Vấn đề an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh luôn được cả xã hội quan tâm, nhất là khi đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT) khi học sinh tự điều khiển phương tiện giao thông trên đường.
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm soát học sinh đi xe máy tại xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom). Ảnh: Đăng Tùng |
Những năm gần đây, ngành chức năng đã đẩy mạnh xử phạt học sinh vi phạm trật tự ATGT, nhưng đến nay vi phạm vẫn còn nhiều. Đây là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm tìm giải pháp hữu hiệu để giúp học sinh đi học và về nhà an toàn hơn.
Phát hiện cả ngàn trường hợp học sinh vi phạm
Từ đầu tháng 10-2024 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã đồng loạt thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh. Đến nay, đã có hơn 1 ngàn trường hợp học sinh vi phạm quy định về ATGT đường bộ bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt. Chủ yếu là các hành vi: không đội mũ bảo hiểm, không đủ tuổi điều khiển xe máy, không có giấy phép lái xe…
Luật sư Vy Thị Nhung (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Luật Trật tự, ATGT đường bộ năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025).
Một số tuyến đường tại thành phố Biên Hòa được lực lượng chức năng lập tổ kiểm tra, phát hiện nhiều học sinh vi phạm pháp luật về giao thông như: đường Nguyễn Ái Quốc (phường Tân Phong, phường Hóa An), đường Nguyễn Văn Hoa (phường Thống Nhất)… Tại các huyện và thành phố Long Khánh, vi phạm chủ yếu diễn ra trên quốc lộ 1 và những tuyến đường nội thành, nội thị quanh các trường trung học phổ thông.
Đáng nói, khi được lực lượng cảnh sát giao thông hỏi về ý thức, quy định thì đa phần học sinh đều hiểu rõ bản thân đã vi phạm các quy định về ATGT, tuy nhiên, các em lại đưa ra nhiều lý do “biện minh” cho hành vi vi phạm của mình như: nhà gần trường, không có ai đưa đón…
Trong khi đó, việc điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro. Anh Phan Thanh Sang (ngụ thành phố Biên Hòa) bày tỏ: “Vào những khung giờ học sinh đi học hoặc ra về, hình ảnh học sinh vừa chạy xe máy, xe đạp điện đùa giỡn nhau trên đường không phải là điều hiếm gặp. Tôi lo ngại, nếu các em không đủ tuổi lái xe máy, không có giấy phép lái xe thì có thể các em cũng chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kỹ năng xử lý tình huống, kiến thức về giao thông để tham gia giao thông an toàn”.
Tại Lễ phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về ATGT năm học 2024-2025 toàn quốc vào ngày 5-10, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Lê Kim Thành nhận định, một số hành vi vi phạm của học sinh chủ yếu là: điều khiển xe máy chưa đủ tuổi; không có giấy phép lái xe; chạy quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm. Số lượng học sinh, sinh viên liên quan đến TNGT vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, chỉ tính trong 9 tháng của năm 2024 đã chiếm khoảng 40% tổng số vụ TNGT trong cả nước.
Ban ATGT tỉnh đánh giá, mặc dù các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền nhưng tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về ATGT vẫn diễn biến phức tạp. Nhất là học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy mà có các hành vi như: không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, kéo đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện… Đặc biệt nguy hiểm là hành vi điều khiển xe máy khi chưa có giấy phép lái xe đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ TNGT.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên toàn tỉnh đã xảy ra một số vụ TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh. Gần đây nhất, vào sáng 15-9, trên đường Hoàng Văn Bổn (phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa), xe máy biển số 54Y-6469 do em N.V.T.H. (16 tuổi, ngụ phường Tân Hòa) điều khiển va chạm với xe máy biển số 60T4-5991 do bà L.T.C. (58 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu) điều khiển khiến cả 2 người tử vong tại hiện trường. Hay như vụ TNGT vào sáng 16-4, xe tải biển số 70C-096.78 va chạm với xe đạp điện trên đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) khiến em N.N.T. (học sinh Trường trung học cơ sở Ngô Thời Nhiệm, huyện Định Quán) tử vong tại chỗ.
Vì sao nên nỗi?
Theo Bộ Công an, trong suốt tháng 10-2024, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm với cả phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho các em học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển. Đồng thời, xử phạt hành chính các chủ phương tiện và phụ huynh chở các em học sinh vi phạm các quy định về ATGT, các quy định về kinh doanh vận tải. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của phụ huynh và học sinh.
Một nhóm học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên đường Võ Thị Sáu (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Đăng Tùng |
Tại Đồng Nai, với những trường hợp học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện về độ tuổi và giấy phép lái xe, lực lượng chức năng cũng tiến hành mời phụ huynh lên làm việc và lập biên bản về hành vi giao xe máy cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông. Các phụ huynh này đưa ra nhiều lý do như: bận đi làm, nhà không có điều kiện mua riêng xe máy 50cc cho học sinh… nên phải giao xe máy cho con đi học. Ngoài ra, do không chú ý quy định về độ tuổi lái xe, một số gia đình mua xe có dung tích xi lanh 50cc thay vì dưới 50cc cho học sinh.
Qua quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm ATGT của học sinh, lực lượng chức năng ghi nhận tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về giao thông còn do một số điểm giữ xe bên ngoài cổng trường vẫn nhận giữ xe máy có dung tích xi lanh trên 50cc cho học sinh. Các điểm này hoạt động tự phát, học sinh đến đó gửi và đi bộ vào trường để tránh bị nhà trường kiểm tra. Hiện lực lượng chức năng đang thống kê, rà soát hoạt động của các điểm trông giữ xe để yêu cầu cam kết không giữ xe máy có dung tích xi lanh trên 50cc cho học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển (độ tuổi và giấy phép lái xe)
ĐĂNG TÙNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin