Từng được mệnh danh “Mã Đà sơn cước anh hùng... tụ” nên không sao kể hết những trang hào kiệt, nữ lưu từ khắp nơi vào “tụ nghĩa” ở Chiến khu Đ để góp phần làm nên lịch sử. Trong đó có những nhà chính trị, quân sự tài năng, mưu lược, các trí thức dấn thân lẫn nghệ sĩ, công nhân, nông dân, nhà văn, nhà báo… Có người còn được được đưa vào sử sách, được dựng truyện, lên phim, đặt tên đường… Bên cạnh đó còn có những con người rất đặc biệt.
Căn cứ Chiến khu Đ, nơi đồng chí Chín Quỳ sinh ra, lớn lên, hoạt động cách mạng và hy sinh. Ảnh: BQL di tích |
Tướng cướp rừng xanh
Vào một buổi tối đầu năm 1937, tại ngôi nhà kín đáo gần đầu cầu Rạch Rớ thuộc xã Mỹ Lộc, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Bình Dương), chi bộ Đảng Cộng sản xã gồm 5 đảng viên, được Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Biên Hòa Trương Văn Bang đến dự cuộc họp thường kỳ. Vấn đề có nên hay không kết nạp đối tượng Nguyễn Văn Quỳ (tên thường gọi Chín Quỳ, có tư liệu ghi họ Trần) sinh năm 1915 tại ấp Đất Cuốc được thảo luận khá sôi nổi.
Nghiệt ngã phận người
Chín Quỳ thuộc thành phần bần cố nông, nhà ở Đất Cuốc - một xóm nhỏ nằm giữa rừng với những gò đất xấu mọc toàn cỏ dại. Xóm bần cùng này có khoảng 20 mái nhà tranh lụp xụp, phần lớn đều là dân trốn xâu lậu thuế, sống với nghề đốt rừng làm rẫy. Chín Quỳ là cậu bé duy nhất trong xóm được đi học trường làng Tân Hòa nhưng sau khi cha bị cọp vồ chết, mẹ mù lòa, không có tiền trả nợ, người chị phải đi ở đợ cho Cai tổng Chi, còn Quỳ đến coi trâu cho Cả Chín.
Biết Chín Quỳ có tài làm be (khai thác gỗ, củi), thông thạo địa hình rừng rú khắp cả vùng Tân Uyên, lại khỏe mạnh, tháo vát, phú hộ Hai Huỳnh nói hai người có bà con xa, nhận Quỳ làm em nuôi; trả tiền cho Cả Chín để chuộc Quỳ và hứa sẽ giao cai quản nhà máy xay lúa. Trong khi chờ lắp đặt máy, ông anh kết nghĩa Hai Huỳnh nhờ chú em Chín Quỳ vào rừng tìm bộ gỗ quý để cất nhà cho vợ bé. Khi Chín Quỳ đưa gỗ về tới làng thì biết tin mẹ mình đã chết vì không người chăm sóc theo như lời hứa của người anh kết nghĩa, rồi sau đó còn phát hiện ra chuyện Hai Huỳnh dụ dỗ em ruột là Bảy Thiên bán xe, ngựa và miếng đất để góp tiền xây nhà máy. Nhà máy xây xong, Hai Huỳnh bán cho Huyện Hứa, Chín Quỳ trở thành người làm công cho ông chủ mới. Vợ chồng Bảy Thiên trắng tay vì khi góp vốn không có giấy tờ gì cả. Đau đớn hơn nữa là trước nhà máy xay lúa Mỹ Lộc này, chàng trai nghèo chứng kiến cảnh Chiêm - người bạn gái của mình lên xe hoa về nhà tên trọc phú Cương vừa chạy chọt lên làm hương quản. Phẫn chí, liền ngay sau đó, Chín Quỳ cầm rựa, ôm chiếc áo bà ba cũ rách lầm lủi đi về phía rừng. Mãi hôm sau, khi được báo là nhà máy ngưng hoạt động, còn Chín Quỳ đã bỏ đi mất, Huyện Hứa vội vàng cưỡi ngựa chạy lên quận Tân Uyên cấp báo: “Chín Quỳ là… thằng Cộng sản đã đình công và phá hoại nhà máy!”. Tức thời trát tập nã Chín Quỳ treo khắp chợ và các công sở trong quận. Hai tuần sau, vào chiều tối chủ nhật ở Tân Uyên xảy ra một vụ cướp táo bạo. Kẻ “gây án” đã đơn thân độc mã đột nhập vào khu nhà nghỉ mát là nơi tổ chức vui chơi của vợ chồng Quân trưởng Tân Uyên nằm kín đáo trong rừng cấm Tân Lợi, cướp khẩu súng trường của lính gác, xông vào sòng bài hốt sạch tiền của đám quan khách có máu mặt trên tỉnh về sát phạt.
Tại cuộc họp chi bộ
Thảo luận về vụ Chín Quỳ, Bí thư Chi bộ Lê Văn Tôn phát biểu: “Trước kia, anh Chín Quỳ vẫn là một đối tượng phát triển Đảng của chi bộ ta… Tôi vừa có ý định gần gũi tìm hiểu và giúp đỡ thì anh bỗng trở thành tướng cướp nguy hiểm ở vùng này. Bây giờ đề nghị các đồng chí có ý kiến xem chúng ta phải giải quyết như thế nào?”.
Được hỏi ý kiến, Bí thư Tỉnh ủy Trương Văn Bang sau khi phân tích trường hợp Chín Quỳ đã cho rằng: “Hầu hết chúng ta trong chi bộ này đồng chí nào cũng có đi tham gia hoạt động công khai ở các nơi xa khác như Bến Cát, Biên Hòa, Xuân Lộc, nhưng việc phát triển Đảng, tuyên truyền Đảng ngay trong xã này thì còn chậm trễ quá. Nếu chúng ta còn tiếp tục theo xu hướng đó thì có ngày Đảng ta không có đất dung thân. Hiện nay, các Ủy ban hành động công khai đều bị giải tán, kể cả một số tổ chức quần chúng. Các anh Tạo, Mai, Ninh và hàng ngàn đồng chí khác đã bị bắt. Nếu mình không mạnh dạn bí mật phát triển Đảng thì lấy gì bù đắp cho những sự tổn thương ấy? Dân chúng ở đây tốt lắm, có truyền thống yêu nước và hiện đang chờ Đảng. Nhưng nếu mình lơ là trước sự cực khổ của họ, trước ý chí căm thù đế quốc của họ, thì họ phải bỏ chúng ta mà đi theo những con đường khác… Trường hợp anh Chín Quỳ hiện nay hơi khó nghĩ thật, nhưng vấn đề không phải đời sống của anh bình thường hay không bình thường. Nhiều người đã được kết nạp vào Đảng trong lúc đang ở tù, có người sắp đến giờ bị giặc xử chém mới được kết nạp, nhiều người đang cầm súng cho giặc mà cũng được Đảng ta giác ngộ cách mạng và kết nạp. Như thế theo tôi nghĩ, kết nạp một người đang bị giặc truy nã và phải ở rừng là một việc rất bình thường mà thôi. Theo tôi, nếu chi bộ mình có một đảng viên vũ trang ở rừng thì chi bộ càng mạnh thêm chứ không trở ngại gì hết. Nếu giặc khủng bố Đảng ta mạnh hơn nữa, rồi có lúc nhiều đồng chí chúng ta cũng phải ở rừng chứ không riêng gì Chín Quỳ đâu, phải không các đồng chí?”.
Lễ kết nạp Chín Quỳ vào Đảng được tổ chức vào một buổi tối tại miễu Đất Cuốc.
Anh hùng Nguyễn Trọng Tâm - người xây dựng cơ sở đầu tiên cho công tác binh vận ở miền Đông Nam Bộ khi kể việc ông lãnh đạo cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp đã cho rằng: “Tin ông Chín Quỳ còn sống ở rừng Chiến khu Đ càng nung nấu thêm quyết tâm vượt ngục của chúng tôi. Còn ông Chín Quỳ tức là còn căn cứ địa.”
Trở thành chỉ huy du kích
Sau Nam kỳ khởi nghĩa, Pháp tiến hành khủng bố trắng. Nhiều cán bộ kháng chiến và thanh niên yêu nước trốn vào rừng tham gia “băng cướp” Chín Quỳ. Tỉnh trưởng Biên Hòa chỉ thị cho Quận trưởng Tân Uyên ra lệnh cấm rừng; đồng thời cho bọn mật thám cùng 1 tiểu đội vũ trang càn rừng Mỹ Lộc hòng tiêu diệt tướng cướp rừng xanh, nhưng không đạt kết quả.
Năm 1943, Tỉnh trưởng Biên Hòa lại cử Bảy Tăng - một tên mật thám sừng sỏ của Miền Đông chỉ huy 1 trung đội xung kích về Tân Uyên tảo thanh băng cướp rừng xanh. Trinh sát được sào huyệt của Chín Quỳ ở Hóc Bà Sầm, tên lính kín nổi tiếng thiện nghệ tranh thủ đêm tối đã bất ngờ tung cả trung đội xung kích vào mục tiêu. Thế nhưng không ngờ lại lọt vào bẫy phục kích của Chín Quỳ. Ngay loạt đạn đầu 5 tên lính gục ngã, cả trung đội xung kích rối loạn, phải tháo chạy. Bên Chín Quỳ, Bí thư chi bộ xã Mỹ Lộc là đồng chí Huỳnh Liễng trúng đạn hy sinh. Tướng cướp rừng xanh Chín Quỳ được bầu làm Chỉ huy đội du kích Mỹ Lộc.
Góp sức khởi dựng Chiến khu Đ
Đầu tháng 11-1945, thực hiện việc tìm địa bàn để lập căn cứ, Chỉ huy trưởng Huỳnh Văn Nghệ cùng Chín Quỳ trực tiếp đưa Phái viên quân sự trung ương Nguyễn Bình đi nghiên cứu thực địa và đã thống nhất chọn Lạc An đặt tổng hành dinh. Để bảo vệ chiến khu, Vệ quốc đoàn Biên Hòa thành lập tại chỗ ban sản sanh - địa hình và giao Chín Quỳ phụ trách. Khi liên tỉnh ủy miền Đông đặt căn cứ trên vùng rừng núi này, Chín Quỳ lại cùng Lâm Quốc Đăng, Lê Thanh, Hồng Sơn dò từng cụm rừng rồi tiến hành quy hoạch, xây dựng trụ sở các cơ quan dân chính Đảng, kho tàng, hào chiến đấu, chốt giao liên, trinh sát bảo vệ… bước đầu định hình căn cứ chiến khu Đ.
Trong hồi ký, đoạn viết về Chiến khu Đ năm 1946 bị Pháp mở nhiều cuộc tấn công lớn, Thiếu tướng Bùi Cát Vũ cho biết: “Trong tình hình Pháp tung biệt kích vào ruột, phong tỏa gắt gao các đường tiếp tế vào chiến khu và ngày nào ở vùng tạm chiếm cũng như ven căn cứ Chiến khu Đ đều có đồng bào bị chặt đầu cắm cọc, chiến sĩ, liên lạc bị bắt sống mổ bụng… thì phải nhận rằng chỗ dựa lớn về tinh thần và đời sống của các cơ quan trong rừng sâu Chiến khu Đ là anh Chín Quỳ. Anh quả thật là chúa sơn lâm, xuất quỷ nhập thần… Anh chỉ đến một mình với khẩu súng 2 nòng và một con rựa, bất kể sớm, trưa, chiều, tối. Chưa đến đã nghe tiếng anh oang oang, làm cho người phón nhất cũng thở phào”.
Năm 1968, người chiến sĩ Cộng sản trung kiên, người từng một thời là tướng cướp rừng xanh đã nằm lại giữa rừng núi Chiến khu Đ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin