Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác tiềm năng ngành thủy sản

Bình Nguyên
09:21, 02/12/2023

Đông Nam bộ (ĐNB), mà tiêu biểu là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều ngư trường lớn và là một trong những vùng biển quan trọng cho ngành đánh bắt và nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ. ĐNB còn có nhiều hồ nước và hệ thống sông ngòi lớn, thuận lợi phát triển đánh bắt, nuôi thủy sản nước ngọt. Theo đó, ngành đánh bắt, nuôi thủy, hải sản của nhiều tỉnh, thành của vùng có mức tăng trưởng cao. 

Mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm nước lợ tại H.Nhơn Trạch. Ảnh: B.Nguyên
Mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm nước lợ tại H.Nhơn Trạch. Ảnh: B.Nguyên

Tăng cường liên kết vùng để phát triển nuôi thủy sản áp dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là khuyến khích các mô hình nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi thủy sản tốt, nuôi hữu cơ… để nâng cao giá trị và phát triển bền vững là định hướng của ngành thủy sản ĐNB trong thời gian tới.

* Nhiều lợi thế phát triển nuôi thủy, hải sản

Vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế tự nhiên và điều kiện thuận lợi để khai thác hải sản và phát triển ngành ngư nghiệp. Cụ thể, lợi thế về địa lý và điều kiện tự nhiên như: có vùng bờ biển với hàng loạt vịnh, cửa sông và bãi biển. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho đánh bắt cá và nuôi thủy sản. Vùng này cũng có một lịch sử lâu đời về đánh bắt và nuôi thủy, hải sản…, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành ngư nghiệp ở ĐNB, giúp cung cấp thực phẩm và nguồn thu nhập cho nhiều người dân trong khu vực. Khí hậu nhiệt đới và ôn đới ẩm ở ĐNB giúp thúc đẩy sự phát triển của nhiều loại thủy, hải sản. Điều này tạo cơ hội cho ngư dân trong đánh bắt và nuôi nhiều loại thủy, hải sản khác nhau, tạo ra sự đa dạng về nguồn lợi thủy sản.

ĐNB còn có lợi thế về hạ tầng giao thông phát triển với nhiều cảng biển và cơ sở lưu trữ lớn, giúp thuận lợi cho việc vận chuyển và tiếp thị thủy, hải sản. Đây cũng là lợi thế để vùng thu hút phát triển chế biến sâu với công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thực phẩm từ nguồn thủy, hải sản đáp ứng thị trường lớn TP.HCM, các thành phố lớn trong cả nước và xuất khẩu.

Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có thế mạnh nhất của cả vùng ĐNB trong phát triển nghề khai thác cũng như nuôi hải sản. Trong đó, trung tâm nghề cá lớn tại đảo Gò Găng, TP.Vũng Tàu gắn kết với ngư trường ĐNB là một phần quan trọng của kế hoạch phát triển ngành ngư nghiệp và thủy sản ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, của cả vùng nói chung. Trung tâm nghề cá lớn này còn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giúp tăng cường vốn đầu tư cho ngành ngư nghiệp và thủy sản. Điều này có thể tạo ra nhiều cơ hội mới cho phát triển ngành này và tạo ra các dự án liên quan. Ngành đánh bắt hải sản ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cung cấp thực phẩm biển cho khu vực ĐNB và cả nước. Sự phát triển của ngành thủy sản cũng có vai trò quan trọng cung cấp thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đóng góp vào nền kinh tế quốc gia.

Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành của vùng ĐNB có lợi thế về khai thác và nuôi thủy sản nước lợ, nước ngọt. Trong đó, Đồng Nai là tỉnh có diện tích mặt nước lớn nhất vùng ĐNB với hệ thống sông ngòi khá phong phú như: hệ thống sông Đồng Nai, sông La Ngà và sông Thị Vải với diện tích gần 70 ngàn ha mặt nước. Đây là lợi thế rất lớn để tỉnh phát triển khai thác và nuôi thủy sản nước lợ, nước ngọt.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, những năm qua, diện tích nuôi thủy sản của tỉnh không ngừng được mở rộng. Hiện tổng diện tích nuôi thủy sản ao, hồ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 8 ngàn ha. Nhiều địa phương đã hình thành được những vùng chuyên canh nuôi thủy sản, trong đó có những vùng nuôi các loại đặc sản đã được thị trường biết tiếng, cho thu nhập cao như vùng nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ (H.Tân Phú) hình thành hơn 20 năm nay với diện tích hàng chục ha. Về thủy sản nước lợ, H.Nhơn Trạch là vùng nuôi thủy sản nước lợ lớn nhất tỉnh với gần 2 ngàn ha. Địa phương đã hình thành được những vùng chuyên canh nuôi các loại đặc sản như: tôm thẻ, tôm sú… Nhiều năm qua, ngành thủy sản của Đồng Nai luôn đạt mức tăng trưởng tốp đầu so với các lĩnh vực khác như: trồng trọt, chăn nuôi. Đây cũng là ngành thế mạnh tỉnh tập trung phát triển trong thời gian tới. Hiệu quả sử dụng đất nuôi thủy sản cũng không ngừng tăng lên, đạt mức 485 triệu đồng/ha/năm 2022.

* Liên kết vùng để phát triển bền vững

Theo mục tiêu của vùng ĐNB về phát triển ngành khai thác, nuôi thủy, hải sản trong thời gian tới là tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng; kết nối chuỗi giá trị toàn cầu trong phát triển các sản phẩm thủy, hải sản mà vùng có lợi thế. Hợp tác, liên kết trong xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt hệ thống các kho bảo quản, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt, đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị.

Theo dự thảo quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ KH-ĐT, mục tiêu đặt ra là tiếp tục nâng cao hiệu quả và tính bền vững của khai thác hải sản vùng khơi, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản. Phát triển nuôi hải sản ven biển, ven đảo; nuôi thủy sản hiệu quả trên sông, các hồ chứa nước lớn. Phát triển nuôi trồng thủy sinh vật cảnh theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu. Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển có điều kiện thuận lợi; tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Ngư dân đánh bắt thủy sản nước ngọt trên sông Đồng Nai
Ngư dân đánh bắt thủy sản nước ngọt trên sông Đồng Nai

Phát triển các cơ sở chế biến sâu, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thực phẩm ăn liền phục vụ du lịch, thị trường TP.HCM, các thành phố lớn trong cả nước và xuất khẩu. Đầu tư trung tâm nghề cá lớn Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với ngư trường ĐNB đồng bộ với các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, kết cấu hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá tại Vũng Tàu, Côn Đảo, các trung tâm logistics, kho ngoại quan trong vùng...

Về hệ thống cảng cá, dự kiến gồm 16 cảng cá đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng trên 300 ngàn tấn/năm. Hệ thống khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá dự kiến có 6 khu neo đậu đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 7 ngàn tàu cá.

Cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nuôi trồng thủy, hải sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội. Phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trên biển vững mạnh. Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản giai đoạn 2021-2030, vùng ĐNB duy trì khoảng 520-530 ngàn tấn. Trong đó, sản lượng nuôi đạt khoảng 150-155 ngàn tấn, sản lượng khai thác đạt khoảng 370-400 ngàn tấn.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Hải Sản: Hai San Trung Nam HCM