Trà là cây kinh tế chủ lực của nhiều địa phương trên cả nước nhưng từ thời xưa, Thái Nguyên đã được vinh danh là vùng đất đệ nhất danh trà: “Thái Nguyên đệ nhất danh trà. Nước xanh như cốm đậm đà tình em”. Trong đó, vùng trà Tân Cương là đặc sản nổi danh của Thái Nguyên. Vùng đất này nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 13km về phía Tây, có khí hậu mát mẻ, những dòng suối tinh khiết bắt nguồn từ hồ Núi Cốc men theo những chân đồi chảy về tưới mát những đồi trà, góp phần tạo ra đặc sản trà Tân Cương nổi danh Thái Nguyên.
Trong đó, Hợp tác xã (HTX) chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) là đơn vị chế biến chè chất lượng hàng đầu Thái Nguyên. Đây cũng là đơn vị sản xuất trà duy nhất của tỉnh Thái Nguyên có sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 5 sao quốc gia về trà.
Vinh danh vùng đất danh trà
Từ xưa, Tân Cương đã được mệnh danh là vùng trà ngon bậc nhất Việt Nam. Trong đó, HTX chè Hảo Đạt đã góp phần giữ gìn và phát huy thương hiệu trà Tân Cương khi làm ra sản phẩm trà OCOP 5 sao quốc gia.
Để tạo ra sản phẩm trà ngon, an toàn, HTX chè Hảo Đạt đã xây dựng được quy trình kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu trồng trà. Từ tổ hợp tác trà quy mô nhỏ, đến nay, HTX chè Hảo Đạt có 60 xã viên, đồng thời liên kết với nhiều nông dân, hình thành vùng nguyên liệu trồng trà rộng 50 hécta đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, có 20 hécta trà hữu cơ và gần 9 hécta được cấp mã số vùng trồng đạt chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính. Năm 2023, HTX sản xuất được 150 tấn chè búp khô, doanh thu đạt 23 tỷ đồng, tạo việc làm cho từ 55-150 lao động với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng đối với lao động thường xuyên...Với thành tích này, HTX Chè Hảo Đạt vinh dự được trao danh hiệu HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Khách tham quan thưởng thức trà tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: B.NGUYÊN |
Tại vùng đất danh trà này có rất nhiều dòng sản phẩm trà cao cấp để người tiêu dùng lựa chọn. Trước tiên phải nói về sản phẩm trà Tôm nõn của HTX đã đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia. Trà Tôm nõn hay còn được gọi bằng những cái tên tương tự khác là trà nõn Tôm, trà Tôm… Nguồn gốc của những tên gọi này là do khi sao khô, trà có hình dáng nhỏ, cong cong như con tôm. Để làm ra loại trà này, người hái trà chỉ chọn hái búp trà gồm 1 tôm nõn và một lá (còn gọi là 1 đọt non mới nhú và 1 lá non kề sát bên dưới).
Một dòng sản phẩm đặc trưng khác ở vùng đất danh trà này là đặc sản trà Móc Câu Tân Cương. Trà Móc Câu sở hữu tên gọi dựa theo hình dáng sản phẩm những cánh trà khi sao khô nhìn tựa như chiếc móc câu. Để làm ra loại trà này, người hái trà chọn lọc theo nguyên tắc 1 tôm 2 lá hoặc 1 tôm 1 lá.
Trà Đinh đông trùng hạ thảo là sản phẩm trà cao cấp khá mới trên thị trường. Đây không chỉ là một thức uống mà trong y học cổ truyền, sự kết hợp giữa đông trùng hạ thảo và trà xanh là bài thuốc chăm sóc sức khỏe tự nhiên. Để làm nên loại trà Đinh thượng hạng, người hái trà phải lựa chọn thời điểm đẹp nhất vào buổi sáng sớm khi sương vừa tan nhưng chưa có nắng để hàm lượng dinh dưỡng cao nhất còn đọng lại trong búp trà. Người hái cũng chỉ chọn những búp non nhất ở ngọn trên cùng của cây trà để khi sao khô, ngọn trà cuộn chặt lại, nhọn như chiếc đinh.
Theo người nông dân hái trà, để có những búp trà, lá trà thơm ngon, đạt chất lượng cao nhất, người hái trà phải canh tính ngày giờ, hái vào hôm thời tiết đẹp và ánh nắng vừa phải, trà phải được hái vào thời điểm sáng sớm còn đọng hơi sương, khi thời tiết đẹp, không mưa hay nắng gắt. Nếu mưa nhiều trà sẽ giảm bớt đi phần nào hương vị đậm đà vốn có, nước sẽ nhạt hơn thông thường, vị ngọt không sâu. Nếu thời tiết nắng quá gắt, nước trà có vị chát gắt hơn, nước trà sẫm màu.
Theo ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cây trà là cây trồng có vị trí đặc biệt trong cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp, là cây trồng trọng điểm và có phát tích ở Việt Nam, gắn bó với người dân Việt Nam. Trong đó, có rất nhiều điểm rất sáng về vùng trồng trà mà tiêu biểu là tỉnh Thái Nguyên. Trước đây, Thái Nguyên chỉ có 15 ngàn hécta trà, chủ yếu giống cũ. Hiện địa phương này đã phát triển lên 23 ngàn hécta, đa số đều là giống mới, năng suất bình quân cao nhất cả nước. Với năng suất trên, chỉ tính bán trà tươi chưa kể đầu tư chế biến sâu, thu nhập của người dân trồng trà Thái Nguyên đạt từ 500-600 triệu đồng/hécta.
Không gian văn hóa trà
Tại Tân Cương có nhiều cơ sở sản xuất trà tham gia làm du lịch cộng đồng. Trong đó, HTX chè Hảo Đạt là điểm du lịch trải nghiệm văn hóa trà thu hút được đông khách tham quan trong và ngoài nước. Đến đây, du khách được trải nghiệm chụp ảnh check-in đồi trà, tham quan quá trình sản xuất tại xưởng trà… Đặc biệt, HTX cho xây dựng không gian văn hóa trà gồm khu nhà gỗ 5 gian dành cho du khách thưởng trà và trưng bày các sản phẩm trà; khu tái hiện phương pháp sản xuất trà truyền thống và khu dành cho du khách trải nghiệm về văn hóa trà. Một trong những điều hấp dẫn du khách khi đến đây là họ có thể mượn những bộ trang phục dân tộc, đeo gùi và đội nón để trải nghiệm như người dân bản địa lên đồi trà. Điều đặc biệt nữa là tại không gian văn hóa trà này, du khách được giao lưu với những nghệ nhân trà và được xem họ thực hiện quá trình sao trà bằng phương pháp thủ công truyền thống.
Khách tham quan tìm hiểu quy trình chế biến trà tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: B.NGUYÊN |
Tìm hiểu về quy trình chế biến trà hoàn toàn bằng thủ công tỉ mỉ trong từng công đoạn là một trải nghiệm văn hóa thú vị. Trong đó, ấn tượng nhất là khâu rang lá trà trên chảo nóng bằng tay của người nghệ nhân. Họ dùng chính đôi bàn tay của mình đảo lá trà trên chảo nóng để cảm nhận và điều chỉnh độ lửa của lò, đảm bảo lá trà đạt chất lượng và hương vị tốt nhất. Người nghệ nhân dùng tay không đảo lá trà hàng giờ trên chảo nóng đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và chỉ những nghệ nhân lâu năm, giàu kinh nghiệm mới nắm giữ được bí quyết này. Nhờ đó, trà làm bằng thủ công tỉ mỉ cho chất lượng vượt trội, hương vị độc đáo, mang sắc thái riêng. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người mê trà sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng để thưởng thức sản phẩm trà làm hoàn toàn thủ công.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin