Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến thắng Xuân Lộc - Đồng Nai  

Vũ Đức Vinh
18:54, 04/04/2025

Trận đánh diễn ra trong 12 ngày đêm. Ta giải phóng hoàn toàn thị xã Long Khánh. Mở toang “cánh cửa thép” để đại quân tiến đánh giải phóng Sài Gòn. Quân và dân Đồng Nai đã góp phần xứng đáng trong chiến công chung của cả nước.

ADVERTISEMENT

Cánh cửa thép Xuân Lộc đã bị đập tan. Quân và dân Đồng Nai tự hào đã góp phần vào chiến thắng lịch sử của dân tộc. Ảnh: Lò Văn Hợp
Cánh cửa thép Xuân Lộc đã bị đập tan. Quân và dân Đồng Nai tự hào đã góp phần vào chiến thắng lịch sử của dân tộc. Ảnh: Lò Văn Hợp

Chuẩn bị trận đánh

Cuối tháng 3-1975, ta đã giải phóng các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Trước sức mạnh tiến công như vũ bão của quân và dân ta, chế độ tay sai ở Sài Gòn đứng trước nguy cơ bị sụp đổ. Để bảo vệ cho Sài Gòn không bị thất thủ, địch lập tuyến phòng thủ tại Xuân Lộc - một vị trí chiến lược, cửa ngõ để tiến vào Sài Gòn. Địch nhận định: “Nếu mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”.

ADVERTISEMENT

Trực tiếp Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam cộng hòa và Tham mưu trưởng lục quân Hoa Kỳ Fredemck Cariton Weyand bàn thảo vạch kế hoạch, xây dựng, bố trí lực lượng. Một “cánh cửa thép” với lực lượng mạnh gồm: Sư đoàn 18, đơn vị thiện chiến do tướng Lê Minh Đảo chỉ huy làm nòng cốt; lực lượng tăng cường có liên đoàn biệt động và liên đoàn địa phương quân. Lực lượng yểm trợ gồm: tăng thiết giáp, pháo binh và máy bay.

Cánh cửa thép Xuân Lộc đã bị đập tan. Quân và dân Đồng Nai tự hào đã góp phần vào chiến thắng lịch sử của dân tộc. Ảnh: Lò Văn Hợp

Về phía quân giải phóng, lực lượng ta gồm Quân đoàn 4, được tăng cường Sư đoàn 6 và Sư đoàn 7 do thiếu tướng Hoàng Cầm chỉ huy. Lực lượng chi viện có Trung đoàn Thiết giáp và pháo binh yểm trợ.

ADVERTISEMENT

Chuẩn bị cho trận đánh, để tạo chỗ đứng chân cho quân chủ lực, bộ đội địa phương Đồng Nai gồm: lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và thị xã đã tiến đánh giải phóng Suối Cát, ngã ba Ông Đồn, Đồn điền Cao su Ông Quế…, giải phóng các vùng ven thị xã, tạo bàn đạp và nơi trú quân cho quân chủ lực. Đội biệt động và trinh sát trong thị xã đã bí mật dẫn các đơn vị của Quân đoàn 4 đi trinh sát, điều nghiên nắm tình hình địch. Nhân dân đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến dịch. Đồng bào còn cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho quân giải phóng.

Chiến thắng của lòng dũng cảm và mưu trí

Sáng 9-4-1975, quân giải phóng dồn dập pháo kích các mục tiêu quân sự của địch trong thị xã. Quân ta tiến công đánh chiếm một số cứ điểm và trụ sở của địch. Những trận đánh vào căn cứ Sư đoàn 18 của địch diễn ra rất ác liệt. Địch phản công quyết liệt. Chúng ném bom, bắn pháo dữ dội vào đội hình ta, dùng trực thăng đổ bộ một lữ đoàn dù tăng cường lực lượng chống trả. Bên ta bị một số thương vong. Tại hướng Bắc thị xã, bộ đội địa phương đã đánh tan rã liên đoàn 936 tại Bình Phú, Suối Cát bắt sống 117 tên.

Để tránh thiệt hại cho lực lượng và nhân dân trong thị xã, ta đã thay đổi cách đánh. Không đánh trực diện cứ điểm mà bao vây chia cắt địch. Đánh những điểm yếu của địch. Cắt tuyến hậu cần. Ta tập trung đánh chiến đoàn 52 tại ngã ba Dầu Giây, giải phóng quốc lộ 20. Tại sân bay Biên Hòa, ta tăng cường pháo kích nhằm cắt đứt đường tiếp tế của địch. Ta bố trí lực lượng chặn đánh ngay trên quốc lộ 1 không cho quân địch tiếp viện.

Trước thế bị bao vây, cô lập, địch điên cuồng ném bom, bắn phá bừa bãi, thậm chí còn sử dụng cả bom CBU-55 - loại bom nhiệt hạch, bom địa chấn BLU-82. Đây là bom có sức hủy diệt hàng loạt đã bị quốc tế nghiêm cấm sử dụng. 

Lực lượng địch trong thế cô lập dễ bị tiêu diệt, nên ngày 18-4, địch rút về phòng tuyến mới. Thực chất là cuộc rút chạy. Tướng Lê Minh Đảo phải cải trang thành dân thường trà trộn với hành khách đi xe lam để tháo chạy. Trên đường tháo chạy, quân giải phóng đã truy kích bắt sống đại tá tỉnh trưởng Phạm Văn Phúc cùng đám tùy tùng đi theo. Rạng sáng 21-4-1975, cánh cửa thép Xuân Lộc đã bị phá vỡ. Thị xã Long Khánh hoàn toàn được giải phóng. Nhân dân nô nức chào đón quân giải phóng tiến vào thị xã.

Ngay trong đêm 21-4-1975, khi phòng tuyến Xuân Lộc bị sụp đổ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố từ chức. Thừa thắng, đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vũ Đức Vinh

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT