Pù Luông - điểm du lịch sinh thái cộng đồng trải dài các bản làng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Pù Luông đang trở thành cực hút du khách khi đến với xứ Thanh (tỉnh Thanh Hóa).
Khu nghỉ dưỡng ở Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa. |
Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, Pù Luông thuộc địa bàn hai huyện Quan Hóa và Bá Thước, là nơi cư ngụ của 2 dân tộc Thái và Mường từ nhiều đời. Những năm gần đây, Pù Luông nổi lên với những điểm du lịch cộng đồng mang vẻ đẹp hoang sơ, bình dị giữa vùng núi non trùng điệp, trở thành mảnh ghép thiên nhiên đa sắc của xứ Thanh, địa phương vốn nổi tiếng với du lịch biển và du lịch di tích với những câu chuyện về các đời vua, chúa.
“Nàng thơ” của vùng “quê vua, đất chúa”
Được ví von như “nàng thơ” hay “bản giao hưởng của đất trời”, Pù Luông theo tiếng Thái nghĩa là đỉnh cao nhất của làng. Pù Luông có hệ thống rừng nguyên sinh phong phú, có sông, suối, thác nước và nhiều hang động trong các ngọn núi đá vôi kỳ thú cùng với những giá trị về văn hóa, phong tục tập quán lâu đời của dân tộc Thái và Mường đã trở thành những chất liệu quý giá để Pù Luông phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với văn hóa cộng đồng địa phương đặc sắc.
Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 170km và cách thành phố Thanh Hóa khoảng 130km, hiện nay, khi đến với Pù Luông, khách du lịch có nhiều lựa chọn hơn với sự phát triển các điểm đến văn hóa hấp dẫn tại các bản làng của đồng bào dân tộc Thái như: bản Đôn, bản Hiêu, bản Hang…
Thiếu nữ dân tộc Thái phục vụ món ăn cho khách du lịch. |
Theo người dân địa phương, Pù Luông luôn có sắc thái riêng vào mỗi thời điểm trong năm khác nhau. Nếu du khách muốn thả mình trên những thửa ruộng lúa bậc thang vàng óng ả thì hãy đến với Pù Luông vào thời điểm tháng 9 đến cuối tháng 10. Còn nếu muốn hưởng chút không khí mùa thu mát mẻ thì đến Pù Luông vào tháng 11 để cảm nhận sự sâu lắng, bình quên của vùng cao.
Bà Đinh Thị Lan Hương, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho biết lần đầu tiên đến với Thanh Hóa, bà rất ấn tượng với các tour du lịch Thanh Hóa, trong đó ấn tượng nhất là sản phẩm du lịch cộng đồng Pù Luông với cảnh sắc thiên nhiên núi non hùng vĩ, những homestay bên triền núi, triền đồi tạo cho khách lưu trú cảm giác như lạc giữa thiên nhiên. Thanh Hóa đã xây dựng nên các sản phẩm du lịch đặc sắc.
Với diện tích trên 17,6 ngàn hécta và hệ thống rừng nguyên sinh phong phú, làng du lịch cộng đồng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Pù Luông là nơi trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực đặc sắc của tỉnh Thanh Hóa với các hoạt động du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh, cộng đồng với những câu chuyện về ẩm thực, lễ hội chỉ có ở vùng cao Pù Luông.
Bình dị mà khó quên
Theo đánh giá của khách du lịch, Pù Luông có những điểm nổi bật của du lịch sinh thái cộng đồng khiến cho những ai từng đến sẽ khó quên. Trong đó, khung cảnh thiên nhiên hoang sơ với những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp là vẻ đẹp hút hồn du khách, nhất là vào mùa lúa chín. Ngoài ra, Pù Luông còn có hệ thống hang động, suối, thác len lỏi giữa những cánh rừng nguyên sinh xanh mướt quanh năm. Những dãy đồi núi hùng vĩ chập chùng, thi thoảng lại nghe tiếng nước chảy róc rách từ các con suối, thác xa xa như một bản giao hưởng của đất trời cuốn hút du khách.
Giao lưu lửa trại của du khách cùng các thiếu nữ Pù Luông. |
Thuộc địa phận Khu Bảo tồn thiên nhiên nên Pù Luông có hệ sinh thái đa dạng, là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc biệt là rừng nhiệt đới nguyên sinh. Để khám phá sự trù phú này, du khách có thể tham gia các hoạt động du lịch khám phá hệ sinh thái rừng và trải nghiệm không khí trong lành của đất trời vùng cao xứ Thanh.
Chia sẻ về những lợi thế du lịch tại Pù Luông, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden Đỗ Đức Mạnh cho biết, các điểm đến du lịch cộng đồng tại Pù Luông phát triển gần đây dựa trên những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, nguồn lực nông sản, những phong tục, tập quán của người dân địa phương. Khách du lịch đến Pù Luông sẽ được thưởng thức nông sản sạch, những món đặc sản địa phương như: cá suối, vịt cổ lũng, nước uống từ các loại cây, lá do người dân tộc địa phương trồng và hái trong rừng.
Giao lưu văn hóa văn nghệ giữa khách du lịch với các thiếu nữ dân tộc Thái. |
Theo ông Mạnh, để không phá vỡ không gian thiên nhiên của Pù Luông, hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững, các doanh nghiệp kinh doanh hạn chế tối đa việc tác động vào thiên nhiên, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa, văn nghệ qua các hoạt động biểu diễn văn nghệ dân gian phục vụ du khách khi đến và lưu trú tại Pù Luông. “Pù Luông đang thu hút khách du lịch ở các tỉnh phía Bắc và Hà Nội khá mạnh. Chúng tôi sẽ luôn phát triển sản phẩm của mình dựa trên những lợi thế tự nhiên. Gìn giữ và phát huy giá trị sẵn có của người địa phương là hướng đi và bài học quý cho phát triển du lịch một cách bền vững nhất” - ông Mạnh chia sẻ.
Tỉnh Thanh Hóa định hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng bền vững. Do đó, những mô hình du lịch cộng đồng đã giúp người dân địa phương vừa bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, góp phần tăng sự đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch có trách nhiệm, từng bước phát triển kinh tế địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con vùng cao.
Ngọc Liên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin