Báo Đồng Nai điện tử
En

Đỗ Hà Cừ với Màu của hy vọng

Trần Trà My
18:35, 08/11/2024

Đỗ Hà Cừ sinh năm 1984 trong gia đình có cha là quân nhân bị nhiễm chất độc da cam khi chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị những năm 1972-1973. Do ảnh hưởng từ cha, anh không thể kiểm soát hoạt động cơ thể, chỉ dùng được ngón trỏ bên phải. Mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào sự giúp đỡ của mọi người.

Tự truyện Màu của hy vọng của Đỗ Hà Cừ.
Tự truyện Màu của hy vọng của Đỗ Hà Cừ.

Luôn tin rằng “trời đất sinh ra tất có ích”, Đỗ Hà Cừ đã nhờ mẹ dạy cách đọc, cách viết rồi vươn lên hoàn cảnh, tự viết sách, làm thơ, nghiên cứu sử dụng máy vi tính, thành lập không gian đọc sách Hy Vọng và hỗ trợ thành lập 32 không gian đọc sách “vệ tinh” do người khuyết tật quản lý.

Mới đây, anh đã phát hành cuốn sách Màu của hy vọng dày gần 400 trang với tâm nguyện dùng số tiền thu được từ 1 ngàn cuốn sách in lần đầu để gây quỹ xây dựng các tủ sách cộng đồng do người khuyết tật quản lý.

Hiện tại cuốn tự truyện Màu của hy vọng đã được tái bản lần thứ 2 và đang được rất nhiều độc giả đón nhận, để tiếp thêm niềm hy vọng sống cho chàng trai đặc biệt này.

Màu của hy vọng được kể theo tuyến tính thời gian, từ lúc cha mẹ yêu nhau, lấy nhau, sinh con, cho tới lúc phát hiện ra con mình không bình thường, bắt đầu hành trình dài đằng đẵng gia đình đưa Đỗ Hà Cừ đi chữa trị khắp nơi, với những đớn đau dai dẳng trên cơ thể người con và trong trái tim người mẹ:

“Nhưng hãi hùng nhất là cấy chỉ! Các bác sĩ dùng một cây kim thật to rỗng, trong có một sợi chỉ bằng gì thì tôi cũng không rõ, chắc nó được làm bằng một chất hóa học nào đó, khi cấy chỉ vào huyệt thì tôi phải nghỉ châm cứu một tuần. Một tuần sao dài đến thế, cái chỉ kích thích huyệt của cơ thể tôi đau đớn khó chịu vô cùng. Đứa bé là tôi khi đó khóc nhiều lắm, mẹ phải bế suốt ngày đêm. Mẹ mệt rã rời…

Bây giờ nghe mẹ kể lại tôi vẫn hoảng sợ sởn gai ốc.

 - Mẹ ơi, có lúc nào mẹ nghĩ là... mẹ sẽ không ôm con vào lòng nữa?”.

(Chương 3 - Những năm tháng nằm viện)

Tự tử không thành, Cừ đã tiếp tục sống với khát vọng được học hành, được đi thật xa, ra khỏi bốn bức tường và người đã chắp cánh ước mơ cho anh, chính là người mẹ:

“Những ngày nghỉ, những lúc rảnh rỗi, tôi bắt mẹ đọc truyện tranh cho tôi nghe(…) Không chỉ đọc truyện hay đọc sách, mẹ còn đọc cả thơ cho tôi nghe nữa. Mẹ tôi đọc thơ rất hay, mẹ thuộc nhiều thơ lắm(…) Tôi chưa biết chữ, tôi bắt mẹ đọc từng câu một, tôi đọc theo mỗi ngày mấy câu, dần dần thuộc cả bài. Tôi ghi nhớ trong đầu, nằm ở nhà buồn quá, tôi cũng nhẩm và thuộc làu từng câu, từng bài một như mẹ(…). Xem ti vi tôi thấy nhiều người tàn tật vẫn học được chữ. Kể cả người mù họ còn học được chữ thì tại sao mình còn đôi mắt lại không thể học được. Tôi thầm thì điều này với mẹ, lúc đầu mẹ chưa nghĩ ra cách nào để tôi học được. Vì thương con, lòng quyết tâm của con, mẹ ngày đêm tìm mọi cách để con học. Điều rất may là mẹ đã cho tôi thuộc nhiều bài thơ, rồi mẹ nghĩ ra một cách dạy chữ bằng thơ cho tôi”.

(Chương 8 - Tôi học chữ)

Không chỉ quyết tâm dạy chữ theo ý nguyện của con, mà người mẹ còn quyết tâm thực hiện rất nhiều ý nguyện khác của Cừ, dù có rất nhiều rào cản. Nhờ sự quyết tâm của mẹ mà Cừ có thật nhiều sách để đọc, có xe lăn để đi, có máy tính để làm thơ và vào Facebook, Zalo, lập trang cá nhân, trò chuyện với bạn bè khắp nơi.

Được lên không gian mạng “nhìn ngắm” thế giới, Cừ bắt đầu viết lên những ước nguyện của mình. Lực hấp dẫn đã chứng minh sự tồn tại của nó bằng việc đáp ứng các mong ước của Đỗ Hà Cừ. Cừ ước được đi xem đá bóng, có người đưa xe về mời gia đình Cừ đi xem đá bóng. Ước có thật nhiều sách để tự đọc, tự học, rồi có người tới giúp Cừ làm hẳn một tủ sách với số sách ủng hộ ban đầu là gần 3 ngàn cuốn cho cộng đồng tới mượn miễn phí.

Ước cho mình xong rồi ước cho người, Cừ ước thành lập tủ sách cho những người khuyết tật khác cũng có một việc để làm, để thấy sự tồn tại của mình có ý nghĩa. Các tủ sách cộng đồng do người khuyết tật quản lý lần lượt hình thành nhờ những lời kêu gọi của Cừ trên không gian mạng.

Trần Trà My

Tin xem nhiều