Là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước với nhiều ngành nghề sản xuất, dịch vụ hiện đại, đóng góp quan trọng vào hội nhập quốc tế, vùng Đông Nam bộ (ĐNB) đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao đang gặp nhiều khó khăn, cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn.
Vùng Đông Nam bộ đòi hỏi có nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển. Ảnh minh họa: V.Thế |
Liên kết vùng giữa các địa phương để đào tạo nguồn nhân lực, liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, cơ sở đào tạo đang là vấn đề đặt ra.
* Chưa đáp ứng được yêu cầu
Đơn cử, đối với ngành Logistics, theo ông Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng bộ phận nghiên cứu, Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, một điểm yếu của vùng ĐNB chính là nguồn nhân lực. Vùng này chiếm hơn 46% tổng nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics của cả nước. Trong đó, phần lớn nguồn nhân lực tập trung tại TP.HCM, chiếm 78% khu vực ĐNB. Tuy nhiên, con số này không nói lên được chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực logistics. Theo khảo sát, hầu hết nguồn nhân lực đang làm việc trong lĩnh vực logistics chưa được đào tạo một cách chính quy, hầu hết là thông qua kinh nghiệm.
Theo ông Tuấn đề xuất về mặt cơ chế, cần có sự phối hợp giữa các hiệp hội ngành logistics để có sự kết nối với các doanh nghiệp (DN), tư vấn, tổ chức đào tạo nhân sự cho vùng ĐNB. Còn với từng DN thì phải có những chính sách cụ thể hơn. Chú trọng nâng cao công tác đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực logistics. Trong đó, đầu tư vào việc tự đào tạo, hoặc kết nối với hiệp hội logistics để gửi đi đào tạo là yêu cầu cấp thiết.
Tương tự, đối với ngành sản xuất gỗ, nhân lực chất lượng cao cho ngành đang cực kỳ khan hiếm ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.
ĐNB hiện là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước. Toàn vùng có 57 trường đại học và 316 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ dân số có trình độ đại học trở lên của cả vùng khoảng 6,6%. |
Theo PGS-TS Vũ Mạnh Tường, Trưởng khoa Công nghiệp và kiến trúc (FIA), Phân hiệu Trường đại học Lâm nghiệp tại Đồng Nai thì đơn vị thường xuyên nhận được thông báo tuyển dụng từ các công ty ở Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM cho cả 2 ngành Công nghệ chế biến lâm sản và Thiết kế nội thất. Trong khi đó, nhân lực cho ngành gỗ hiện nay chủ yếu là lao động thủ công, để phát triển bền vững thì cần có đội ngũ lao động chất lượng, am hiểu kiến thức, vận hành được hệ thống máy và thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn của thế giới.
TS Nguyễn Tấn Bình, giảng viên cao cấp Đại học Andrews Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận định, vùng ĐNB có điều kiện và lợi thế để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như: lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; công nghiệp chế biến chế tạo; kinh tế số; tài chính ngân hàng; bất động sản… và đang dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế ở vùng ĐNB trong những năm qua có dấu hiệu chững lại, tính cạnh tranh giảm so với các vùng khác trong cả nước. Trong khi các vùng đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía Bắc, vùng Bắc bộ và duyên hải miền Trung có tốc độ phát triển cao hơn, ngày càng rút ngắn về giá trị tuyệt đối ở các chỉ tiêu năng suất lao động và GDP bình quân đầu người với vùng ĐNB. Điều này cho thấy các DN và các nhà quản lý vùng ĐNB nếu không sớm có chính sách phù hợp thì nguy cơ tụt hậu và mất động lực tăng trưởng vùng sẽ xảy ra.
* Đầu tư vào giáo dục - đào tạo để thêm động lực phát triển vùng
Ngành GD-ĐT của vùng xác định mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đứng đầu cả nước và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu lớn này, mỗi tỉnh, thành phố trong vùng cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là cần quy hoạch mạng lưới cơ sở GD-ĐT, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, chất lượng giáo dục các cấp học, tạo đột phá về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề liên kết vùng trong đào tạo nhân lực cũng được xem là giải pháp quan trọng.
Là “đầu tàu” trên mọi lĩnh vực của vùng ĐNB, việc đẩy mạnh liên kết vùng thời gian qua đòi hỏi TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò điều phối trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng. Trong năm 2023, Đại học Quốc gia TP.HCM đã đào tạo hơn 37 ngàn sinh viên thuộc 6 tỉnh, thành phố khu vực ĐNB. Đến năm 2025, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng sẽ mở phân viện đại học với quy mô 1 ngàn sinh viên/năm tại tỉnh Bình Phước. Ngoài ra, các trường đại học, học viện của thành phố và trường đại học địa phương cũng đang tăng cường hợp tác đào tạo. Sự liên kết này sẽ giúp cho các tỉnh trong khu vực có điều kiện nâng cao nguồn nhân lực của tỉnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Sự liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh trong khu vực ĐNB trong phát triển nguồn nhân lực đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng so với nhu cầu của cộng đồng DN thì vẫn còn thiếu. Để đạt kết quả cao hơn nữa, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, sự liên kết này cần phải được thắt chặt, đồng bộ hơn, nhất là về những chính sách phát triển nguồn nhân lực của các tỉnh, thành phố.
Tại Đồng Nai, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, tỉnh triển khai các giải pháp gồm: thực hiện quy hoạch, định hướng, dự báo phát triển GD-ĐT đảm bảo bao quát, phù hợp với thực tiễn và khả thi. Đảm bảo quy hoạch quỹ đất cho phát triển GD-ĐT. Thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Tăng cường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở GD-ĐT công lập. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Để hỗ trợ GD-ĐT của vùng và địa phương, tại hội nghị Phát triển GD-ĐT vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (tổ chức vào tháng 4-2023), Đồng Nai kiến nghị các bộ, ngành xem xét, tham mưu không thực hiện tinh giản biên chế ngành Giáo dục, đặc biệt đối với các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu học sinh tăng hàng năm rất cao. Bộ GD-ĐT sớm tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển GD-ĐT giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045; Quy hoạch mạng lưới đại học, mạng lưới các trung tâm giáo dục hòa nhập đến năm 2030 theo Luật Quy hoạch để làm cơ sở cho các địa phương phát triển các cơ sở giáo dục phù hợp với đặc thù của tỉnh và tính liên kết của vùng.
Văn Gia
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin