Hàng loạt giải pháp đã được đề xuất để thành phố Biên Hòa từng bước hoàn thành công tác “trả nợ” các chỉ tiêu chưa đạt của một đô thị loại I.
Thành phố Biên Hòa đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện hoàn thành các tiêu chí chưa đạt của một đô thị loại I. Ảnh:Phạm Tùng |
Thành phố Biên Hòa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại I vào cuối năm 2015.
Còn “nợ” 8 chỉ tiêu
Chính thức được công nhận là đô thị loại I gần một thập kỷ, tuy nhiên, hiện nay, nhiều chỉ tiêu của một đô thị loại I thành phố Biên Hòa vẫn chưa thực hiện hoàn thành. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng nhanh cũng làm bộc lộ nhiều hạn chế trong phát triển của đô thị Biên Hòa. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đánh giá, so với các đô thị loại I trên cả nước, đô thị Biên Hòa hiện còn nhiều hạn chế và chưa phát triển xứng tầm.
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, thành phố hiện còn thiếu các công trình công cộng, công viên phục vụ nhu cầu của người dân. Cùng với đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội chưa phát triển kịp so với tốc độ đô thị hóa.
Theo chỉ tiêu của đô thị loại I, mật độ đường trong khu vực nội thị phải đạt từ 8km/km2 đến lớn hơn hoặc bằng 10km/km2. Tuy nhiên, mật độ đường giao thông đối với các tuyến có mặt đường xe chạy lớn hơn hoặc bằng 14m của đô thị Biên Hòa hiện chỉ đạt 0,98 km/km2.
Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Phong An cho biết, căn cứ Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 (ngày 25-5-2016) và Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 (ngày 21-9-2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210, qua rà soát, đô thị Biên Hòa còn 8 chỉ tiêu chưa đạt gồm: đất cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thị; mật độ đường trong khu vực nội thị; tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thị so với đất xây dựng; nhà tang lễ; mật độ đường cống thoát nước chính khu vực nội thị; tuyến phố văn minh đô thị; quy chế quản lý kiến trúc; khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh.
Ông Nguyễn Phong An nhận xét, khó khăn đối với việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu này là đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, cùng với đó phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân. Mặt khác, một số quy định pháp luật mới được ban hành như: Luật Kiến trúc, điều chỉnh một số luật và các nghị định liên quan, quy trình công nhận các khu chức năng theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh hiện nay chưa được hướng dẫn thực hiện…
Tìm hướng hoàn thành các chỉ tiêu
Trước thực trạng hàng loạt chỉ tiêu của đô thị loại I chưa đạt, hiện nay, thành phố Biên Hòa đang đề xuất các giải pháp để thực hiện hoàn thành.
Cù lao Hiệp Hòa là khu vực được quy hoạch để tạo thêm mảng xanh cho không gian đô thị Biên Hòa. Ảnh:Phạm Tùng |
Cụ thể, đối với các chỉ tiêu có sử dụng đất trong đô thị, đòi hỏi việc lồng ghép lựa chọn quỹ đất để bổ sung vào quy hoạch đô thị là cấp thiết và mang tính khả thi cao. Do đó, trong đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045 đang được lập, thành phố Biên Hòa sẽ lựa chọn các quỹ đất cụ thể và đảm bảo đồng bộ các cấp độ quy hoạch để triển khai dự án về sau. Từ đó, từng bước thực hiện hoàn thành các tiêu chí về đất cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thị; mật độ đường, tỷ lệ đường trong khu vực nội thị; mật độ đường cống thoát nước chính khu vực nội thị; nhà tang lễ. Đồng thời, việc đẩy nhanh lập, trình duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa cũng là cơ sở xây dựng quy chế quản lý kiến trúc được đồng bộ.
Thành phố Biên Hòa cũng kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, tập trung nguồn lực, bổ sung nguồn vốn đầu tư công, khơi thông các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, công viên tập trung, nhà tang lễ, hệ thống thoát nước chính.
Đối với chỉ tiêu tuyến phố văn minh đô thị, thành phố cũng sẽ thực hiện rà soát tất cả các tuyến phố, xây dựng kế hoạch đến năm 2025 sẽ tổ chức thực hiện các nội dung xây dựng tuyến phố văn minh đô thị đạt tỷ lệ khoảng 15% (tương ứng 17/110 tuyến). Từ năm 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 4 tuyến phố văn minh đô thị. Đến năm 2030, tổ chức thực hiện các nội dung xây dựng tuyến phố văn minh đô thị đạt tỷ lệ khoảng 30% (tương ứng 37/110 tuyến). “Thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tiêu chí tuyến phố văn minh và phường văn minh đô thị như: không sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán; thực hiện tập kết rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định, không tự ý phá dỡ vỉa hè…” - ông Nguyễn Phong An cho biết.
Riêng với chỉ tiêu về khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh, qua rà soát, các khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh tại thành phố Biên Hòa chưa được xem xét đánh giá, chưa có cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét duyệt công nhận. Do đó, thành phố đề xuất giải pháp lập kế hoạch triển khai cho các đơn vị chủ đầu tư thực hiện đăng ký danh sách các khu chức năng đô thị (một phần của dự án hoặc toàn bộ dự án) được thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và thực hiện theo các tiêu chí làm cơ sở để xem xét công nhận. Với giải pháp này, thành phố Biên Hòa cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan, phối hợp sớm xây dựng bảng tiêu chí, thang điểm đánh giá, làm cơ sở thẩm định, tổ chức xét duyệt công nhận.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin