Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt mục tiêu đến năm 2040, quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn phải đạt trên 100 ngàn kỹ sư, cử nhân. Thế nhưng hiện rất ít trường đại học, cao đẳng tại Đồng Nai bước chân vào lĩnh vực đào tạo đang được coi là “mỏ vàng” này.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tham quan Phòng Thực hành vi mạch bán dẫn của Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: C.Nghĩa |
Ban giám hiệu nhiều trường đại học, cao đẳng tại Đồng Nai cho biết, ý tưởng triển khai đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn (VMBD) đã được nghĩ đến nhưng rất khó khả thi trong thời điểm hiện tại, vì ngành này khá mới ở Việt Nam.
Thách thức đào tạo nhân lực
Đồng Nai hiện đã thu hút một số doanh nghiệp ngành VMBD hoạt động sản xuất với quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động chất lượng cao. Đơn cử như Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 hiện có hàng trăm lao động chất lượng cao ngành VMBD đang làm việc tại đây. Công ty này cũng đã ký kết và hợp tác đào tạo nhân lực với các trường đại học, trong đó có Trường đại học Lạc Hồng.
Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam đã đón một số đoàn công tác của tỉnh đến tham quan, tìm hiểu về hoạt động sản xuất VMBD. Công ty tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học đưa sinh viên ngành công nghệ thông tin đến tìm kiếm cơ hội thực tập, đồng thời tiếp tục việc làm trong lĩnh vực VMBD. Công ty này kỳ vọng, sự hợp tác với các cơ sở đào tạo sẽ giúp tuyển dụng được nhiều cử nhân, kỹ sư trong ngành công nghệ thông tin, cơ điện tử, đặc biệt là sinh viên ngành VMBD.
Hiệu trưởng một cơ sở đào tạo công lập tại Đồng Nai cho biết, năm 2023 được tỉnh tổ chức cho sang Đài Loan (Trung Quốc) tìm hiểu về lĩnh vực công nghệ, sản xuất chip, đào tạo nhân lực VMBD. Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này thừa nhận, lĩnh vực đào tạo này đòi hỏi phải có giảng viên trình độ cao, chương trình đào tạo tiên tiến, mua sắm thiết bị thực hành rất tốn kém nên việc triển khai với nhà trường là khó khả thi.
Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), sản xuất VMBD có 3 khâu chính là: thiết kế (design), sản xuất (manufacturing) và đóng gói kiểm thử (ATP). Thời gian qua, đã có một số cơ sở đào tạo liên quan đến VMBD thế nhưng cũng chỉ giảng dạy một vài nội dung cho khâu thiết kế chứ gần như chưa đào tạo khâu sản xuất hay đóng gói kiểm thử. Đến năm 2024, các trường chính thức mở ngành nhưng chủ yếu vẫn đi vào khâu thiết kế.
Tiến sĩ LÂM THÀNH HIỂN, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng:
Mong tỉnh có một nghị quyết về đào tạo nhân lực và thu hút đầu tư vi mạch bán dẫn
Cơ hội về đào tạo lĩnh vực VMBD là rất lớn, khi nhân lực dồi dào thì doanh nghiệp lĩnh vực này sẽ an tâm đầu tư hơn. Tuy nhiên, đào tạo nhân lực VMBD đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, nhà nước nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo của tỉnh. Mặt khác, chúng tôi mong tỉnh có một nghị quyết về phát triển đào tạo nhân lực và thu hút đầu tư VMBD tại Đồng Nai trong thời kỳ mới để các trường có thêm động lực phát triển mạnh mẽ hơn ở lĩnh vực này.
Cần cơ chế hỗ trợ cơ sở đào tạo
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho biết: “Ngay từ đầu nhà trường đã nhận thức đầy đủ hành trình “bước chân” vào ngành VMBD là một thách thức lớn, không thể thành công chỉ trong một vài năm như một số ngành khác. Thế nhưng đây là lĩnh vực đào tạo đầy tiềm năng và cơ hội cho nhà trường khẳng định năng lực về nhiều mặt. Không dừng lại ở đó, người học cũng sẽ được lợi khi tiếp cận với lĩnh vực sản xuất tỷ đô, đồng thời có thể góp phần giải “cơn khát” cho thị trường nhân lực sản xuất chip và VMBD của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung”.
Chia sẻ về hành trình “đặt chân” vào đào tạo lĩnh vực VMBD, tiến sĩ Lâm Thành Hiển cho biết thêm, một năm trước nhà trường đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu về xây dựng một trung tâm thiết kế VMBD tại trường. Trung tâm sẽ tập trung nghiên cứu, đào tạo lĩnh vực quan trọng này theo tiêu chuẩn quốc tế, từng bước phát triển hệ sinh thái VMBD. Trong một năm qua, nhà trường đã triển khai khá “thần tốc” chiến lược hình thành hệ sinh thái VMBD bằng việc ký kết hợp tác với các công ty sản xuất VMBD tại Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tư phòng thực hành VMBD, tuyển sinh và đào tạo…
Trường đại học Lạc Hồng cũng cử một số giảng viên đi đào tạo về lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ… để trở thành đội ngũ giảng viên cốt cán trong lĩnh vực đào tạo này. Bên cạnh đó, nhà trường cũng được Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia NIC (thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư) hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về thiết kế chip, VMBD do các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới hỗ trợ.
Theo Ban giám hiệu các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai đang đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực sản xuất chíp và VMBD. Đây là động lực cho các cơ sở đào tạo nhưng chưa đủ để các trường có lực bước chân vào đào tạo ở lĩnh vực quan trọng nhưng rất khó tính này. Hơn nữa, muốn thu hút đầu tư công nghệ cao, tỉnh cần nguồn nhân lực sẵn có, do đó các trường rất mong có thêm cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về nguồn lực trong quá trình tổ chức đào tạo.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin