Trong tự truyện Đời, có yêu tôi? (Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2024), nhà báo Lưu Đình Triều kể là hồi nhỏ, thời sống ở ngã ba Thành (góc đường Phan Đình Phùng - Hưng Đạo Vương, nay thuộc phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa), ông đã rất sớm trở thành “chuyên viên… coi cọp”.
Rạp Biên Hùng |
Theo ông: “Gọi đúng tên “coi cọp” vì chẳng bao giờ mua vé - tiền đâu mà mua, nên mạnh đứa nào đứa nấy kiếm cách lọt vô rạp. Chiêu phổ biến là bám đuôi những đôi tình nhân, vợ chồng trẻ. Họ vừa mua vé xong là tụi tôi xáp tới: “Cô cô, chú chú, dắt cháu vào với”. Những hôm có phim hay, đông người xem, tụi tôi cứ chen bừa hoặc nắm đại một cánh tay ai đó mà vào”.
Lưu Đình Triều còn thú nhận: “Thỉnh thoảng, tôi né hai “cô bạn gái”, để theo đám bạn cùng xóm xuống rạp hát Biên Hùng chơi. Đây là rạp ciné duy nhất ở Biên Hòa thời đó”, “Bọn trẻ tụi tôi, hầu như đứa nào cũng đều mỗi tuần xuống chơi Biên Hùng ít nhất một lần. Trước rạp, đèn néon chiếu sáng hơn đèn đường. Tha hồ ngắm nhìn các tấm pa nô hay áp phích quảng cáo phim rực rỡ sắc màu, hình vẽ đẹp. Bên ngoài rạp, đủ loại món ăn chơi, từ vài cắc cho tới 1-2 đồng. Mỗi lần có phim mới, rạp Biên Hùng thường treo hai tấm quảng cáo ở hai bên thành xe ngựa, chạy khắp các ngả đường. Xe chạy lóc cóc lại có tiếng trống tùng xèng đệm thêm rất ư là phấn khích. Mấy đứa trẻ con tụi tôi chạy theo xe hò hét vang trời, cố xin cho được tờ chương trình xanh xanh, đỏ đỏ…”.
“Chuyên viên coi cọp” Lưu Đình Triều còn cho biết: “Đến đầu thập niên 1970, Biên Hòa mới có thêm một số rạp mới, hiện đại hơn như: rạp Khánh Hưng, đường Trịnh Hoài Đức; rạp Lido, đường Hàm Nghi; rạp Thanh Bình, ở Vườn Mít”.
Rạp hát đầu tiên
Những hồi ức trên của nhà báo Lưu Đình Triều là nói về giai đoạn cực thịnh của các rạp hát ở Biên Hòa. Còn lịch sử phát triển của rạp hát, có khi còn gọi là rạp chiếu bóng, rạp ciné, chiếu phim… hình thành và tiến triển như thế nào, không có nhiều người biết.
Theo nhà nghiên cứu Lương Văn Lựu: “Đầu tiên (không nói rõ thời gian) rạp hát xây cất trên lô đất Trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu, đường Trần Thượng Xuyên (nay là đường Phan Văn Trị), sau dời xuống “Thủy” (Hàm Nghi - nay là đường Cách Mạng Tháng Tám).
Khu Hàm Nghi: Cũng không kém phần tĩnh mịch. Một nhà xác lợp bằng lá dừa ở cách lộ không xa, làm tăng thêm vẻ hoang lạnh. Về sau, rạp hát được dời đến xóm Nhà máy nước, nhưng cũng không đem lại được không khí vui tươi cho chỗ đã u buồn. Khu này trước kia, mang tên là “Thủy” (do chữ “Lân thị” của giới bình dân đọc trại, nguyên chợ trấn Biên Hòa đặt tại đây, danh từ “Lân thị” vẫn còn, nay trở thành tên ấp, sát nhập với Vĩnh Thanh, được mang họp danh là Vĩnh Thị)” - (tư liệu này tác giả viết vào đầu thế kỷ 20, nay khu vực này thuộc địa bàn phường Thống Nhất). Trích Biên Hòa sử lược toàn biên - phần Tỉnh thành Biên Hòa vào đầu thế kỷ 20.
Rạp Thanh Bình |
Không có tài liệu nào khác để xác định đây có phải là rạp hát đầu tiên ở Biên Hòa hay không; cũng như không xác định được lai lịch của các rạp Phước Chung ở Chợ Đồn (nay là phường Bửu Hòa), rạp Long Thành ở gần chợ cũ huyện Long Thành, Việt Hưng hí viện ở Bến Cá - Tân Triều, quận Công Thanh (nay thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu). Nhưng Biên Hòa có một rạp hát đã được ghi vào lịch sử đấu tranh cách mạng, đó là rạp hát Trần Điển. Tại đây vào tối 24-8-1945 trong buổi mít tinh, chiến sĩ cộng sản Hồ Văn Đại đã thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa Biên Hòa đứng lên hô hào đồng bào toàn tỉnh ủng hộ Việt Minh, ủng hộ cách mạng, chuẩn bị tham gia cướp chính quyền.
Theo ông Nguyễn Văn Đáng hiện định cư tại North Carolina, Mỹ, rạp hát đầu tiên ở Biên Hòa được xây năm 1937 do ông Bang Trần Điển làm chủ. Rạp Trần Điển tọa lạc góc đường Lý Thường Kiệt - Phan Chu Trinh cạnh chợ Bình Trước (nay là chợ Biên Hòa). Chủ yếu rạp hát này dành cho các đoàn cải lương, hát bội, hồ quảng lưu diễn; thỉnh thoảng chiếu vài bộ phim câm. Sau khi Bang Trần Điển qua đời, người con thứ 6 của cụ là ông Trần Xuân - chủ tiệm vàng Khánh Hưng đã chỉnh trang lại rạp Trần Điển và đổi tên thành Vạn Khánh Hưng chuyển máy chiếu phim câm 16 ly sang 35 ly màn ảnh rộng, có âm thanh. Sau đó rạp Vạn Khánh Hưng được vợ chồng một người Hoa ở Chợ Lớn (được biết với tên gọi “Cô Tư”) mướn để trình chiếu phần nhiều là phim ca vũ nhạc Ấn Độ.
Vào thập niên 60, Hội đồng gia tộc Trần Điển có kế hoạch phát triển rạp hát này thành khu thương mại, trong đó tầng trệt là thương xá, tầng 2 là rạp chiếu phim, tầng 3 nhà hàng. Nhưng do khủng hoảng tài chính, dự án bị đổ vỡ. Khu đất rạp Vạn Khánh Hưng được chia ra, mỗi thành viên họ Trần tự lo xây cất riêng, nay chỉ còn là dãy thương phố bình thường.
Dân mê phim ảnh ở Đồng Nai hiện đa phần là giới trẻ được chào mời bởi những hệ thống rạp chiếu quốc tế trang bị phòng chiếu 2D, 3D với màn hình siêu khủng, âm thanh, ánh sáng lẫn ghế ngồi đều chuyển động theo tiết tấu phim. Những rạp và cụm rạp ở Đồng Nai được khán giả xem phim ưa thích như: CGV Big C Đồng Nai, Lotte Cinema Đồng Nai, CGV Co.opmart Biên Hòa, Beta Cineplex Biên Hòa, Lotte Vincom Biên Hòa, BHD Star Long Khánh, Beta Long Thành…
Thành phố có nhiều rạp hát
Nhận thấy nhu cầu thưởng thức ca nhạc, cải lương cũng như điện ảnh của khán giả rất lớn, năm 1958, ông Lê Văn Lộ - nhà thầu xây dựng tên tuổi ở Biên Hòa - đã cho san lấp khu ruộng nằm cạnh quốc lộ 1 tiếp giáp đường vào ga xe lửa và nối liền với ngã đường trong tỉnh để xây rạp hát lấy tên Biên Hùng. Rạp được thiết kế rất tân kỳ với một tầng ban công, kết hợp sân khấu cải lương, ca nhạc kịch và chiếu bóng với màn ảnh đại vĩ tuyến.
Rạp Khánh Hưng |
Rạp hát đầu tiên ở Biên Hòa trang bị quạt máy và ghế ngồi bằng gỗ đánh bóng, có sân đậu xe rộng rãi, đèn điện sáng choang, thu hút đủ các tầng lớp khán giả. Qua đó, rạp Biên Hùng thường xuyên được các đoàn cải lương danh tiếng ở miền Nam chọn làm điểm lưu diễn.
Rạp Biên Hùng sau khi đổi tên thành rạp Nam Hà cũng là nơi diễn ra Liên hoan Nghệ thuật quần chúng toàn quốc lần thứ 1 do Thứ trưởng Bộ Văn hóa Xuân Diệu vào chủ trì.
Vào năm 1972, nhận thấy điện ảnh lên ngôi, dân ghiền ciné, phần lớn là giới trẻ ngày càng đông, chủ thầu Lê Văn Lộ cho xây thêm rạp chiếu bóng Lido ngay trên khu đất từng là trụ sở an ninh của quân đội Pháp trên đường Hàm Nghi (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám). Rạp Lido trang bị 2 máy chiếu 35 ly, nên không bị gián đoạn khi thay phim. Sau ngày thống nhất đất nước, hậu trường rạp Lido được đặt làm văn phòng Công ty Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai.
Trước đó, hình như vào khoảng năm 1964-1965, trên đường Trịnh Hoài Đức (nay là đường 30-4) chệch phía đối diện với nhà sách Huỳnh Hiệp 2 có rạp hát Khánh Hưng rất bề thế. Rạp kết hợp chiếu phim và sân khấu ca nhạc, đặc biệt là trang bị máy chiếu hiện đại với màn ảnh đại vĩ tuyến và ghế ngồi nệm êm rộng.
Sau ngày thống nhất đất nước một thời gian, rạp Khánh Hưng được biến cải thành Câu lạc bộ Sông Phố phục vụ sinh hoạt ca vũ nhạc.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đáng, rạp hát “sinh sau đẻ muộn” ở Biên Hòa trước năm 1975 là Thanh Bình. Đây là rạp chiếu phim có lầu và máy lạnh xây dựng tại khu vực Vườn Mít do ông bà Trần Quỳnh Thủy - Bạch Thị Bê làm chủ...
Bùi Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin