Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Inrasara:
Người kể chuyện dân tộc Chăm

Vương Thế
09:15, 26/10/2024
Nhà nghiên cứu văn hóa, nhà thơ Inrasara.

 

Inrasara trước khi là nhà thơ đã là nhà nghiên cứu và sưu tầm văn hóa Champa uy tín. Cả cuộc đời gắn bó và sưu tầm, kể chuyện về dân tộc Chăm của mình, ông đã có nhiều đóng góp vào bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Chăm.

Theo nhà thơ, nhà nghiên cứu Inrasara, lịch sử Việt Nam ghi nhận đóng góp lớn của người Chăm để bổ sung vào nền văn hóa đa dạng của mình. Ngày nay, người Chăm cũng như những người có trách nhiệm cần phải giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống đương đại.

Đóng góp lớn của người Chăm

 Theo ông thì trong tiến trình lịch sử, người Chăm đã có những đóng góp như thế nào?

- Trải qua nhiều thế kỷ, người Chăm trở thành một dân tộc trong cộng đồng đại dân tộc Việt Nam và có những đóng góp lớn trong lịch sử. Trong di sản văn hóa Việt Nam, dấu ấn văn hóa Chăm thể hiện rõ nét trong kiến trúc, điêu khắc (các đền tháp, phù điêu, tượng thờ), phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, chữ viết, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, vải thêu, hoa văn, gốm…

 Nét đặc sắc nào trong đóng góp của người Chăm mà theo ông là có giá trị nhưng chưa nhiều người biết đến và cần nghiên cứu thêm?

- Trong số những đóng góp của người Chăm theo tiến trình lịch sử, có lẽ việc bổ sung những hiểu biết về hải sử và văn hóa biển là điều ít ai biết và nói lên, nói bài bản và đủ đầy. Xưa kia, Đại Việt mạnh về đất liền, Champa thì  ngược lại, qua “tư duy biển lớn”, người Chăm làm nên hải sử và văn hóa biển bổ khuyết cho lịch sử Việt Nam.

Bên cạnh đó, kiến trúc và điêu khắc làm giàu nền mỹ thuật Việt Nam.

Ông Inrasara tên khai sinh là Phú Trạm, sinh ra và lớn lên tại Ninh Thuận, người được ví như “thư viện sống” về văn hóa dân tộc Chăm. Sau 25 năm miệt mài, ông cho ra đời hàng loạt công trình từ văn chương, nghiên cứu văn hóa dân tộc và tham gia nhiều tổ chức văn hóa - xã hội. Ông được vinh danh là Nhân vật Văn hóa năm 2005 của VTV3; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1998 và 2002; Giải thưởng Văn học Đông Nam Á; Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh…

 Người Chăm sống ở đồng bằng là chủ yếu, lại gần gũi với người Việt (Kinh), trong xã hội phát triển với những giá trị ngày càng đồng nhất, ông có lo rằng văn hóa Chăm rồi sẽ có sự phai nhạt dần?

- Văn hóa Chăm là một nền văn hóa đặc sắc, rất nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á. Nền văn hóa này tồn tại có hệ thống, khá toàn vẹn những tầng văn hóa nổi và còn chìm trong lòng đất, tạo nên nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Cho đến nay, dù trải qua bao đổi thay, đồng bào Chăm vẫn giữ được giá trị văn hóa ông cha để lại.

Ở Việt Nam, dân tộc Chăm hiện nay sống trên 10 tỉnh, thành khác nhau, tập trung nhiều hơn cả là ở Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang… là cư dân của vương quốc Champa cổ. Khác với nhiều dân tộc thiểu số khác, người Chăm sinh sống ở vùng đồng bằng và thành phố. Nhưng 200 năm qua, dù sống xen cư và cộng cư với người Việt, người Chăm chưa từng đánh mất bản sắc. Đó là nhờ ba chân kiềng: lịch sử, ngôn ngữ chữ viết và tôn giáo dân tộc. Đó chính là sức mạnh nội tại của tinh thần văn hóa Chăm.

Để bảo tồn và phát huy giá trị ấy, cần đưa văn hóa Chăm và văn minh Champa vào chương trình giáo dục, để thế hệ con cháu nhận diện và biết ơn thế hệ cha ông đã đóng góp lớn vào kho tàng văn hóa đa dân tộc Việt Nam hôm nay.

 

Du khách tham quan làng gốm Bàu Trúc của người Chăm ở Ninh Thuận, một trong những làng nghề cổ xưa nhất khu vực Đông Nam Á.
Du khách tham quan làng gốm Bàu Trúc của người Chăm ở Ninh Thuận, một trong những làng nghề cổ xưa nhất khu vực Đông Nam Á.

 

Sẽ luôn là người kể chuyện Chăm

 Thưa ông, là nhà thơ rồi viết văn và nghiên cứu văn hóa, với ông văn hóa Chăm có vai trò như thế nào đối với những công việc của mình?

- Tôi là người Chăm nên từ nhỏ đã đi qua các làng quê người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, hứng thú lắng nghe và ghi chép các câu tục ngữ, ca dao từ cuộc nói chuyện ngày thường của người dân quê. Vì thế, văn hóa Chăm đã thấm vào xương máu tôi từng ngày và trở thành đam mê. Cứ thế, những bài thơ hay những nghiên cứu, bài viết của tôi cũng là để kể các câu chuyện về dân tộc của mình.

Với văn chương, có lẽ đây là sự biểu hiện trọn vẹn nhất để bộc lộ tâm hồn dân tộc Chăm, tôi muốn giới thiệu với thế giới bên ngoài về một nền văn học có bề dày truyền thống nhưng đang có nguy cơ thất truyền. Người Chăm có nền văn hóa có giá trị trong lịch sử, đóng góp chung vào các giá trị của Việt Nam ngày nay, thế nên điều đó tạo cho tôi động lực để tâm huyết nghiên cứu, gìn giữ, quảng bá văn hóa dân tộc Chăm. Tôi tự nhận sứ mệnh làm cầu nối văn hóa dân tộc Chăm với các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam, cầu nối Việt Nam với các quốc gia Đông Nam Á, thế giới.

 Có nghĩa là văn chương đã cho ông cơ hội để kể và lưu giữ tốt hơn những câu chuyện về dân tộc của mình?

- Tôi hoạt động 9 lĩnh vực và hầu hết đều có liên quan đến văn hóa Chăm. Thuở bé, tôi ưa hóng chuyện người lớn, không phải ngồi lê đôi mách, dòm qua khe cửa đời tư kẻ khác mà là nghe những câu chuyện kể về đời sống của người Chăm qua từng thời kỳ. Do đó, tôi tích cóp được cả kho tàng truyện cổ, văn hóa dân tộc Chăm

Khi tuổi 15, tôi lang thang các palei (tương tự bản làng người Việt - PV) kể chuyện về người Chăm. Có rất nhiều người Chăm đủ lứa tuổi xúm đến nghe tôi kể chuyện. Và những người từng nghe tôi kể chuyện chia sẻ lại rằng, tôi thu hút họ bằng ngôn từ, chất lửa và sự thoải mái ở giọng kể. Sau này khi chuyển qua làm nhà văn, tôi vẫn kể lại những câu chuyện về đời sống, hoạt động của người Chăm nhưng dưới những trang sách.

 Thế còn câu chuyện của bản thân mình, ông có kể cho mọi người nghe không?

- Trong từng tác phẩm, ý tưởng cùng giấc mơ của tôi đều thấm đẫm tinh thần văn hóa Chăm. Tôi đã trải qua nhiều công việc để mưu sinh như: dạy học, làm ruộng, thú y, buôn bán… nhưng chưa khi nào tôi từ bỏ việc học hỏi, nghiên cứu để góp sức làm giàu thêm văn hóa Chăm.

Mọi mảnh đất, chân trời tôi đi qua, luôn để lại dấu vết, đậm và nhạt. Ở đó, tôi mãi mãi là kẻ đốt lửa, nuôi lửa và truyền lửa để giữ gìn những nét tinh hoa của văn hóa Chăm cũng như văn hóa của người Việt Nam.

 Có điều gì trăn trở, với bản thân ông cũng như những người đang đóng góp công sức vào lưu truyền và phát triển văn hóa dân tộc Chăm?

- Không chỉ tôi mà bên cạnh tôi cũng có nhiều người, ở từng lĩnh vực khác nhau đã và đang nghiên cứu, phát huy giá trị văn hóa của người Chăm. Chỉ là bản thân tôi tự thấy mình đa năng hơn thôi. Nhưng có điều mà tôi cũng mong mỏi là không chỉ văn chương, hãy có thêm những công trình khác về âm nhạc, về mỹ thuật được Nhà nước công nhận, có giá trị, được đánh giá cao hơn nữa.

Một điều nữa, văn hóa Chăm không chỉ được nhìn từ phía ngoài vào mà cần thêm góc nhìn từ chính phía cộng đồng. Tại sao lại là “Văn hóa Chăm nhìn từ Chăm”? Trước đây văn hóa ấy được nhìn qua con mắt của người Pháp, người Việt… Nay có thêm từ “Chăm” để có nhiều góc nhìn. Từ đó, các bên hiểu nhau hơn, để sống, yêu thương, làm việc và sáng tạo.

 Xin cảm ơn ông!

 

 

Vương Thế (thực hiện)

Từ khóa:

văn hóa Champa

Tin xem nhiều