Báo Đồng Nai điện tử
En

'Tứ giác' kinh tế tìm cách bứt phá trong năm 2024

Uyển Nhi
08:36, 17/02/2024

TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu được mệnh danh là “tứ giác” kinh tế trong đầu tàu phát triển kinh tế của Việt Nam. Năm 2024 là năm bản lề trong kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025 nên mỗi tỉnh, thành đều đưa ra các giải pháp từ đầu năm để bứt phá về đích với mức tăng trưởng cao.

Sản xuất tại nhà máy của Công ty TNHH Nestlé (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). Đây là một trong 100 doanh nghiệp phát triển bền vững, đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước. Ảnh: U.NHI

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Việt Nam gồm 23 chỉ tiêu. Trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng là: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20%. Khu vực “tứ giác” kinh tế Đông Nam bộ (ĐNB) đặt ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cao hơn bình quân chung cả nước.

* Tiếp tục dẫn đầu trong thu hút đầu tư

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), trong năm 2023, cả nước thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) được 36,61 tỷ USD thì riêng vùng “tứ giác” ĐNB đạt gần 10 tỷ USD, chiếm hơn 27,3% trong tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Trong 10 tỉnh, thành thu hút FDI lớn nhất cả nước, có 3 địa phương thuộc “tứ giác” kinh tế vùng ĐNB là TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Và trong tháng 1-2024, ĐNB vẫn là nơi dẫn đầu trong thu hút vốn đầu tư FDI và vốn trong nước vào các dự án trên nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, bất động sản, thương mại dịch vụ, logistics, hạ tầng kỹ thuật…

Quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030 đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản tăng trưởng thấp là 6,48%/năm, trung bình 8,07%/năm và cao là 9,22%/năm.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, năm 2024, chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của thành phố là 7,5-8% so với năm 2023. Trong đó, thành phố sẽ tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, những dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia trên địa bàn thành phố sẽ được đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, kết nối giao thông vùng, tăng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực để phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2023, dù kinh tế gặp nhiều trở ngại nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn thu hút đầu tư FDI được hơn 1,4 tỷ USD. Năm nay dự báo kinh tế sẽ “sáng” hơn nên Bà Rịa - Vũng Tàu đặt ra kế hoạch thu hút vốn FDI khoảng 2,9 tỷ USD. Bên cạnh đó, tỉnh này sẽ tăng huy động nguồn vốn trong nước đầu tư vào dự án trên các lĩnh vực để phát triển.

Với Bình Dương, năm 2023, thu hút vốn FDI của tỉnh này đạt hơn 1,54 tỷ USD. Lũy kế đến giữa tháng 1-2024, doanh nghiệp FDI đầu tư vào Bình Dương hơn 4,2 ngàn dự án với tổng vốn đăng ký trên 40,3 tỷ USD, xếp thứ 3 cả nước về thu hút FDI (sau TP.HCM và Hà Nội). Năm 2024, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung vào ngoại giao kinh tế để thu hút đầu tư công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Tại Đồng Nai, thu hút vốn FDI vào tỉnh đã có sự khởi sắc từ đầu năm 2024. Cụ thể, trong tháng 1-2024, thu hút FDI đạt gần 400 triệu USD; đặc biệt, các dự án thu hút được đều có công nghệ hiện đại và thuộc ngành nghề tỉnh đang ưu tiên mời gọi đầu tư là công nghiệp hỗ trợ và chế biến sâu nông sản. Theo Sở KH-ĐT, năm nay Đồng Nai đặt ra kế hoạch thu hút vốn FDI khoảng 1,1 tỷ USD, trong đó có 700 triệu USD vào các khu công nghiệp và 400 triệu USD vào các dự án ngoài khu công nghiệp.

* Để trở thành đầu tàu mạnh

Năm 2024, dự đoán tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn nhưng TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP khá cao. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công; thu hút đầu tư trong nước, FDI; tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp; đơn giản và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực, tăng xúc tiến thương mại được xem là giải pháp chính để tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng GRDP của các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐNB và cả nước.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, trên lĩnh vực kinh tế, năm 2024, Đồng Nai đặt ra kế hoạch là GRDP sẽ tăng 6,5-7% so với năm trước; kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng 8%; nguồn vốn huy động toàn xã hội đạt 124 ngàn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 148 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước đạt dự toán. Để đạt được kế hoạch trên, ngày 2-1, tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trọng tâm năm 2024. Tỉnh sẽ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng các dự án, tiến độ các công trình trọng điểm, quản lý chặt đất đai, môi trường và chỉnh trang đô thị.

Hiện nay, vùng ĐNB đang là trung tâm công nghiệp, dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, du lịch, thương mại, logistics lớn nhất cả nước. Trong vùng có gần 120 khu công nghiệp đã thành lập, chiếm gần 31% số khu công nghiệp của cả nước, thu hút hơn 7,5 ngàn dự án. Đồng thời, ĐNB có khoảng 14,8 ngàn doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% cả nước; đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa của cả nước.

Trong quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ĐNB tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế. Theo đó, ĐNB sẽ huy động tối đa nguồn nội lực cho phát triển, kết hợp hài hòa với ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững. Các doanh nghiệp trong vùng phải đi đầu trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội phải lấy con người làm trung tâm. Tạo môi trường sống tốt nhất để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc tại địa bàn vùng.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để vùng ĐNB trở thành đầu tàu mạnh trong phát triển kinh tế thì tập trung đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất để khắc phục các điểm “nghẽn”, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Trong đó ưu tiên nguồn vốn đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hội đồng Điều phối vùng ĐNB cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng để khai thác tốt lợi thế của từng địa phương trong vùng.

Uyển Nhi

Tin xem nhiều