Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiến sĩ Bùi Thị Lan Hương:
Trọng nông để phát triển du lịch nông thôn

Vương Thế
09:20, 14/12/2024
Tiến sĩ Bùi Thị Lan Hương

Du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai tại nhiều địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế du lịch, góp phần khoác áo mới, cải thiện cơ cấu kinh tế cho khu vực nông thôn. Nhưng những thành quả gặt hái được mới chỉ ở bước đầu, để đạt được những mục tiêu trên còn rất nhiều việc phải làm.

Cần thay đổi tư duy và có chính sách hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu sự tự phát, nhỏ lẻ; thu hút đầu tư vào hạ tầng, bất động sản du lịch nông nghiệp... Chính sách là động lực, giải pháp là đòn bẩy. Xung quanh vấn đề này, Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Bùi Thị Lan Hương, chuyên gia về du lịch nông nghiệp, nông thôn, người đã dành nhiều thời gian để thực hiện các cuộc khảo sát tại các địa phương trong cả nước.

Tiềm năng lớn nhưng vẫn còn nhiều rào cản

 Thưa tiến sĩ, du lịch nông thôn đang nổi lên và được chú trọng trong thời gian gần đây, bà đánh giá ra sao về tiềm năng, chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn mà Việt Nam đang áp dụng trong thời gian qua?

- Du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam rất tiềm năng. Tài nguyên du lịch nông nghiệp bao hàm cả hai yếu tố tự nhiên và nhân văn. Sự tương tác giữa chủ thể và khách thể du lịch là khá rõ rệt nên dư địa phát triển còn rất lớn. Bên cạnh việc mang lại những lợi ích kinh tế lớn, du lịch còn góp phần giới thiệu những đặc trưng văn hóa từng vùng, miền của quốc gia ra thế giới, qua đó xây dựng hình ảnh, vị thế cho quốc gia, dân tộc.

Theo Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2023-2025 của Đồng Nai thì tỉnh đặt ra mục tiêu cụ thể: Phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn của tỉnh. Tiến tới công nhận từ 1-3 điểm du lịch nông thôn tại các địa phương.

Du lịch nông thôn nước ta đang được Chính phủ quan tâm phát triển. Cụ thể vào đầu tháng 8-2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho phát triển du lịch nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài Quyết định 922, nước ta vẫn chưa ban hành chiến lược phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia và cấp địa phương.

 Dù có tiềm năng song trên thực tế, du lịch nói chung, du lịch nông thôn vẫn chưa phát triển đúng mức, theo tiến sĩ, đâu đang  là rào cản, điểm nghẽn?

- Theo tôi, rào cản thứ nhất là bối cảnh kinh tế sau đại dịch vẫn chưa sáng sủa. Người dân có sự cân nhắc rõ ràng trong chi tiêu, vì thế chi tiêu cho du lịch cũng bị ảnh hưởng. Rào cản thứ hai là thị trường du lịch nông thôn ở nước ta chỉ mới phát triển ở giai đoạn đầu. Do vậy, rất cần Chính phủ trong khuyến khích thị trường này phát triển.

Về điểm nghẽn là chưa có sự thống nhất trong quan điểm, quan niệm về phát triển du lịch nông thôn ở các cấp, ngành và địa phương. Chưa có khung pháp lý và khung lý luận rõ ràng cho du lịch nông thôn. Đồng thời, chưa có những hướng dẫn, tháo gỡ cụ thể cho du lịch nông thôn. Chẳng hạn, các mô hình hoạt động, vai trò các bên liên quan.

 Nói về phát triển du lịch nhưng nông nghiệp vẫn đang là một trong những ngành kinh tế chính, nuôi sống 100 triệu dân và xuất khẩu nông sản ra thế giới. Vậy thì, giữa nông nghiệp và du lịch có sự bổ sung, vận dụng ưu thế của nhau như thế nào, Việt Nam có thể khai thác điểm mạnh gì để thu hút du khách bởi 60% dân số đã và đang sống ở nông thôn?

- Nông nghiệp hàng hóa thường không tham gia du lịch nông nghiệp trong du lịch nông thôn. Trong khi đó, nông nghiệp quy mô nhỏ, canh tác đa phương thức, phi truyền thống là mảnh đất màu mỡ để du lịch phát triển. Người nông dân cần thu nhập bổ sung tái đầu tư sản xuất trong bối cảnh đầy biến động về kinh tế, xã hội, môi trường.

Tuy nhiên, không phải vùng nông thôn nào cũng làm tốt du lịch nông thôn và du lịch nông nghiệp. Không phải người dân sống ở nông thôn thì không hứng thú với du lịch nông thôn. Điểm mấu chốt của vấn đề ở đây là mỗi vùng nông thôn phải phát hiện ra kho báu của mình, nâng giá trị nó lên để thu hút sự quan tâm của du khách, trong đó có cả du khách ở vùng nông thôn khác.

 Người nông dân đóng vai trò nào, đứng ở đâu trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn?

- Người nông dân đóng vai trò chủ chốt và then chốt. Tuy nhiên, không phải cứ hễ làm du lịch nông thôn là phải kiếm ra tiền từ du khách. Mà làm du lịch nông thôn là làm sao để du khách phải trả tiền. Đây làm một việc khó. Đòi hỏi sự học tập, sáng tạo, liên tục đổi mới trong cách nghĩ, cách làm hàng ngày của nông dân.

Đồng Nai đang đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn.
Đồng Nai đang đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn.

Phát triển du lịch để phát triển nông thôn

 Nhà nước vừa ban hành Luật Đất đai mới, theo bà, Luật Đất đai mới sẽ có tác động như thế nào đối với phát triển du lịch nói chung và du lịch nông thôn nói riêng so với trước đây?

- Điểm mới nổi bật là có quy định về đất nông nghiệp khác. Muốn vậy, phải làm rõ nông nghiệp đa chức năng và đất nông nghiệp đa mục đích. Phân loại sử dụng đất như thế nào đáp ứng yêu cầu phục vụ chức năng đó hiệu quả nhất.

Cho nên, theo tôi, nếu không được cung cấp thông tin thì người dân sẽ “đổi vàng thành chì” khi thay đổi mục đích sử dụng đất. Việc này cũng có ảnh hưởng rõ rệt đến tình hình phát triển nông nghiệp và du lịch nông thôn theo hướng tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực.

Đồng Nai phấn đấu mỗi huyện và thành phố Long Khánh xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù trên địa bàn. Đồng thời, 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

 Đồng Nai đang đẩy mạnh du lịch canh nông, cùng phát triển nông thôn mới và du lịch, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, bà có đánh giá thế nào về quá trình này, địa phương cần  lưu ý thêm vấn đề gì?

- Du lịch canh nông là tên gọi khác của du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn được nhiều địa phương chủ trương phát triển như Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh… thời gian qua. Tuy nhiên, có thể thấy du lịch nông nghiệp ở Đồng Nai có 2 nhóm chính: một là du lịch canh nông, dùng cho canh tác nông nghiệp quy mô nhỏ; hai là du lịch trang trại.

Đồng Nai là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa cao. Hệ thống giao thông thuận lợi. Địa hình đa dạng, phong phú. Đặc biệt tài nguyên bản địa, kiến thức bản địa là vốn quý lớn nhất của Đồng Nai khi thực hiện du lịch nông thôn. Nên tôi nghĩ, Đồng Nai cần lưu ý thêm vấn đề này khi phát triển du lịch nông thôn.

 Bên cạnh chính sách, theo tiến sĩ, cần có những lưu ý gì đối với phát triển nguồn nhân lực?

- Du lịch nông thôn là phát triển du lịch để phát triển nông thôn. Đó là quan điểm của Tổ chức Du lịch Liên hiệp quốc. Do vậy, nông dân cần được đào tạo nghiệp vụ du lịch bài bản. Chuẩn mực trong giao tiếp và đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, an toàn trong du lịch.

Không chỉ có nông dân mà các cán bộ chuyên trách nông thôn cũng cần được đào tạo về phương pháp tổ chức và phát triển cộng đồng trong du lịch nông thôn.

 Xin cảm ơn bà!

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều