Giữa lòng thành phố Biên Hòa sôi động và phồn hoa hôm nay vẫn tồn tại nhiều thiết chế tín ngưỡng dân gian gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển xứ Đồng Nai. Đặc biệt, tại địa bàn phường Hòa Bình (nay là phường Trung Dũng), nhân dân còn duy trì sinh hoạt một thiết chế tâm linh quan trọng từ thời Nguyễn, đó là miếu Thành hoàng tỉnh/miếu Thổ thần.
Miếu Thành hoàng xưa (nay là miếu Thổ thần) ở phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa. Ảnh: X.Nam |
Những quy định lập thờ Thành Hoàng dưới thời Nguyễn
Vào thời Nguyễn (1802-1945), ở kinh đô Huế nhà nước phong kiến cho lập nhiều loại miếu thờ như: miếu thờ Công thần mở nước, miếu thờ Công thần đời Trung Hưng, miếu thờ Công thần Trung tiết, miếu thờ Công thần các trực, tỉnh; miếu Hội đồng… Mục đích là ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân, các anh hùng nghĩa sĩ vì nước quên thân. Ngoài ra, vua còn cho lập các miếu thờ Nam Hải Long Vương, Tiên Y, thần mưa, thần gió, thần Lửa, Hà Bá, Thành Hoàng… Các vị thần linh này có trọng trách âm phù - “hộ quốc tý dân”. Nhưng trên hết, sự tồn tại của hệ thống thần linh này nhắm đến sự bảo hộ về mặt tâm linh, bảo đảm cho quyền lợi và vị thế của vương triều Nguyễn luôn được củng cố ổn định, vững chắc và lan xa từ Bắc chí Nam.
Về miếu Thành hoàng được lập ở bên hữu trong kinh đô, gian giữa đặt hương án thờ Thành hoàng kinh đô, còn hai trái nhà bên tả thờ các vị Thành hoàng các tỉnh từ Quảng Bình trở vào Nam; bên hữu thờ các vị thần Thành hoàng từ Hà Tĩnh trở ra Bắc và giao cho bộ Lễ, bộ Công đảm trách công việc cúng tế. Hàng năm theo lệ ban của triều đình, tế lớn hai lần vào tháng trọng xuân và tháng trọng thu (tháng thứ 2 của mùa xuân và tháng thứ 2 của mùa thu). Vào dịp này, các quan đứng đầu các tỉnh hạt phải về kinh thành dự lễ tế cùng nhà Vua.
Đến thời Minh Mạng năm thứ 20 (1839), chuẩn lời tâu của bộ Lễ cho các địa phương lập thêm thần vị Bản cảnh Thành hoàng trong miếu Hội đồng. Ở dinh Trấn Biên, miếu Hội đồng được thành lập năm 1801 thờ linh thần bổn cảnh (các vị thần địa phương) và 68 quan văn, võ có công lao từ thời mở nước. Từ đó, miếu Hội đồng thờ bài vị Thành hoàng ở chính giữa miếu điện và thờ bài vị các thần kỳ đặt ở hai gian bên tả hữu. Bộ Lễ hướng dẫn nghi thức cúng tế, bộ Công chu cấp tiền bạc trông coi, giao cho quan đầu tỉnh hạt hàng năm tổ chức tế lễ long trọng.
Nhưng khi Thiệu Trị lên ngôi, xét thấy các vị thần trước đây ở miếu Hội đồng, phần nhiều là Thượng đẳng thần, giúp nước che chở dân, có công đức rõ rệt, mà thờ chung với Thành hoàng thì chưa tiện lắm. Nên năm 1841, Vua xuống dụ cho các trực tỉnh lập miếu riêng thờ Thành hoàng, còn miếu Hội đồng vẫn giữ như cũ, không thay đổi. Chỗ được làm miếu riêng thờ Thành hoàng, cách thức và nên cấp đồ thờ, phép thờ, thì đều do bộ Lễ, bộ Công bàn tâu xin thi hành. Hàng năm mùa xuân, mùa thu có tế lễ; lễ phẩm bằng 1 bò, 1 heo, 1 mâm xôi, 2 mâm quả phẩm do viên lãnh binh hoặc một viên quản vệ khâm mạng làm lễ. Lại chuẩn cho chiêu mộ dân tạm cư lấy 5 người sung làm phu miếu. Như vậy, thời Thiệu Trị ngoài miếu Thành hoàng ở kinh đô Huế, các tỉnh, thành đều có miếu thờ Thành hoàng. Tất nhiên ở Trấn Biên cũng có miếu thờ Thành hoàng - vị thần này ngoài chức năng bảo vệ thành trì còn có trách nhiệm coi giữ đất đai, phù trợ cho cả một tỉnh. Trong sách Biên Hòa sử lược toàn biên - quyển Trấn Biên cổ kính, tác gia Lương Văn Lựu đã chép rõ “Miếu Thổ thần ở ấp Thành Long, xóm chùa một cột, nguyên là miếu Thành hoàng, lập từ năm Thiệu Trị nguyên niên (1841)”.
Thành hoàng hay Thổ thần cũng có nhiệm vụ tương đối giống nhau, đều là vị thần có nhiệm vụ cai quan đất đai, bảo vệ dân chúng. Chỉ khác ở chỗ Thổ thần có phạm vi quyền hành giới hạn, được xem là thần bảo vệ, đảm bảo an lành, phát triển và phúc lợi cho cộng đồng sống trên đất đai của thôn ấp, làng xã. Do tình hình lịch sử - xã hội biến đổi, mà chức năng thờ cúng thay đổi ở miếu Thành hoàng tỉnh. Nhưng những gì còn lại đến ngày hôm nay, đã khẳng định một điều rằng, vùng đất Trấn Biên là một trung tâm văn hóa quan trọng của nhà Nguyễn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Từ miếu Thành hoàng tỉnh đến miếu Thổ thần
Miếu Thành hoàng của dinh Trấn Biên, xưa kia tọa lạc ở thôn Tân Lân, cách Thành Biên Hòa khoảng 1km, cách miếu Hội đồng khoảng 2km (ngày nay thuộc phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa). Theo lệ, hàng năm cứ vào ngày Trung canh (mùng 10 tháng Giêng) các quan Trấn Biên sắm sửa lễ vật, làm lễ cúng Thành hoàng, nhằm tạ ơn thần và cầu cho đất nước thái bình, nhân dân yên ấm, người người làm ăn ổn định.
Tháng 12-1861, Thành Biên Hòa rơi vào tay thực dân Pháp. Ngày 5-6-1862, hiệp ước Nhâm Tuất được ký kết giữa nhà Nguyễn và thực dân Pháp, theo đó triều đình Huế nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Gia Định, Biên Hòa và Định Tường cho Pháp. Kể từ đấy, các thiết chế cơ sở văn hóa tín ngưỡng tại Biên Hòa như: Văn miếu, miếu hội đồng, đàn xã tắc, tiên nông, đền trung tiết, không còn sự quản lý, điều động, cấp phát nhân lực, tài lực của triều đình nữa, nên dần bị mai một, không được trùng tu, sửa chữa. Có lẽ miếu Thành hoàng cũng chung số phận đó, tồn tại yếu ớt một thời gian dài. Sang đầu thế kỷ XX, nhân dân sở tại đã họp bàn đóng góp công của xây dựng lại miếu thành một gian hai trái, mái lợp ngói âm dương, nền tráng xi măng, bờ mái trang trí các tiểu tượng gốm Biên Hoà thể hiện các đề tài Rồng chầu mặt trời, Cá chép hóa rồng, Lân hí cầu, Bát tiên quá hải. Trong miếu khắc bài vị thờ Thổ thần, Tả ban, Hữu ban bằng chữ Hán và gọi là miếu Thổ thần, không còn gọi là miếu Thành hoàng như trước kia. Đồng thời nhân dân lập ra Ban tế tự miếu lo việc trông coi, cúng tế. Lệ cúng Thổ thần vẫn duy trì tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm và tuân thủ theo các nghi thức tế lễ truyền thống được thực hành từ xưa đến nay.
Gian thờ Thổ thần trong miếu. |
Sau ngày đất nước thống nhất, miếu Thổ thần lại được Ban tế tự trùng tu mở rộng, không chỉ có hạng mục Chánh điện mà còn có thêm hạng mục Hậu điện tạo thành kiến trúc nhà chữ Nhị. Các ban thờ được bố trí lại theo thứ tự từ trong ra ngoài: Hậu điện đặt bàn thờ Thổ thần và Tả ban, Hữu ban; Chánh điện đặt tượng Thổ thần và bàn thờ Tiền khai khẩn, Hậu khai khẩn. Ngoài ra, bên trái miếu bài trí gian thờ Tiên sư, phía trước miếu lập bàn thờ Thần nông; bên phải miếu có Thiên Hậu tự được kiến lập năm 1938 thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân và Cửu Thiên Huyền Nữ. Hiện tượng miếu Thổ thần và chùa bà Thiên Hậu được lập bên cạnh và có lối đi thông qua nhau, một cơ sở tín ngưỡng thờ các vị thần dân gian Việt Nam và một cơ sở tín ngưỡng thờ các vị thần của người Hoa tồn tại đan xen nhau và hiện nay đều do người Việt quản lý, trông coi, cúng tế là một hiện tượng độc đáo, ít thấy ở vùng đất Nam Bộ. Điều đó chứng tỏ, văn hoá Việt - Hoa có sự giao thoa, hòa hợp từ kiến trúc nghệ thuật cho đến đối tượng thờ cúng.
Xuân Nam
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin