Buổi sáng, tôi mở hòm thư điện tử, thấy có thư của Nguyễn Hữu Thịnh và bản thảo tập thơ Khoảng trời quê của anh. Thư viết: “Cháu là Nguyễn Hữu Thịnh, cùng quê Hải Dương với bác. Cháu bị khuyết tật, liệt tứ chi, chỉ cử động được cánh tay phải thôi. Cháu vẫn cố gắng tự học chữ nghĩa và tập viết thơ. Cháu đã in được 5 tập, hiện cháu đang có bản thảo tập thơ thứ 6. Cháu có trao đổi với chị Nguyễn Việt Nga, nhà văn, cháu biết bác có biết chị ấy. Chị ấy bảo cháu cứ mạnh dạn gửi bản thảo tập thơ tới bác, nhờ bác viết cho mấy lời giới thiệu để cháu phát hành, hy vọng có chút tiền mua được chiếc xe lăn điện mới để đi lại…”.
Tôi rất cảm động về hoàn cảnh của anh, trân trọng những cố gắng của anh, để cuộc sống trở nên có ích hơn, trước hết là bớt một phần hệ lụy cho gia đình. Tôi xem một phóng sự truyền hình do anh gửi kèm, thấy chặng đường vượt lên từ những bất hạnh của số phận, thật đáng nêu gương, như một bài học về nghị lực và tiềm năng của con người. Anh nói và đọc còn rất khó khăn. Tôi rất đồng cảm với bốn câu thơ có lẽ là tâm đắc của anh: “Con đường tôi đến với thơ/ Tôi không biết tự bao giờ trong tôi/ Thân như đã mỏi rã rời / Mà lòng vẫn cứ sục sôi điệu vần…”
Tôi đã đọc anh trong sự đồng cảm chân thành ấy và nhận ra, điều anh làm được cho thơ của mình, có phần đặc sắc hơn, so với nhiều bạn thơ cùng hoàn cảnh. Anh không đi đâu ngoài chòm xóm của mình trên chiếc xe lăn cũ, vốn liếng văn chương chỉ có trong sự học và tầm nhìn còn hạn chế, được bổ sung thêm bởi một số tập thơ mà anh có… Từ đó, cảm quan nghệ thuật của anh tự xuất hiện từ bao giờ ở trong anh, mà anh cũng không tự biết. Cái mờ ảo mang mang ấy đưa anh bước đầu đến với thơ. Nghĩa là đã có những dấu ấn của sáng tạo. Một phóng sự truyền hình ngắn khác về người khuyết tật, cũng do anh gửi kèm, trong đó có một đoạn ngắn về anh, gọi anh là “nhà thơ bất đắc dĩ”. Chỉ có 5 chữ ấy mà chứa đến 3 cái sai. Từ những trang viết của anh, hiện lên một vùng quê trong trẻo, hồn hậu và tốt lành. Khi người làm thơ, xuất hiện trong thơ, cái “tạng” của riêng mình, và cái tạng riêng ấy được biểu hiện qua hàng loạt các dấu ấn nghệ thuật tương đối đồng nhất và mới mẻ, chỉ đến lúc đó, người làm thơ mới thành nhà thơ. Điều này, chúng ta còn chờ đợi thêm… Vì thế, không có ai “bất đắc dĩ” mà thành nhà thơ được. Số phận đã lấy đi của anh cái mà nhiều người có, và nếu nó lại mang lại cho anh, cái mà nhiều người không có (chẳng hạn thế) thì trong cuộc đời này, anh đâu phải là một người thua cuộc. Tất cả đều tự nhiên nhi nhiên trong sự vận động tất yếu và tốt đẹp của đời sống.
Sáng tác của anh, về đề tài, thơ anh chỉ trở đi trở lại với những cảnh vật mà anh quen biết ít nhiều, từ khi còn học ở trường tiểu học, như: sông quê, đêm quê, chợ quê, thị trấn quê, chùa làng, đồng làng… và cảm xúc có phần dồi dào hơn khi thơ anh nới rộng không gian và hiện thực, có lẽ từ trực quan có phần nhạy bén. Và tâm tưởng. Đặc biệt với các mùa: xuân, hạ, thu, đông, với mưa, gió, trăng… Ở một số bài, khi anh huy động được cảm quan thiên nhiên, phối hợp được với những xúc cảm tự nhiên, những suy ngẫm…, thì câu thơ vượt hẳn lên, một số bài đã gần với các sáng tác chuyên nghiệp.
Tôi yêu những câu thơ:
Dáng gầy sợi khói lam trôi
Buông lơi những giọt chim vời vợi xa…
Đã có cái bâng khuâng thoáng đãng của hương bưởi:
Mùi hương hoa bưởi vườn chùa
Rắc thơm cả lối gió đưa ta về…
Đã thấy cả sự hài hòa giữa ý và lời, giữa tình cảm và biểu cảm:
Giấc mơ mùa thu đem cầm cố
Bởi kiếp thơ tôi kể cũng buồn
Bà theo mây trắng về viễn xứ
Thương bóng cha ngồi dưới hoàng hôn…
Nghĩa là đã có thơ trong các trang viết của anh. Những câu thơ ấy, không nhiều, còn mong manh, còn rải rác… nhưng đã là những dấu ấn để ta tin tưởng vào chặng đường tiếp theo… Để có chặng đường phát triển ấy, người đọc có lý do để hy vọng vào anh, anh sẽ tự bồi bổ thêm năng lực của trí tuệ, đặc biệt, sự dồi dào, phong phú, đa dạng, luôn biến ảo của tâm hồn. Và một bút pháp. Bởi thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ và hình tượng, lại phải viết bằng hồn. Không phải ai cũng viết được bằng hồn (kể cả những người được gọi là nhà thơ). Anh phải điểm chỉ vào con chữ của mình cái hồn ấy, nó phảng phất ở tất cả mà không ai nhận ra rõ ràng là nó có ở đâu…
Đến đây, thì không còn chuyện người khuyết tật và không có thơ chỉ viết bằng một cánh tay phải. Chỉ còn cái hồn của chữ, cái bóng dáng của đời, trong con mắt nhìn hay chỉ trong tâm tưởng. Nó mang những dấu vân tay của trí tuệ và tâm hồn tác giả. Tự nó có thể sống rất lâu dài, ngay cả khi người sinh ra nó đã không còn nữa…
TRẦN NHUẬN MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin