Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm giải pháp mới cho đô thị Biên Hòa

Minh Thành
09:00, 28/12/2024

Hiện nay, thành phố Biên Hòa đã đề ra hàng loạt giải pháp hướng tới xây dựng đô thị văn minh, đảm bảo trật tự đô thị và an toàn giao thông (ATGT). Tuy nhiên, với đặc thù là đô thị hình thành từ hàng chục năm nay, thành phố Biên Hòa đang nỗ lực tháo gỡ những tồn tại, hạn chế để đạt được mục tiêu này.

Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Biên Hòa lập biên bản các hộ dân trên đường Nguyễn Văn Trị (phường Trung Dũng) đặt hàng hóa, buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Lê Duy
Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Biên Hòa lập biên bản các hộ dân trên đường Nguyễn Văn Trị (phường Trung Dũng) đặt hàng hóa, buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Lê Duy

Nhiều “tồn tại” đã được giải quyết

Áp lực dân số đông với trên 1,2 triệu dân, đô thị Biên Hòa hiện đang gặp nhiều thách thức trong xây dựng đô thị văn minh và ATGT. Do đó, ngành chức năng đã tăng cường các giải pháp hiệu quả để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại này. Đáng chú ý có không ít “tồn tại” đến từ hạ tầng giao thông đã được giải quyết như: đưa vào hoạt động các bãi đậu xe công cộng, giải tỏa ùn tắc giao thông, hạn chế lấn chiếm vỉa hè…

Những năm trước đây, nhiều tuyến đường trung tâm tại thành phố Biên Hòa như: Hưng Đạo Vương, 30-4, Hà Huy Giáp, Võ Thị Sáu… luôn là nỗi “ám ảnh” của người đi bộ và tài xế xe ô tô khi vỉa hè, lòng đường “chật cứng” xe ô tô đậu chen chúc nhau. Không chỉ vậy, một số tuyến đường còn hình thành các chợ tự phát, các điểm kinh doanh lấn chiếm lòng đường như: Nguyễn Văn Trị, Phạm Văn Thuận, Phan Trung, Dương Tử Giang… và các đoạn đường quanh khu vực chợ Biên Hòa, chợ Tân Mai… Từ đó hình thành nên các điểm ùn tắc giao thông cục bộ tại các tuyến đường nói trên.

Theo UBND thành phố Biên Hòa, sau khi tình trạng vi phạm trật tự đô thị được lực lượng chức năng thành phố xử lý sẽ bàn giao hiện trạng cho UBND các phường. Chủ tịch UBND các phường phải duy trì việc kiểm tra, đảm bảo giữ gìn trật tự đô thị.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng này đã được giải quyết cơ bản khi UBND thành phố Biên Hòa mở một số bãi đậu xe công cộng tại 4 vị trí gồm: khu đất đối diện Công viên Dương Tử Giang tại phường Tân Mai; khu đất là trụ sở cũ của Xí nghiệp in Đồng Nai tại phường Quang Vinh; khu vực cơ sở 2 Bệnh viện Trung Cao cũ, bãi xe kết hợp hoa viên cây xanh tại khu đất dưới tháp nước A42, khu vực công viên Biên Hùng (đều thuộc phường Trung Dũng).

Ngoài ra, trong những tháng gần đây, UBND thành phố Biên Hòa đã triển khai hàng loạt “chiến dịch” chấn chỉnh, lập tại trật tự đô thị, trật tự ATGT tại các tuyến đường huyết mạch như: Đồng Khởi, Bùi Văn Hòa, Phạm Văn Thuận, Nguyễn Văn Trị… Qua đó đã vận động hàng ngàn hộ dân tự giải tỏa các biển báo, mái bạt, xe đẩy… lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Đồng thời, Công an thành phố Biên Hòa và UBND thành phố Biên Hòa còn tuyên truyền, xử lý hàng trăm vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực trật tự đô thị tại các tuyến đường nói trên.

Anh Phan Thanh Sang (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) cho biết: “Các giải pháp mà cơ quan chức năng thành phố Biên Hòa đang triển khai để xây dựng văn minh đô thị, trật tự đô thị đã đem lại những hiệu quả tích cực. Việc này khiến mỗi người dân tự ý thức chấp hành các quy định về trật tự đô thị hơn, đặc biệt là giúp người đi bộ, người đi xe máy có không gian di chuyển trên đường”.

Giải “bài toán” xây dựng đô thị văn minh

Mặc dù các giải pháp bước đầu của UBND thành phố Biên Hòa đã mang lại hiệu quả thiết thực, tuy nhiên vẫn còn nhiều “bất cập” trong việc giữ gìn trật tự đô thị. Một trong những nguyên nhân là hạ tầng không theo kịp sự phát triển của dân số, phương tiện giao thông và nhu cầu của người dân.

Một số hộ dân trên đường Nguyễn Văn Trị (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) vẫn còn đặt hàng hóa, buôn bán lấn chiếm vỉa hè.
Một số hộ dân trên đường Nguyễn Văn Trị (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) vẫn còn đặt hàng hóa, buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Lê Duy

Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Não Thiên Anh Minh cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại một số nút giao tại thành phố Biên Hòa vẫn còn diễn ra. Cụ thể là: ngã ba Trảng Dài, ngã ba cầu Săn Máu, ngã tư Vincom… Không chỉ vậy, dù gần khu vực Trường tiểu học Nguyễn Du (phường Trung Dũng) có bãi đậu xe công cộng nhưng nhiều phương tiện vẫn dừng, đậu trên đường để đón học sinh gây ùn tắc giao thông vào giờ tan trường nên lực lượng cảnh sát giao thông phải có mặt để tham gia hướng dẫn, điều tiết giao thông.

Ngoài ra, hạ tầng một số tuyến đường của thành phố từ lâu không được cải thiện, nâng cấp, mở rộng khiến việc đi lại của người dân rất vất vả. Như các tuyến đường: Hoàng Văn Bổn (phường Tân Biên), Nguyễn Thái Học (phường Trảng Dài), Bùi Văn Hòa (các phường: Long Bình, Long Bình Tân, An Bình)… Thậm chí đường Nguyễn Tri Phương (phường Bửu Hòa) đã có dự án nâng cấp, mở rộng nhưng đến nay vẫn “ì ạch”, dù dự kiến thời gian hoàn thành là cuối năm 2024.

Cán bộ UBND phường Trung Dũng (thành phố Biên Hòa) nhắc nhở các hộ dân trên đường Nguyễn Văn Trị không đặt hàng hóa, buôn bán lấn chiếm vỉa hè.
Cán bộ UBND phường Trung Dũng (thành phố Biên Hòa) nhắc nhở các hộ dân trên đường Nguyễn Văn Trị không đặt hàng hóa, buôn bán lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Lê Duy

Ông Nguyễn Huy Hoàng (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng này là các nút giao, các tuyến đường trên đã chật, chậm được mở rộng so với lượng phương tiện ngày càng tăng. Thậm chí, một số tuyến đường đô thị còn không có vỉa hè, hoặc vỉa hè quá nhỏ, nên chủ nhà cũng loay hoay không biết đậu xe thế nào cho gọn gàng.

Không chỉ vậy, các hộ dân sống dọc những tuyến đường trên còn tự dùng xi măng chắp vá các vị trí hư hỏng, nâng cao lề đường trước nhà, rồi dần hình thành các đoạn lề đường mấp mô, càng khó đi lại. Đáng nói, nhiều vị trí ranh giới giữa lòng đường và vỉa hè bị “xóa mờ” khiến chính những người sống ven đường cũng khó xác định phải chấp hành quy định trật tự đô thị thế nào cho đúng.

Trước các bất cập trên, nhiều người dân thành phố Biên Hòa đã đề nghị các cơ quan chức năng cần có kế hoạch cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sá, hệ thống thoát nước đô thị song song với việc xử lý hành vi chiếm dụng lòng lề đường, đậu xe trái phép. Vì chỉ khi hạ tầng đáp ứng được nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân thì chính quyền địa phương mới có thể xây dựng nên đô thị văn minh, đưa trật tự đô thị vào nề nếp.

Minh Thành

Tin xem nhiều