Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025), Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai tổ chức xét chọn, tôn vinh các tác phẩm VHNT tiêu biểu, xuất sắc.
ADVERTISEMENT
![]() |
Các tác phẩm văn học được chọn tôn vinh dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất của văn nghệ sĩ Đồng Nai. Ảnh: L.Na |
Hoạt động này không chỉ tri ân sâu sắc những đóng góp sáng tạo và cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ Đồng Nai trong suốt nửa thế kỷ qua mà còn khẳng định vai trò quan trọng của VHNT trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.
Dấu ấn 50 năm sáng tạo và cống hiến
ADVERTISEMENT
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, cho biết nửa thế kỷ sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, VHNT Đồng Nai đã không ngừng lớn mạnh, chứng kiến sự ra đời của nhiều tác phẩm xuất sắc, phản ánh sâu sắc đời sống và tâm hồn con người, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Nhiều tác phẩm nổi bật đã vượt khỏi khuôn khổ địa phương, vươn tầm quốc gia và ghi dấu ấn trong lòng công chúng.
Trên lĩnh vực văn học, những tác phẩm như: tập truyện ngắn Bến xuân của nhà văn Lý Văn Sâm, tiểu thuyết Lời nguyền 200 năm của Nguyễn Thái Hải, tập truyện ký Dưới chân núi Minh Đạm của Hoàng Kim Chung, tiểu thuyết Chuyện tình ở Hầm Hinh của Trần Thu Hằng, truyện vừa Cù lao yêu dấu của Hoàng Ngọc Điệp; hay các tập thơ: Quả ngọt của Lê Đăng Kháng, Giấc rừng của Đàm Chu Văn, Gửi dòng sông Đồng Nai của Trần Ngọc Tuấn… đều mang đậm hơi thở văn hóa, lịch sử, con người và vùng đất Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung.
ADVERTISEMENT
Nhà thơ Lê Đăng Kháng cho hay, ông rất vinh dự và tự hào khi có tác phẩm được chọn để tôn vinh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tập thơ và trường ca Quả ngọt được ông sáng tác khá lâu, từng đoạt giải B, Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ 2, giai đoạn 2000-2005. Tác phẩm gồm 2 phần, phần đầu với 39 bài thơ và phần trường ca Khúc tráng ca của lửa. Đặc biệt, phần trường ca kể những câu chuyện bi tráng về chính cuộc đời của ông, về mảnh đất quê hương thời bom đạn…
Ở lĩnh vực âm nhạc, những ca khúc như Đồng Nai mùa sầu riêng của Trần Viết Bính, Tổ quốc và người lính của Cao Hồng Sơn, Đồng Nai rạng ngời đất nước của Nguyễn Bòn, hay Cồng vang đêm Chiến khu Đ của Khánh Hòa, Đồng Nai rực sáng tương lai của Trần Tâm, Sáng mãi tên Người của Lệ Hằng… không chỉ chạm tới cảm xúc người nghe mà còn góp phần khắc họa một Đồng Nai hào hùng, trữ tình - nơi nghệ thuật song hành cùng lịch sử, văn hóa.
Theo nhạc sĩ Lệ Hằng, Chi hội phó Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, hình tượng Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng để chị viết nên những ca khúc bằng tất cả tâm huyết và lòng kính yêu Bác. Ca khúc Sáng mãi tên Người của chị được tôn vinh lần này từng đoạt giải A Cuộc thi Sáng tác VHNT về học tập và làm theo gương Bác năm 2009. Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của chị trong dòng chảy 50 năm VHNT Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng.
Dòng chảy 50 năm VHNT không thể không nhắc đến những tác phẩm nhiếp ảnh đã lưu giữ khoảnh khắc quý giá về thiên nhiên, con người và công cuộc đổi mới. Nhiều tác phẩm đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, lan tỏa và quảng bá hình ảnh Đồng Nai trên trường quốc tế. Có thể kể đến các tác phẩm như: Từ tâm của Bùi Viết Đồng, Bé uống vitamin của Phạm Quốc Hưng, Chuyện lạ có thật của Trần Văn Kỷ…
Mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian… cũng có nhiều tác phẩm xuất sắc được sáng tạo từ chính hơi thở cuộc sống. Từ những bức tranh sơn dầu, điêu khắc mang tính biểu tượng đến những vở diễn sân khấu lay động lòng người, hay những bài múa mang đậm hơi thở dân gian dân tộc thiểu số…, tất cả được văn nghệ sĩ tỉnh nhà sáng tạo, cống hiến, góp phần làm nên một Đồng Nai giàu bản sắc văn hóa.
Nghệ sĩ Nhân dân GIANG MẠNH HÀ, Chủ tịch VHNT Đồng Nai, cho biết sau thời gian triển khai, hội đã nhận được 181 tác phẩm của 79 tác giả thuộc 9 bộ môn: văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, múa, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian tham gia. Hội đồng xét chọn đã đánh giá, thẩm định, thống nhất giới thiệu và bỏ phiếu kín chọn 50 tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc để tôn vinh.
Thắp lửa ký ức, lan tỏa khát vọng
Theo NSND Giang Mạnh Hà, tiêu chí chọn tác phẩm tôn vinh là tác phẩm đã được sáng tác, công bố, quảng bá, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh từ sau năm 1975 đến nay. Bên cạnh đó, các tác phẩm đều đoạt các giải thưởng cao trong các cuộc thi, được hội đồng xét chọn đánh giá trên các tiêu chí đề ra. Đây không chỉ là một sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của văn nghệ sĩ tỉnh nhà mà đó còn là cách để Đồng Nai khẳng định vai trò của VHNT trong việc lưu giữ ký ức lịch sử, nuôi dưỡng tâm hồn và truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau.
![]() |
Tác phẩm Tổ quốc nơi đầu sóng của họa sĩ Đào Tấn Hưng được chọn tôn vinh trong dịp này. Ảnh: NVCC |
Mỗi một tác phẩm được chọn tôn vinh là một câu chuyện của vùng đất, của thời đại, là hành trình của người nghệ sĩ đi qua gian khó để tìm đến vẻ đẹp, chân lý và tình yêu quê hương. Những giá trị ấy được tôn vinh không chỉ sống mãi trong lòng người đọc, người nghe mà còn trở thành nền tảng văn hóa tinh thần quý giá để vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai vững bước trong tương lai.
NSND Giang Mạnh Hà nhấn mạnh: “Nửa thế kỷ là một hành trình đủ dài để VHNT Đồng Nai nhìn lại chặng đường đã qua với niềm biết ơn và tự hào. Trong những năm tới, hướng đến tầm nhìn cho 50 năm tiếp theo, hội sẽ tiếp tục định hình chiến lược phát triển mới. Văn nghệ sĩ sẽ tiếp tục đổi mới tư duy sáng tạo, bắt nhịp với thời đại công nghiệp 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI). Từ đó, cho ra đời những tác phẩm chạm đến trái tim công chúng, góp phần quảng bá hình ảnh Đồng Nai giàu bản sắc đến bạn bè trong nước và quốc tế”.
Ly Na
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin