Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần có chế tài xử lý gian lận mã số vùng trồng

Bình Nguyên
08:48, 26/08/2023

Ngày 24-8, tại tỉnh Lạng Sơn, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị Tăng cường công tác quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Hội nghị cảnh báo về tình trạng gian lận, buông lỏng quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đang gây nguy hại cho hoạt động xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam.

Vùng trồng chuối xuất khẩu tại xã Thanh Sơn, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Bộ NN-PTNT đưa ra nhiều giải pháp tăng cường quản lý và sẽ sớm có chế tài nghiêm khắc với tình trạng gian lận mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

* Còn buông lỏng quản lý

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), tính đến tháng 7-2023, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói được cấp phép để xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc…

Đồng Nai là địa phương tích cực triển khai làm mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh đã có 170 mã số vùng trồng với hơn 26,8 ngàn ha và 86 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu đi các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT HOÀNG TRUNG, Bộ NN-PTNT đã đề xuất với Chính phủ xây dựng 2 nghị định, một nghị định về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói rau quả, trái cây phục vụ xuất khẩu; một nghị định quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm các quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Tuy nhiên, việc tăng nhanh về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu đang xuất hiện tình trạng buông lỏng quản lý. Theo Cục Bảo vệ thực vật, từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2023, đơn vị này đã nhận được nhiều thông báo không tuân thủ về kiểm dịch thực vật khi phát hiện các loại sinh vật gây hại trên các mặt hàng: mít, chuối, xoài, sầu riêng, chôm chôm, thanh long... Trong đó, các tỉnh bị cảnh báo nhiều như: tỉnh Tiền Giang vi phạm 267 lần (35,6%); Tây Ninh với 204 lần (27,2%); Đồng Nai 186 lần (14,8%)...

Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật cũng bị cảnh báo về tình trạng các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm như: sản phẩm chứa nấm mốc, vị khuẩn, kim loại nặng, chứa chất gây dị ứng, chất tạo màu không cho phép. Nguyên nhân được xác định do quá trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh, quản lý nguyên liệu đầu vào không tốt, bảo quản kém, lây nhiễm chéo trong quá trình bảo quản và vận chuyển, thiếu thông tin về hóa chất tạo màu.

Trong đó có nguyên nhân lớn là mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp phép với số lượng lớn nhưng việc giám sát còn hạn chế. Theo dẫn chứng của Cục Bảo vệ thực vật, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng chỉ đạt 40,8%, cơ sở đóng gói là 17%.

* Cần chế tài quản lý

Phản ánh thực tế về tình trạng quản lý mã số vùng trồng bị lơ là, Giám đốc HTX Dịch vụ đầu tư phát triển Nông Nghiệp Xanh (TT.Long Giao, H.Cẩm Mỹ) Trần Việt Cường chia sẻ, sau khi được cấp mã số vùng trồng sầu riêng, HTX rất quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn nông dân canh tác theo đúng quy định, tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Trong quá trình thực hiện, nông dân tuân thủ tốt và dần chuyển hướng canh tác theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, trong vụ thu hoạch sầu riêng vừa qua, có tình trạng thương lái nhiều nơi tập trung về địa phương tranh mua, tranh bán, thậm chí họ sẵn sàng mua sầu riêng chưa đủ độ già. Rất mong các cơ quan chức năng có cơ chế quản lý, thậm chí có chế tài xử lý tình trạng này để không ảnh hưởng đến uy tín chất lượng của cả ngành sầu riêng trên thị trường xuất khẩu.

Cùng quan điểm, ông Trần Văn Hiệp, Giám đốc Công ty CP Rau quả Tiền Giang (doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu các sản phẩm trái cây và rau củ ở tỉnh Tiền Giang) cho rằng, để tăng lợi thế cạnh tranh của trái cây, rau củ của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu, cần phải xây dựng quy trình khép kín từ ngoài đồng đến nhà máy, đóng gói đảm bảo sự đồng bộ về chất lượng. Doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến mong được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm và thông tin đó phải được công khai, minh bạch với những người có liên quan. Ở đây, việc xây dựng, nhân rộng và quản lý mã số vùng trồng đóng vai trò rất quan trọng.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phú Nguyên, khi chưa có chế tài, luật pháp xử lý những vi phạm về gian lận mã số vùng trồng, lừa mua, lừa bán thì cần sự tác động của cộng đồng, của đạo đức. Ở đây, đóng góp của lực lượng truyền thông là rất lớn, bằng cách truyền thông rộng rãi. Trong vấn đề này, không chỉ lên án doanh nghiệp, thương lái mà HTX, nông dân làm sai cũng phải lên án.

Tại hội nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, số lượng lớn các thông báo vi phạm của nước nhập khẩu cũng như tình trạng các lô hàng không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch, an toàn thực phẩm đang cảnh báo về công tác quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Nếu tình trạng vi phạm này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của hàng nông sản Việt Nam, thậm chí có thể đánh mất thị trường đã phải mất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa. Các ngành, địa phương cần quán triệt với doanh nghiệp về việc "không phải cứ cấp mã số xong là xong", mà khâu kiểm tra, giám sát cần thực hiện thường xuyên.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều