Đối với sự phát triển của doanh nghiệp (DN), bên cạnh những yếu tố thuần túy về chuyên môn thì DN dù lớn hay nhỏ, đều phải xây dựng cho mình những yếu tố cốt lõi trong kinh doanh, đặc biệt là nền tảng văn hóa của DN.
Hoạt động vì cộng đồng là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành văn hóa doanh nghiệp. Trong ảnh: Các doanh nhân tham gia caravan thiện nguyện năm 2024 tặng thư viện xanh cho một trường học. Ảnh: Đ.Lê |
Không chỉ với từng đơn vị riêng lẻ mà câu chuyện xây dựng văn hóa DN còn là sự quan tâm của cả cộng đồng. Chính phủ đã chọn ngày 10-11 làm Ngày Văn hóa DN Việt Nam nhằm khẳng định vai trò quan trọng trong xây dựng văn hóa DN. Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, văn hóa DN được xác định là một trong những giá trị cốt lõi có ảnh hưởng quyết định tới năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của DN.
Nền tảng phát triển của doanh nghiệp
Văn hóa DN có thể được hiểu là tập hợp các giá trị, niềm tin, quy tắc và thói quen chung mà các thành viên trong tổ chức tuân thủ và duy trì. Nó định hướng cách mọi người làm việc với nhau, đưa ra các quyết định và đối mặt với thử thách. Vai trò của văn hóa DN có thể được hiểu là tập hợp các giá trị, niềm tin, quy tắc và thói quen chung mà các thành viên trong tổ chức tuân thủ và duy trì; đồng thời, định hướng cách mọi người làm việc với nhau, đưa ra các quyết định và đối mặt với thử thách.
Trên thực tế, một DN lớn mạnh là tập hợp đội ngũ nhân viên đến từ nhiều vùng, miền, hay các quốc gia khác nhau, tạo nên sự đa dạng văn hóa trong môi trường làm việc. Kết nối nhân viên, xây dựng nền tảng văn hóa trong công ty chính là điều kiện để DN đó có thể phát triển bền vững.
Sau hàng chục năm đổi mới, Việt Nam hiện nay đã có khoảng 1 triệu DN và đang trên đà phát triển về quy mô. Nhiều thương hiệu Việt đang dần dần vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, hướng tới trở thành thương hiệu quốc tế có vị thế như Vingroup, Thaco, FPT, REE, PNJ, Vinamilk, SSI, HPG… Hàng chục DN có vốn hóa hơn 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán càng chứng tỏ cho sự lớn mạnh của DN Việt.
Thế nhưng cũng có nhiều DN gặp khó khăn phải rời khỏi thị trường. Do đó, các DN nhỏ và vừa luôn phải đi tìm câu trả lời là làm thế nào để trụ vững trên thị trường. Theo tiến sĩ Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân Pace, DN muốn phát triển phải chú trọng xây dựng văn hóa DN và khi có văn hóa DN thì DN sẽ phát triển. Ngày nay, quản trị DN bên cạnh các phương thức truyền thống thì quản trị bằng văn hóa cũng được các chủ DN chú trọng.
Tương tự, theo tiến sĩ Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị DN, điều quan trọng là người chủ DN phải nhận thức được nhiệm vụ của mình. Để xây dựng văn hóa DN, những người lãnh đạo phải nêu gương, từ đó, khơi gợi sự tích cực của nhân viên. Người lãnh đạo DN phải thường xuyên tự học, trau dồi nhận thức, truyền lại cho nhân viên của mình, tạo ra sợi dây kết nối. Việt Nam có số lượng DN ngày càng lớn nhưng phần đông là DN nhỏ và vừa và đó cũng là tương lai của kinh tế đất nước. Do đó, theo tiến sĩ Nguyễn Tấn Bình, chủ DN phải thường xuyên nâng cao nhận thức về quản trị, chuẩn bị tốt để DN không bỏ lỡ cơ hội phát triển khi có thời cơ.
Văn hóa DN còn phải thể hiện trách nhiệm xã hội, cần cân nhắc đến bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, công tác xã hội và từ thiện... Khi đặt văn hóa kinh doanh lên trên lợi nhuận, DN càng phát triển lớn mạnh và bền vững.
Thúc đẩy phát triển văn hóa trong doanh nghiệp
Mới đây, tại cuộc gặp mặt đại diện DN nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Trong đó, có đóng góp của các doanh nhân, DN.
Vào tháng 7-2022, Bộ Tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam đã được ban hành. Đây là kết quả triển khai những nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Quá trình xây dựng đã nhận được sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia, các DN và các cơ quan báo chí.
Công ty CP Thiết kế xây dựng Chính Nam thường xuyên đào tạo, nâng cao nhận thức của nhân viên về những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. |
Bộ tiêu chí được xây dựng gồm 2 phần. Phần đầu gồm 5 tiêu chí đánh giá bắt buộc với việc kinh doanh của DN: không buôn lậu, không trốn thuế; không làm hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại người khác; không vi phạm pháp luật. Phần 2 gồm các tiêu chí xếp hạng, đánh giá ở 5 nhóm tiêu chí như: lãnh đạo DN phát triển bền vững; xây dựng và thực thi văn hóa DN; thượng tôn pháp luật; đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội...
Theo ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa DN Việt Nam, để xây dựng văn hóa DN không phải là chuyện dễ dàng mà cần có một quá trình lâu dài, sự thay đổi từ nhận thức đến hành động và cần coi đó là sự nghiệp, thành tựu của DN. Nhân dịp chào mừng Ngày Văn hóa DN Việt Nam, ngày 10-11-2024, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn Quốc gia thường niên “Văn hóa với DN” lần thứ tư năm 2024. Chủ đề của sự kiện năm nay là “Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa”.
Mục đích của diễn đàn nhằm góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là nơi các DN thảo luận, tranh biện, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau để phát huy tác động tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường đa văn hóa đến kinh doanh để DN hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững.
Đào Lê
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin