Một tổ chức chống Pháp ra đời từ năm 1905 tại Biên Hòa - Đồng Nai, do ông Đoàn Văn Cự lãnh đạo. Tuy bị giặc Pháp đàn áp, nhưng sự hy sinh anh dũng của ông và 16 nghĩa binh là minh chứng cho tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh ở phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa. Ảnh: LÊ DUY |
Đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh nằm bên con đường Đoàn Văn Cự và Phạm Văn Thuận (thuộc khu phố 9, phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa). Đền thờ được xây dựng từ năm 1956 để ghi nhớ công ơn của ông Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh đã anh dũng hy sinh chống Pháp vào đầu thế kỷ 20.
Tác giả bên đền thờ ông Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh. |
Ông Đoàn Văn Cự sinh năm 1835 làng Bình An (tỉnh Biên Hòa khi xưa). Ông là con một nhà nho yêu nước. Đoàn Văn Cự đến cư ngụ tại xã Tam Hiệp (bây giờ là phường Tam Hiệp). Ông sống bằng nghề dạy học và bốc thuốc. Người dân gọi ông thân mật là thầy Cự. Tại đây, ông bí mật chiêu mộ và xây dựng lực lượng những người yêu nước có chí hướng chống Pháp. Nhờ có uy tín, ông vận động đồng bào các vùng chợ Đồn, Bình Đa, cù lao Phố... đã tình nguyện theo ông. Đoàn Văn Cự chọn Bưng Kiệu, xã Tam Hiệp lập căn cứ. Vùng này khi xưa có rừng cây rậm rạp, rất vắng vẻ nên thuận tiện để che mắt địch (ngày nay thuộc phường Long Bình, thành phố Biên Hòa).
Bia tưởng niệm tại Khu mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh. |
Đoàn Văn Cự và nghĩa quân lấy tên tổ chức là “Thiên Địa Hội” (Thiên địa là trời đất - ý thuận trời đất). Hình thức hoạt động là “hội kín” (bí mật). Nghĩa quân tập trung lực lượng, tập luyện nghĩa binh. Chuẩn bị tích trữ lương thực, lập lò rèn vũ khí trang bị cho nghĩa quân.
Bọn mã tà (cảnh sát thời Pháp) dò la biết được nơi ở của nghĩa binh. Ngày 12-5-1905 (tức mùng 8-4 âm lịch), quân Pháp cử một tiểu đội lính do viên quan ba sĩ quan Pháp chỉ huy. Chúng bí mật áp sát căn cứ của nghĩa quân. Chờ thời cơ nghĩa quân sơ hở, tập kích bất ngờ vào nơi ở của nghĩa quân. Lúc này, ông Đoàn Văn Cự đang ở bên bàn thờ tổ, trong trang phục đầu chít khăn, mình thắt lưng màu hồng, bên hông dắt thanh kiếm cán gươm đầu hổ. Thấy giặc xông đến, ông như một dũng tướng tuốt gươm chém tên chỉ huy địch bị thương. Bọn giặc xả đạn vào ông. Ông Đoàn Văn Cự đã hy sinh anh dũng.
Đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh cùng ngôi mộ Đoàn Văn Cự và các nghĩa binh được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 722/QĐ-BVHTT ngày 25-4-1998. Hàng năm, nhân dân đến khu đền thờ tưởng nhớ và thăm viếng vào ngày 8-4 (âm lịch) rất đông đảo để tỏ lòng biết ơn những người đã quên mình vì đất nước.
Giặc Pháp đốt phá căn cứ của nghĩa quân, truy lùng nghĩa binh, thêm 16 nghĩa binh đã hy sinh. Nhân dân thương tiếc lập mộ tập thể. Ông Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh về một nơi yên nghỉ, bên cạnh dòng suối Linh Tuyền (còn gọi là suối Linh) tại địa phận phường Long Bình ngày nay.
Qua nhiều lần trùng tu, nay ngôi mộ đã được ốp đá đen. Trước mộ có ghi: “Lăng mộ Quốc Công Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh” hy sinh ngày 8-4-1905 (theo ngày âm lịch). Quốc công là tước hiệu dành cho người có công lao với đất nước. Phía sau ngôi mộ là gian thờ Đoàn Văn Cự và các nghĩa binh đã hy sinh. Trên bức tường đền thờ bên trái ghi: “Vị quốc vong thân”, bên phải ghi: “Tiết vị chư hầu”, chính giữa là hàng chữ: “Sanh vi tướng, tử vi thần”.
Những dòng chữ nói lên sự ngưỡng mộ, tôn kính và biết ơn Đoàn Văn Cự và các nghĩa binh đã anh dũng hy sinh.
Sự hy sinh của ông Đoàn Văn Cự và các nghĩa binh yêu nước đã khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, khát vọng độc lập tự do chống lại thực dân Pháp trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Đồng Nai.
Vũ Đức Vinh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin