Tôi nguyên là đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai các khóa XI, XII, XIII, XIV, hiện đang là Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, xin bày tỏ ý kiến của mình về sự việc liên quan đến ngôi nhà cổ của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh bên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa, mà theo thông tin cho biết có khả năng bị phá để làm con đường ven sông. Thông tin này đã nhận được nhiều phản ứng của dư luận, tôi theo dõi thấy đại bộ phận là mong muốn các cơ quan hữu quan của tỉnh xem xét lại quyết định này. Các đồng nghiệp của tôi trong Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai đã lên tiếng. Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cũng phát biểu quan điểm và giải pháp… Nhìn chung là nên giữ lại. Tôi cũng đồng quan điểm như vậy mà nói cho đúng hơn là phải giữ lại.
Biệt thự của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh hiện nay (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa). Ảnh: NGÔ PHƯỚC TUẤN |
Việc làm một con đường ven sông, không phải là quốc lộ, đường cao tốc có nên bắt buộc phải thẳng băng, qua đâu phá đấy hay không? Con đường nhằm tăng thêm vẻ đẹp và phục vụ việc đi lại, tạo quỹ đất phát triển… để hưởng thụ những giá trị sinh thái, cảnh quan của địa phương, không lẽ chỉ để theo thiết kế mà phá đi một kiến trúc tôi tin chắc rằng đứng về mặt thẩm mỹ và văn hóa (ký ức trăm năm của Biên Hòa) nó còn có giá trị hơn rất nhiều.
Còn thiết kế con đường như thế nào để vừa bảo tồn được ngôi nhà vừa phát huy được công năng thì tôi tin rằng các nhà chuyên môn về giao thông, quy hoạch của tỉnh thừa sức giải quyết. Rất nhiều nơi ở trong nước cũng như nước ngoài đã xử lý những vụ việc tương tự một cách rất thỏa đáng mà ta có thể học hỏi được. Giữa bảo tồn và phát triển ta hay thổi phồng sự xung đột, nhưng giờ đây cần nhận thức rằng bảo tồn cũng chính là phát triển.
Ngôi biệt thự tuy không lớn nhưng nó mang dáng vẻ rất đặc trưng của kiến trúc đô thị Nam Bộ thời thuộc địa, lại ở vị trí khá đẹp và qua hình ảnh thấy cơ bản vẫn được bảo tồn tốt sau trăm năm tồn tại (theo hoàn cảnh của gia chủ). Không lẽ gì lại tốn hơn 5 tỷ đồng đền bù rồi phá đi một tòa nhà phải mất một số tiền lớn gấp rất nhiều lần mới xây được, đó là chưa kể đến cái giá trị phi vật thể “trăm năm” có giá trị lịch sử, bảo tồn, bảo tàng không thể “đền bù” được.
Tôi xin thành thật nói rằng, hai chục năm gắn bó với Đồng Nai, đi lại trong thành phố Biên Hòa - một đô thị thuộc loại sớm nhất và trù mật nhất Nam Kỳ (thời thuộc địa) chỉ sau Sài Gòn, Chợ Lớn, nhưng di sản kiến trúc của tỉnh Đồng Nai, thành phố Biên Hòa vốn đã ít ỏi nay lại phá nốt thì thật phi lý.
Đúng là có vấn đề để các nhà quản lý băn khoăn là ngôi nhà này hiện vẫn thuộc tư nhân sở hữu. Nhưng điều đó đâu phải là không thể giải quyết được để phát huy ngôi nhà một khi nó được bảo tồn. Ý kiến của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch mà tôi đọc được trên báo đã nói rõ, từng bước bằng thuyết phục, bằng chính sách đền bù thỏa đáng, chúng ta vẫn có thể biến nơi đây thành một di sản cộng đồng. Vả lại, không ít nơi có những di tích hay các bộ sưu tập của tư nhân phát huy rất tốt, thậm chí tốt hơn cả nhà nước… Trong những thông tin tôi tiếp nhận được thì chính gia chủ cũng có ý thức nếu có giải pháp thỏa đáng thì sẵn lòng chuyển cho nhà nước để bảo tồn lâu dài chính những di sản của ông cha mình. Cách quản lý phố cổ Hà Nội, Hội An, làng cổ Đường Lâm… có thể tham khảo.
Ngôi nhà cổ năm nay vừa tròn trăm tuổi (tức là vừa đủ tuổi làm “cổ vật” theo khái niệm của luật) không lẽ lại bị khai tử? Còn theo tôi, nhất định phải làm cho nó hồi sinh, và lúc này đang là cơ hội. Đó cũng là trách nhiệm với tương lai… Tỉnh nhà nên quan tâm giám sát nhất là lúc này, hơn bao giờ hết chúng ta đã nói nhiều nhưng làm được chưa nhiều cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa. Đó là những lời nói chân thành của tôi với mảnh đất tôi từng và vẫn luôn gắn bó.
Thông tin mới nhất qua các kênh truyền thông tôi biết được là lãnh đạo tỉnh đã có ý kiến bảo tồn tòa nhà như ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin