trên sông với số lượng cầu cũng còn hạn chế. Thời gian tới, việc phát triển hạ tầng đối xứng rất quan trọng, hơn nữa xây dựng thêm các cây cầu kết nối sẽ giúp phát triển mạnh mẽ hơn về kinh tế, cảnh quan đô thị ven sông, kích thích du lịch, kết nối các giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa vốn có mà tiền nhân để lại.

Kết nối là rất quan trọng để khai thác giá trị của dòng sông, trong đó kết nối giữa thành phố Biên Hòa với Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương để hình thành một dải đô thị ven sông.

 Không chỉ ở thành phố Biên Hòa, trên địa bàn tỉnh cũng chứa đựng rất nhiều công trình lịch sử, văn hóa của tiền nhân. Theo ông, công tác bảo tồn,
gìn giữ các giá trị ấy của tỉnh đang được thực hiện ra sao?

- Mỗi một năm, ngành văn hóa đều có kế hoạch để kiểm kê, xếp hạng, đánh giá, trùng tu di tích. Những năm qua, chúng ta cũng đã làm được rất nhiều việc quan trọng, trước hết là trùng tu, tôn tạo các di tích, nhất là di tích được xếp hạng, những di tích liên quan đến khảo cổ... Vấn đề ở đây là phát huy các giá trị của nó như thế nào, từ công tác truyền thông, năng cao nhận thức đến việc khai thác, tạo ra giá trị kinh tế từ công trình di tích đó để có nguồn lực quay lại đầu tư trùng tu, tôn tạo.

 Ứng xử tốt với giá trị truyền thống, trong đó có nhận thức, bảo tồn di sản cũng là cách tiến đến tương lai bền vững. Nhưng thời gian qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa còn những khó khăn, theo ông, cần có những giải pháp gì?

- Bảo tồn di tích không chỉ với những công trình được xếp hạng mà còn cần thiết với những công trình chưa được xếp hạng nhưng lại chứa đựng nhiều giá trị. Lúc này lại có những vấn đề khác phát sinh, luật này chồng chéo luật kia, việc sở hữu của tư nhân hay sở hữu Nhà nước...

Luật Di sản văn hóa thể hiện sự quan tâm của Nhà nước nhưng khi triển khai còn có những bất cập, dù có sở hữu công trình có giá trị nhưng lại không khai thác được giá trị ấy. Sắp tới đây, khi đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa chúng tôi cũng sẽ có kiến nghị về vấn đề này. Phải làm rõ trách nhiệm và quyền lợi của người sở hữu di sản và trách nhiệm, vai trò của Nhà nước. Luật khi ban hành phải đưa được vào thực tiễn, tránh sự chồng chéo làm cho công tác bảo tồn, khai thác giá trị tiếp tục gặp khó khi vướng vào những “sợi dây” vô hình.

 Xin cảm ơn ông!

Vương Thế

Tin xem nhiều