Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển các hệ sinh thái công nghệ số

Hải Quân
08:36, 07/10/2023

Đông Nam bộ là khu vực phát triển kinh tế năng động nhất cả nước với hàng trăm ngàn doanh nghiệp (DN) đã và đang tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là khu vực có hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa sôi động.

Người dân, doanh nghiệp tham quan các gian hàng giới thiệu các nền tảng, dịch vụ số tại một triển lãm công nghệ được tổ chức tại TP.HCM năm 2023

Điều này thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ số, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin của khu vực. Tại các địa phương trong khu vực, nhiều DN, start-up công nghệ có những cơ hội phát triển mạnh mẽ với các sản phẩm/dịch vụ phục vụ cộng đồng.

* Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Nhiều địa phương trong khu vực đã và đang đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; lấy DN làm nòng cốt nhằm xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo dựa trên thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ, các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ có sự phát triển mạnh về kinh tế so với các khu vực khác nên có cộng đồng DN đông đảo, nhu cầu hàng hóa nhiều là điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ươm mầm phát triển.

Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025. Theo đó, các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo gồm: chuyển đổi số, công nghệ thông tin - truyền thông, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics, công nghiệp chế biến sâu nông sản và các dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…

Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển DN công nghệ số tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu tổng quát là tạo điều kiện thuận lợi để DN ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Báo cáo về chỉ số Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam năm 2022 (Viet Nam ICT Index 2022) do Bộ TT-TT vừa công bố, Đồng Nai xếp hạng 8 cả nước và dẫn đầu khu vực Đông Nam bộ về chỉ số này.

Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ TT-TT) Nguyễn Thiện Nghĩa nhận định, khu vực Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất. Việc thúc đẩy chuyển đổi số hạ tầng các khu công nghiệp sẽ góp phần khuyến khích các DN chuyển đổi số, gia tăng tỷ lệ về tự động hóa, phát triển hoạt động công nghiệp phụ trợ liên quan đến công nghệ số…

Tại TP.HCM, thành phố đang tập trung xây dựng 3 nhóm dữ liệu: nhóm dữ liệu về người dân; nhóm dữ liệu tài chính - DN; nhóm dữ liệu về đất đai - đô thị, đồng thời mở rộng xây dựng hạ tầng số và tăng cường an toàn thông tin… Cùng với đó, thành phố còn triển khai nền tảng số của các hạ tầng thông tin quy mô thành phố, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, triển khai chương trình trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng dữ liệu mở…

Tương tự, tỉnh Bình Dương cũng triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số rộng rãi, có hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, hoạt động của DN và người dân; chú trọng đầu tư hoàn thiện, kết nối hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin. Qua đó, góp phần thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng…

Vào cuối tháng 8-2023, UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định cho phép thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore tại Bình Dương. Trung tâm này hướng đến kết nối, xây dựng định hướng, tạo môi trường nghiên cứu khoa học công nghệ; hỗ trợ DN chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh đáp ứng xu thế cuộc cách mạng 4.0. Đồng thời, hỗ trợ và thúc đẩy các chương trình đổi mới sáng tạo, tập trung các lĩnh vực nghiên cứu phát triển, tạo dựng hệ sinh thái mới cho cộng đồng DN…

* Nâng “hàm lượng” kinh tế số

Theo xếp hạng tỉ trọng kinh tế số trong GRDP của các địa phương trên cả nước năm 2022 do Bộ TT-TT vừa công bố vào tháng 8-2023, có 3 địa phương dẫn đầu Đông Nam bộ là: TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Trong đó, TP.HCM đứng thứ 7 cả nước với tỉ trọng đạt 18,66%. Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của Đồng Nai đạt 10,12%, đứng thứ 18 trên cả nước.

Trong những năm qua, các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ có nhiều nỗ lực trong việc phát triển số hóa trên nhiều lĩnh vực, tạo tiền đề để phát triển kinh tế số, thúc đẩy các dịch vụ ngân hàng số, thương mại điện tử. Các mô hình thương mại điện tử ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng…

Trên thực tế, giữa bối cảnh các mô hình kinh tế số ngày càng phát triển, cùng với việc nắm bắt những thay đổi trong thói quen tiêu dùng, để tồn tại, nâng cao giá trị cạnh tranh, các DN cũng cần thay đổi thông qua việc đẩy mạnh tự động hóa, tìm hiểu và ứng dụng chuyển đổi số theo lộ trình phù hợp.

Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM Trần Ngọc Liêm chia sẻ, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trong đó có các ứng dụng về AI vào vận hành DN, nhà máy, khu công nghiệp là xu thế tất yếu. Điều này đòi hỏi các DN cần có kế hoạch, lộ trình triển khai phù hợp để nâng cao sức cạnh tranh, tối ưu hóa chi phí sản xuất, trong đó tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số…

Hải Quân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích